Cùng suy ngẫm

Nhân lên cái đẹp trong trường học

Thời gian gần đây, môi trường học đường ở một số địa phương trong cả nước xảy ra không ít sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo và môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều những câu chuyện đẹp tại không ít trường học đang góp phần lan tỏa sự ấm áp và tình yêu thương, tình thầy trò trong mùa đông này.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THCS và THPT Trung Hóa, Quảng Bình. (Ảnh: http://quangbinh.edu.vn/)
Học sinh Trường THCS và THPT Trung Hóa, Quảng Bình. (Ảnh: http://quangbinh.edu.vn/)

Sáng sớm ngày đầu đợt giá lạnh đầu tiên mùa đông năm nay, học sinh vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) co ro trong gió mùa đông bắc và mưa phùn để đến trường. Trời lạnh nhưng các em vẫn thấy ấm lòng bởi trước đó, thầy giáo Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trung Hóa Hoàng Văn Hải đã nhắn trên trang cá nhân rằng: "Hiện không khí lạnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Minh Hóa. Nhiệt độ phổ biến từ 15-180C, vào ban đêm nhiệt độ có thể còn thấp hơn. Ngày mai các em học sinh đến trường cần lưu ý ăn đủ no, mặc đủ ấm. Mặc nhiều lớp áo (áo cũ mặc trong, áo lành mặc ngoài). Trực ban không chấm thi đua về trang phục. Các phòng học đóng kín các cửa sổ tránh gió lạnh lùa vào.

Trường không tổ chức các hoạt động ngoài trời lúc giờ ra chơi. Các em hăng say học bài, phát biểu xây dựng bài, tham gia tích cực các hoạt động nhóm... có thể xua tan giá rét. Nếu ai có biểu hiện không tốt về sức khỏe cần đến ngay bộ phận Y tế nhà trường để được chăm sóc". Lời nhắn chân tình đồng thời là sự chỉ đạo thấu đáo của thầy hiệu trưởng đã lan tỏa sự quan tâm, chăm sóc học sinh và gây ấn tượng tốt với các bậc cha mẹ học sinh ở Minh Hóa.

Cách Trung Hóa không xa là xã miền núi Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, nơi học sinh đến trường còn nhiều khó khăn, nhất là do đường xa, các em lại thiếu xe đạp. Mỗi năm, thầy, cô giáo nơi đây vận động được hàng chục chiếc xe đạp mới trao tặng học sinh người Mã Liềng (dân tộc Chứt) để tạo thuận lợi cho các em đến trường. Nhưng ngặt nỗi, vốn quen với lối sống tự do nên khi các em học sinh đi học về dựng xe đạp dưới nhà sàn, bất cứ ai có nhu cầu thì sử dụng mà không cần biết đó là xe của ai. Sau một thời gian sử dụng, xe hỏng, vứt chỏng chơ dưới nhà sàn, học sinh không có phương tiện đến trường nên thường nghỉ học. Vậy là các thầy giáo ở Lâm Hóa làm thêm nhiệm vụ đi tìm và sửa xe miễn phí để trao lại cho học sinh. Công việc không hề có giáo án ấy diễn ra đều đặn và đã mang lại niềm vui cho học sinh trong mỗi ngày đến trường.

Từ vùng cao nguyên, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang, 33 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học tỉnh Lâm Đồng là những người có năng lực chuyên môn tốt đã tình nguyện dạy học trực tuyến cho học sinh nơi địa đầu Tổ quốc. Cùng với việc dạy học tại trường, mỗi giáo viên ở Lâm Đồng còn sắp xếp thời gian dạy học trực tuyến 2-3 tiết/tuần cho học sinh Hà Giang, bắt đầu từ tháng 10/2023 cho đến hết năm học 2023-2024. Các thầy, cô giáo cố gắng đầu tư bài giảng trực tuyến phù hợp với khả năng cũng như tạo hứng thú cho học sinh bởi hầu hết học sinh đều là dân tộc thiểu số, trong đó có không ít em lần đầu làm quen với môn tiếng Anh. Cứ đều đặn mỗi tuần, cô giáo thì ở Đơn Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng), còn học sinh thì ở vùng cao Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang) say sưa với những bài học tiếng Anh qua phần mềm dạy học trực tuyến. Cô và trò vẫn dễ dàng tương tác với nhau trong sự hào hứng.

Rõ ràng, những việc làm, lời nhắc nhở, sự quan tâm, chia sẻ đều xuất phát từ tình thương yêu dành cho học trò. Vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều thầy, cô giáo vẫn vững vàng trên bục giảng, chắt chiu kiến thức để trao truyền cho thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều thầy, cô giáo không quản ngại khó khăn, cách trở để làm, để đưa nguồn kiến thức mới đến với học sinh ở các vùng đất khó, góp phần đào tạo thế hệ trẻ sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Hy vọng những việc làm đó được tiếp tục nhân lên để lan tỏa hơn nữa những điều tốt đẹp trong trường học và cộng đồng.