Tranh thủ lợi thế, đưa ngành hàng dệt may phát triển

NDO -

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam hai tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ.

May quần áo xuất khẩu ở Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan (Nghệ An).   
May quần áo xuất khẩu ở Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan (Nghệ An).   

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý II, quý III. Ðiều này sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của  năm 2013 với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18,5 đến 19 tỷ USD.  Ðây là tín hiệu vui của ngành sau một thời gian dài thiếu đơn hàng sản xuất.

Những tín hiệu vui

Tín hiệu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã được ghi nhận ngay trong những tháng đầu năm 2013. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn hàng xuất khẩu trong quý I và quý II năm 2013. Ðây là tín hiệu vui cho ngành dệt may khi thị trường xuất khẩu sau một thời gian trầm lắng, thiếu đơn hàng xuất khẩu hiện nay các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đã đưa ra chính sách tiền tệ, khôi phục nền kinh tế do đó sức mua hàng dệt may của người tiêu dùng ở những thị trường này tăng. Theo Vitas năm 2013, tổng nhu cầu dệt may toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 2,32%, với giá trị 713 tỷ USD, trong đó, Mỹ được dự báo sẽ nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 103 tỷ USD, tăng hơn 3%; EU nhập 234 tỷ USD; Nhật Bản nhập khẩu 49 tỷ USD, tăng trưởng 10%; Hàn Quốc duy trì ở mức 10,5 tỷ USD và các thị trường khác tăng khoảng 5% đạt ngưỡng 315 tỷ USD... Ðây cũng chính là cơ hội và động lực để Việt Nam mở rộng thị phần tiêu thụ, trở thành một trong những nhà cung ứng hàng dệt may quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu trong thời gian tới. Ðồng thời do hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá thành, nhiều đơn hàng được khách hàng chuyển dịch từ thị trường khác sang đặt hàng tại Việt Nam.

 Theo  Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vitas Ðặng Phương Dung, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu dệt may cho thấy đơn hàng xuất khẩu tăng. Nhiều DN, sau một thời gian bị giảm đơn hàng thì hiện nay các nhà nhập khẩu, nhất là từ những thị trường lớn đã yêu cầu nhà sản xuất tăng lượng hàng xuất so cùng kỳ năm 2012. Có DN trong ngành đã ký hợp đồng sản xuất đến hết quý III, thậm chí hết năm với các nhà nhập khẩu với lượng đặt hàng khá lớn.  Ðiều này đồng nghĩa với việc DN có nhiều việc làm nhưng phải tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ giao hàng, thậm chí có DN thừa đơn hàng đã phải tìm nơi sản xuất gia công để giao hàng kịp tiến độ.

Chia sẻ điều này, Phó Tổng Giám đốc  Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Hoàng Vệ Dũng cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2013, hoạt động sản xuất ở nhiều DN dệt may của Vinatex đã diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Sau những ngày nghỉ Tết Quý Tỵ, các DN thuộc Vinatex  đã đồng loạt ra quân mở máy đầu năm, bắt tay sản xuất những lô hàng xuất khẩu để kịp giao hàng. Các DN như May 10 ra quân mồng 5 Tết, các Tổng công ty (TCT) may Hưng Yên, Ðáp Cầu, Ðức Giang, các TCT dệt như Ðông Xuân, Việt Thắng làm việc từ mồng 6 Tết. Các DN cổ phần Phong Phú, May 10,  Ðáp Cầu, Dệt may Nam Ðịnh, Ðức Giang, Việt Thắng, Việt Tiến, Ðồng Nai, Hòa Thọ, Phú Bài, Nhà Bè, Hưng Yên... đã có đủ đơn hàng để sản xuất hết quý II, quý III-2013. Tình trạng lao động thiếu việc làm sau Tết Quý Tỵ cũng giảm hẳn so với những năm trước, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Tỷ lệ biến động lao động ở mức rất thấp so với năm ngoái, chỉ dao động trong khoảng 1-2%, TCT cổ phần Phong Phú 100% số lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, trong lúc tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, việc giữ được công việc ổn định tại các DN dệt may lớn có thương hiệu, với mức thu nhập khá và ổn định cũng là một trong những động lực để lao động gắn bó hơn với DN, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm của toàn Tập đoàn đạt 313,9 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ năm trước, giữ vai trò đầu tàu của mình. Trong đó tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành đạt 48%, thì Vinatex đạt 51%. Nhiều DN thành viên tiếp tục tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu như các Tổng công ty: Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Ðức Giang, Hưng Yên... Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường từ cuối năm 2012 của các DN dệt may đã được quan tâm, nhờ đó ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2013, các DN đều có đơn hàng xuất khẩu. Ðể ổn định lực lượng lao động, đáp ứng về năng lực sản xuất, Vitas khuyến khích các DN đầu tư các nhà máy may

về các địa phương như Dệt may Hòa Thọ mở rộng Nhà máy may veston tại Hòa Thọ, May Ðức Giang đầu tư Nhà máy may Hưng Nhân (Thái Bình)...

TCT May 10 là DN có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU đến quý III. Việc đầu tư mở rộng sản xuất tại Thái Bình, Thanh Hóa đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất những sản phẩm có thế mạnh như sơ-mi chất lượng cao. Ðổi mới công tác nghiên cứu tổ chức để nâng cao năng suất lao động dựa trên cơ sở áp dụng phần mềm thao tác chuẩn IEES, giảm thao tác thừa trong sản xuất... đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

TCT may Ðồng Nai và nhiều DN may xuất khẩu thuộc Vinatex cho  người lao động nghỉ Tết đến ngày mồng 9 Tết đi làm trở lại, Mặc dù có nhiều lao động nhà ở xa, nhưng lao động đều có mặt đông đủ bắt tay ngay vào sản xuất để thực hiện đúng thời gian giao đơn hàng xuất khẩu. Là DN đã có uy tín với khách hàng cho nên DN luôn nhận được những đơn hàng của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Ðể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 60 triệu USD, tăng 20%  so cùng kỳ năm trước, Tổng công ty May Ðồng Nai tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy tại thị xã Ðồng Xoài (Bình Phước), tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu những đơn hàng lớn. Từ ngày 1-3, TCT đã thu hút được 300 lao động địa phương vào đào tạo may xuất khẩu, dự kiến sau ba tháng học nghề số công nhân này bắt đầu vào dây chuyền sản xuất.

Các DN trong ngành đang bám chắc các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản nhằm tận dụng cơ hội kinh doanh. Khai thác cơ hội khi khách hàng nhập khẩu hàng dệt may có xu hướng chuyển dịch các đơn hàng sang những nước có giá thành cạnh tranh như Việt Nam. Theo đó mục tiêu phấn đấu sẽ xuất khẩu  sản phẩm sang thị trường Mỹ là 8,5 tỷ USD; EU 2,4 tỷ USD; Nhật Bản 2,4 tỷ USD; Hàn Quốc 1,5 tỷ USD. Ðến nay nhiều DN đã có hợp đồng xuất khẩu hết quý II, nhiều khách hàng truyền thống đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cả năm.

Ðể hàng dệt may tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Với lợi thế ổn định chính trị - xã hội và nguồn lao động, Dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh xuất khẩu và phát triển. Phó Chủ tịch Vitas Ðặng Phương Dung cho rằng, để ngành dệt may Việt Nam tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, thực hiện mục tiêu năm 2013 đạt kim ngạch 19,3 tỷ USD, các DN cần nỗ lực phấn đấu theo kịp tiến trình phát triển chung của ngành dệt may thế giới, kiên định trong việc lựa chọn thị trường ngách, sản phẩm đặc thù, cũng như có kế hoạch trở thành đối tác chiến lược dài hạn với các nhà cung cấp lớn. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung công tác thị trường, xúc tiến thương mại. Bên cạnh việc duy trì thị trường chính, các DN cần chủ động tìm kiếm, mở thêm thị trường mới mà tại đó Việt Nam và những nước nhập khẩu hàng may mặc Việt Nam đã ký Hiệp định tự do thương mại để được hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong tổng nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may 700 tỷ USD của toàn cầu, Dệt may Việt Nam cung ứng được 19,3 tỷ USD là một thành công. Rõ ràng, cơ hội cho ngành dệt may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là rất lớn. Dệt may Việt Nam đã có bước nhảy vọt về xuất khẩu trong những năm qua và được kỳ vọng sẽ gây đột phá trong thời gian tới, khi mà các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các thị trường lớn như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và đặc biệt là thị trường Mỹ có hiệu lực.

Theo đánh giá của Vitas, mặc dù các DN đang có nhiều lợi thế đơn hàng xuất khẩu, dồi dào hơn so với năm 2012, do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng đặt hàng, nhưng khó khăn, trở ngại vẫn còn nhiều. Trong đó, ngoài khó khăn về vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về chi phí đầu vào tăng như giá điện, xăng, dầu, chi phí vận chuyển, tiền lương tăng từ ngày 1-1-2013, bảo hiểm người lao động... tăng từ 17 đến 18% so cùng kỳ năm trước. Việc tăng thu nhập cho người lao động là áp lực lớn để giữ chân họ gắn bó với DN.

Việc thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho túi ni-lông (dùng cho bao gói sản phẩm) từ ngày 1-1-2012 đã làm giá thành túi tăng gấp hai lần. Ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng DN khó tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, nhất là đối với việc vay vốn dài hạn và trung hạn để đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất. 

 Các DN dệt may còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như bông, xơ, máy móc thiết bị, trình độ quản lý, năng suất lao động còn thấp, thiếu sự kết nối trực tiếp với thị trường. Chi phí vốn quá cao, cụ thể, ngành sợi phải nhập khẩu khoảng hơn 90% bông, xơ, hóa chất... trình độ sản xuất và quản lý chưa thật sự chuyên nghiệp, ngành may vẫn chủ yếu làm gia công. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của ngành dệt may, lợi thế này đang dần mất  khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp lao động giá rẻ hơn hoặc thông qua các biện pháp nâng cao năng suất.

Phó TGT Vinatex Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh, các DN dệt may cần tiếp tục sắp xếp sản xuất hợp lý để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, như áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, tích cực chủ động  tham gia vào chuỗi liên kết giữa các đơn vị trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng hàng dệt may Việt Nam. Ðồng thời cùng nhau tăng cường hợp tác trong ngành để chia sẻ thông tin, hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau, tránh bị khách hàng lợi dụng ép giảm giá, cùng hợp tác chống bán phá giá, đồng thời cam kết tăng cường sử dụng tối đa nguyên phụ liệu của DN trong nước và chuyển hướng sang thị trường mới giá rẻ và ổn định hơn nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Các DN tăng năng lực kinh doanh, cố gắng giảm thiểu gia công xuất khẩu, chuyển dần sang làm hàng FOB (mua đứt bán đoạn), thậm chí mạnh dạn làm các đơn hàng tự thiết kế (ODM)... để tăng thêm giá trị của sản phẩm. Các DN trong ngành tiếp tục triển khai công nghệ Lean trong quản lý. Ðây là phương pháp tinh gọn nhằm loại bỏ chi  phí lãng phí ra khỏi công nghệ, dây chuyền sản xuất, tạo hiệu quả cao, tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh, thu hút được đối tác, khách hàng. 

Bên cạnh sự nỗ lực của DN, vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong Chiến lược phát triển ngành dệt may đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên cho dệt, may, phụ liệu; có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành; khai thác lợi thế của các Hiệp định Tự do thương mại FTA và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) để từ đó tranh thủ mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh hàng Việt Nam xuất khẩu. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cấp quản lý từ tổ, kỹ thuật, nhà thiết kế, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giám đốc tài chính, sản xuất, kinh doanh.