Khu kinh tế động lực mang tên Vũng Áng

NDO -

NDĐT - Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang được tập trung đầu tư, phát triển nhanh với nhiều dự án có quy mô lớn mang tầm quốc gia và quốc tế; từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, khu vực, cả nước và góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng, an ninh ngành thép của quốc gia.

Một góc đại dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Một góc đại dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng.

“Siêu” dự án Formosa

Bất kỳ đoàn khách nào của T.Ư hay tỉnh bạn khi đến Hà Tĩnh đều mong muốn tận mắt thấy “siêu” dự án Formosa (FHS) ở KKT Vũng Áng. Trên diện tích 3.000 ha, Tập đoàn Formosa (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư Khu liên hợp gang thép có quy mô giai đoạn 1 lên đến 10 triệu tấn sản phẩm/năm; tổ hợp các nhà máy nhiệt - hơi điện với tổng công suất 2.200 MW cùng hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu “siêu” tải trọng 200 - 300 nghìn DWT. Số vốn đầu tư cho siêu dự án này lên hơn 20 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 10 tỷ USD.

Điều đáng nói, mặc dù triển khai đúng vào giai đoạn khủng hoảng thế giới nhưng hầu như tiến độ xây dựng dự án vẫn được bảo đảm theo đúng cam kết với Chính phủ. Mới khởi công xây dựng từ tháng giữa năm 2008 nhưng đến nay lò cao số 1 và 2 đã cơ bản hoàn thành để cuối năm 2015 cho ra sản phẩm; đầu năm 2016 chính thức đi vào sản xuất. Kết thúc giai đoạn 1, Formosa sẽ nâng công suất lên 22 triệu tấn thép/năm và trở thành nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông - Nam Á.

Theo đánh giá của nhà đầu tư Formosa, bên cạnh nhu cầu sử dụng thép của Việt Nam và khu vực, Chính phủ Việt Nam cùng tỉnh tạo môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư thì ưu thế về vị trí địa lý và cảng nước sâu Sơn Dương sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, tạo ra sản phẩm có giá thành thấp có sức cạnh tranh cao. Cụ thể hơn, Dự án FHS nằm trong thị trường ASEAN đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu gang thép. Cảng Sơn Dương là điểm giữa cảng Hải Phòng (miền bắc) và cảng Đà Nẵng (miền trung) là trung điểm trên tuyến vận chuyển đường biển Đông Á nói riêng và hàng hải quốc tế nói chung, vì vậy khoảng cách vận chuyển tương đối gần so với các nhà máy thép lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác của Đông Á. Có thể cung cấp các sản phẩm gang thép chất lượng một cách ổn định lâu dài cho thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, tuyến vận chuyển nguyên liệu (quặng sắt) nhập từ Australia, Braxin gần hơn so với các nhà máy thép Đông Á khác. Đặc biệt, các bến cảng Sơn Dương có chiều sâu có thể tiếp nhận tàu hàng chục vạn tấn nên giá thành vận chuyển sẽ thấp hơn. Chính vì thế, FHS đầu tư hệ thống kè biển khi hoàn thành dài hơn 11 km tạo vịnh kín nhân tạo Sơn Dương cùng chuỗi 32 bến cảng với số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 1 là 5,22 km kè và 11 bến cảng. Đến nay đã hoàn thành bảy bến cảng nước sâu đầu tiên, trong đó có hai bến cảng có thể đón tàu 200 nghìn tấn.

Mới đây, ngày 1-10-2015, Formosa đã đón tàu FPMC B108 (quốc tịch Liberia), có tải trọng gần 100 nghìn DWT chở hơn 80 nghìn tấn than vào “mở hàng” bến S1. Đây là tàu chở hàng rời có tải trọng lớn nhất lần đầu tiên vào khu vực miền trung tạo sức hút của hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng. Khi hoàn thành tổng thể hệ thống cảng biển ở đây sẽ có tổng công suất khoảng 120 triệu tấn/năm. Đây được xem cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và có thể sớm hình thành một trong những cảng trung chuyển lớn nhất của khu vực Đông - Nam Á.

Việc vận chuyển hàng hóa cho dự án này đều thực hiện hệ thống băng chuyền tự động dài hàng chục km nối trực tiếp từ cảng biển đến kho bãi và nơi sản xuất cùng 100 km đường nội bộ. Ngoài ra còn tăng cường hệ thống vận chuyển bằng tàu hỏa và ô-tô...

Khu kinh tế động lực

Hà Tĩnh, “cái đòn gánh” miền trung với thiên tai khắc nghiệt, tài nguyên nghèo nàn, thiên nhiên không ưu đãi, nên hai từ “tỉnh nghèo” từ nhiều năm nay vẫn có trong suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến địa danh này. Nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là làm sao thoát được “danh tiếng” đó. Sau nhiều nung nấu, tìm tòi, Hà Tĩnh tìm được hướng đột phá chính là thu hút đầu tư. Qua bao năm vất vả, hiệu quả đã ngày càng rõ nét. Toàn quốc có 13 Khu kinh tế (KKT) trọng điểm thì Hà Tĩnh có hai KKT. Trong đó, Vũng Áng mới thành lập được 9 năm nhưng đã sớm khẳng định là KKT động lực của tỉnh, của khu vực và cả nước.

Khu kinh tế động lực mang tên Vũng Áng ảnh 1

Tại đây, có ba lĩnh vực sản xuất được đánh giá là đứng đầu cả nước. Đó là điện năng, luyện thép và dịch vụ cảng biển nước sâu. Các nhà máy nhiệt điện tại đây có tổng công suất khoảng bảy nghìn MW. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư đã hòa lưới điện quốc gia năm 2014. Bố tổ hợp điện than và khí đang được Tập đoàn Formosa đầu tư, tháng 5-2015, tổ máy số 1 đã bắt đầu phát điện. Các Tập đoàn Samsung, Misubishi đang chuẩn bị các bước đầu tư để sớm khởi công đầu tư Nhiệt điện Vũng Áng 2, 3 và 4.

Trưởng ban Quản lý KKT Hà Tĩnh Hồ Anh Tuấn cho biết: Tỉnh đã thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD. Trong đó 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 20 tỷ USD; riêng KKT Vũng Áng thu hút 49 dự án, với vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD... Nhờ có KKT Vũng Áng mà Hà Tĩnh là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư. Vũng Áng đang trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực và sớm khẳng định là KKT động lực không chỉ riêng tỉnh nhà mà còn là điểm thu hút lao động chất lượng cao.

Chỉ tính riêng dự án FHS, hiện có khoảng 40 nghìn công nhân kỹ thuật và chuyên gia của Việt Nam cùng hơn 25 nước khác đang thi công các hạng mục công trình của dự án. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cần đến 10 nghìn lao động. Một lượng lớn nguồn vốn và lao động “đổ” về KKT Vũng Áng cũng sẽ hút một lượng lớn lao động địa phương vào các dịch vụ phục vụ. Tuy đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, nhưng thu ngân sách tại KKT Vũng Áng tăng trưởng cao, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách của cả tỉnh. Cụ thể, năm 2010 tổng thu ngân sách tại KKT Vũng Áng mới đạt 719 tỷ đồng nhưng đến năm 2014 đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng và năm 2015 ước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng... Trong những năm tới, thu ngân sách tại KKT Vũng Áng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn thu của tỉnh nhà.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ đột phá, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: Đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.... để phát triển nhanh, bền vững, theo hướng công nghiệp hiện đại.

Có KKT Vũng Áng, vùng Nam Hà Tĩnh được ví như “con vịt xấu xí” bỗng thành “thiên nga”. Cả vùng đất Hoành Sơn “chó ăn đá, gà ăn sỏi” và vùng ven biển Kỳ Anh nghèo khó giờ “lột xác” bởi hàng trăm nhà máy, sự nhộn nhịp trong từng đường nét của một đô thị hiện đại trong tương lai gần. Càng đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao Nghị quyết 903 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh và thành lập thị xã Kỳ Anh. Đây chính là cơ sở và động lực để hình thành một thành phố công nghiệp Kỳ Anh trong tương lai gần mà trung tâm là KKT động lực mang tên Vũng Áng.