Một cuộc triển lãm đầy ý nghĩa
Diễn ra trong khuôn viên Tòa soạn Báo Nhân Dân, triển lãm “Tranh trên báo cũ” tiếp nối nhiều sự kiện mỹ thuật do Nhân Dân hằng tháng tổ chức, như triển lãm minh họa trên báo (năm 2015), triển lãm “Nhân Dân - Tranh trên báo cũ” (tháng 3/2016), “Tranh trong mùa giãn cách” (năm 2020), “Tranh lịch Xuân năm 2022”...
Đến với triển lãm lần này, người xem được thưởng lãm 25 bức tranh của 20 họa sĩ tên tuổi - những cộng tác viên thân thiết của ấn phẩm như Lê Thiết Cương, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Thị Hiền, Phạm Luận, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Lê Trí Dũng, Nguyễn Minh, Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Tùng Nguyễn, Nguyễn Văn Đức, Hồng Việt Dũng, Đỗ Hiệp, Phạm Hà Hải, Trần Thị Trường, Đinh Quân, Lý Việt Anh, Đặng Tiến, Lương Xuân Đoàn.
Những tác phẩm hội họa này được thể hiện trên chính những trang báo được lưu lại vẹn nguyên những dấu hiệu nhận diện thân thuộc (logo, số trang, số báo…).
Theo đánh giá của số đông họa sĩ, báo cũ có đặc tính thấm hút, bề mặt xốp và dễ tạo hiệu ứng đẹp. Những cây viết đã sáng tạo một lần trên mặt báo nên khi họa sĩ cầm cọ, sự sáng tạo được nhân đôi. Họa sĩ Trần Thị Trường tâm sự: “Là độc giả thường xuyên của Nhân Dân hằng tháng, tôi nhận thấy đây là ấn phẩm đồng hành với đời sống và luôn đề cập đến những vấn đề xã hội, đưa ra góc nhìn cũng như luận giải các vấn đề giúp độc giả có cái nhìn đa chiều hơn”.
Theo bà, vẽ lên báo cũ cũng là cách nối thêm sự sống cho những trang báo. Bức tranh không chỉ là yếu tố thẩm mĩ đơn thuần mà còn gửi gắm những ý tưởng sâu xa. “Chữ Nhân Dân được cài khéo léo ở con thuyền trong bức tranh của tôi gợi cảm giác Nhân Dân là thuyền chở đạo, cuộc sống này còn thì Nhân Dân hằng tháng còn”, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ.
Đối với họa sĩ Đào Hải Phong, ông chọn thể hiện một lọ hoa tĩnh vật trên nền báo cũ Nhân Dân hằng tháng như một “món quà tặng nhân kỷ niệm thành lập báo”, đồng thời coi triển lãm như một “cơ hội sáng tạo, đem lại cảm xúc tươi mới cho bản thân”.
Không trói buộc trong chất liệu bột mầu duy nhất như một số triển lãm tương tự đã từng làm, “Tranh trên báo cũ” của Nhân Dân hằng tháng tung tẩy với nhiều chất liệu (bột mầu, acrylic, sơn dầu...). Để xúc cảm, tình yêu, sự gắn bó với tờ báo dẫn dắt, các họa sĩ mặc sức tung hoành những triết lý, suy tư về cuộc sống thông qua những bức tranh từ phong cảnh, tĩnh vật đến trừu tượng, chân dung... Đa dạng đề tài và bút pháp, ngôn ngữ thể hiện nhưng đều đậm đặc dấu ấn cá nhân, đều chứa đựng “vân tay” riêng có của từng cái tên - không thể trộn lẫn. Như một nỗ lực không ngừng nghỉ của tờ báo tròn tuổi 25.
Sách mới ghi dấu tuổi 25
Cùng với triển lãm “Tranh trên báo cũ”, Nhân Dân hằng tháng còn đánh dấu tuổi 25 của mình bằng việc cho ra mắt cuốn sách ‘Giăng chiều gọi bạn’, tập hợp 25 truyện ngắn đặc sắc của 25 cây bút tên tuổi như Cao Duy Sơn, Lê Quang Trạng, Nguyễn Tham Thiện Kế, Đỗ Bích Thúy, Niê Thanh Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Hà Phạm Phú, Võ Thị Xuân Hà… Đây đều là những tác phẩm đã từng đăng tải trên Nhân Dân hằng tháng trong hai năm 2020-2021. Sách dày 314 trang, khổ 13,5 cm x 20,5 cm do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Trong lời tựa mở sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ: “Nay nhân đọc tuyển tập truyện ngắn ‘Giăng chiều gọi bạn’ của báo Nhân Dân hằng tháng, như là một sự tập hợp đông vui các cây bút đương đại, dù nó có cái hạn chế ở việc quy định khuôn khổ của tờ báo mà các tác giả nghiễm nhiên tuân thủ. Đây không phải là kết quả của một cuộc vận động hay một cuộc thi về một ngành nghề, một đề tài, do đó không gian chung khá rộng. Sự rộng rãi thoáng đãng mà người sáng tác đã tự nguyện đứng trong đội ngũ đều biết và bút lực được mở theo nội lực”.
‘Giăng chiều gọi bạn’ là cái tên mới nhất, trong những tập truyện ngắn mà Nhân Dân hằng tháng từng ra mắt độc giả nhiều năm qua như ‘Người đàn ông của dòng sông’ (2019), ‘Năm tháng xa xôi’ (2018), ‘Lửa không màu’ (2017)….