Nhân dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Những nghĩa tình theo suốt cuộc đời

Có lẽ đối với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cá nhân tôi và nhiều doanh nhân cựu chiến binh sẽ không bao giờ quên hình ảnh về ông - một nhà lãnh đạo, một vị tướng quân đội đáng kính.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với công nhân Nhà máy đường Cao Bằng ngày 17-12-1998. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với công nhân Nhà máy đường Cao Bằng ngày 17-12-1998. Ảnh: TTXVN.

Sự quan tâm cùng cá tính quyết đoán của ông luôn là kim chỉ nam để thế hệ những người cựu chiến binh đi sau như chúng tôi học tập và noi theo.

Tôi thật sự may mắn và vinh dự khi lần đầu được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một chương trình tri ân liệt sĩ; tri ân những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Càng ghi nhớ hơn là khi ông biết tôi cũng là con liệt sĩ, ba tôi hy sinh tại chiến trường năm 1949, gia đình tôi và vợ đều tin tưởng đi theo cách mạng. Thế hệ chúng tôi được Ðảng, Nhà nước và nhân dân miền bắc nuôi dạy từ nhỏ, để rồi trưởng thành, may mắn gia nhập quân đội, được vào chiến trường miền nam góp phần nhỏ bé vào công cuộc giải phóng đất nước. Khi hiểu về cuộc đời tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quý và tin tưởng bởi sự hiếu thảo dành cho cha mẹ, có tấm lòng hướng về những người đồng đội đã hy sinh quên mình vì đất nước và quyết tâm làm kinh tế để thay đổi cuộc sống từ sau mầu áo lính. Chính sự thấu hiểu đó của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà sau này, tôi tiếp tục có cơ hội được tiếp xúc, tháp tùng ông trong một số chuyến đi, bản thân thật sự khắc cốt ghi tâm về một người lãnh đạo giản dị mà đáng kính.

Tôi được chứng kiến rất nhiều cử chỉ nghĩa tình của nguyên Tổng Bí thư đối với người dân, nhất là những cựu chiến binh, những người đã cùng ông xông pha trên chiến trường một thời. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nói: “Biết bao chiến sĩ và đồng bào chúng ta đã ngã xuống, không ai được quên họ. Ai quên quá khứ là quên chính mình”. Dù ở cương vị cao nhất của Ðảng hay khi đã về nghỉ, nguyên Tổng Bí thư vẫn luôn lo cùng nỗi lo của dân, không hề ngại ngần đến thăm, động viên, giúp đỡ đồng bào ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn ngay trong những thời điểm thiên tai, địch họa diễn ra. Học được từ đồng chí Lê Khả Phiêu sự quan tâm hết mực đến đồng bào, đồng chí; bản thân tôi hay nhiều đồng đội là doanh nhân cựu chiến binh lúc ấy luôn mong muốn được cùng nguyên Tổng Bí thư tham gia các công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội. Chúng tôi tâm niệm, là người lính, khi trở về làm ăn thuận lợi và có điều kiện thì cần chung tay, sẻ chia với xã hội; đó cũng là cơ hội để nối tiếp con đường mà ông đã đi, một vinh dự rất lớn!

Qua nhiều năm, bằng cảm nhận cá nhân cũng như được nghe những ý kiến nhận xét khác thì tôi thật sự ấn tượng với tính quyết đoán của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông là người khi xác định đó là việc đúng, thì rất cương quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bản thân tôi, một chủ doanh nghiệp tư nhân từng gặp khó khăn lớn trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997, với những khoản nợ lớn khó trả ngay. Nếu không có sự điều chỉnh chủ trương, chính sách linh hoạt, kịp thời của Ðảng và Nhà nước; mà đặc biệt là chỉ đạo mang tính đột phá của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, có lẽ doanh nghiệp của tôi không thể có cơ hội được chọn làm thí điểm việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Nhờ đó chúng tôi đã tìm cách vực dậy, trả nợ, tránh thiệt hại hơn 500 tỷ đồng cho Nhà nước và tiếp tục kinh doanh thành công đến bây giờ. Sau này, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, được thụ hưởng hiệu quả của chính sách này và vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn hết sức quan tâm đến doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nhân cựu chiến binh. Vì vậy, khi tôi đề xuất thành lập Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, ông rất ủng hộ và đến dự buổi ra mắt, cũng như đại hội đầu tiên của hiệp hội. Nhờ sự quan tâm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, sau hơn sáu năm thành lập, trải qua gần hai nhiệm kỳ, mạng lưới tổ chức của hiệp hội được mở rộng ra 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên Tổng Bí thư từng ân cần nói: “Các đồng chí là những người lính, trở về làm kinh tế dù ít vốn liếng nhưng đã phấn đấu kinh doanh hiệu quả như thế này là đáng quý. Hơn nữa còn quan tâm đến đồng bào khó khăn là đáng khen”. Sự động viên của nguyên Tổng Bí thư cũng là động lực để những doanh nhân như chúng tôi nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn trong công việc.

Trong quãng thời gian cuối đời, sức khỏe đã yếu nhưng khi các chương trình tri ân, giúp đỡ đồng đội được tổ chức, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn hết mực ủng hộ. Và mong muốn lớn nhất của các hội viên Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam cũng trở thành hiện thực sau nhiều lần thuyết phục, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đồng ý trở thành Chủ tịch sáng lập danh dự của hiệp hội. Ðó là khoảnh khắc không thể nào quên. Ngay khi đó, trước nguyên Tổng Bí thư, chúng tôi cùng hứa sẽ cố gắng làm việc tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, nỗ lực phấn đấu để luôn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Khi biết tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ra đi, chúng tôi vô cùng nhớ thương, luôn luôn khắc ghi nghĩa tình của ông dành cho đồng bào, đồng chí, đồng đội nói chung và gia đình tôi nói riêng.

LÊ VĂN KIỂM

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu
chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HÐQT
Công ty cổ phần Golf Long Thành

Nhớ về người Chủ nhiệm Chính trị quân đoàn đầu tiên

Quân đoàn 2 có vinh dự đặc biệt, là nơi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có hơn 20 năm gắn bó, cống hiến, trong đó có những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng, trên cương vị là cán bộ chính trị của quân đội.

Trưởng thành và phát triển từ người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, từ người cán bộ chính trị đại đội của Sư đoàn 304 dày dạn trận mạc (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đoàn 2), đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đảng bộ quân đoàn, xây dựng quân đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trải qua các cương vị: Chính trị viên đại đội, tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn, chính ủy kiêm trung đoàn trưởng và đặc biệt là khi Quân đoàn được thành lập ngày 17-5-1974 cho đến năm 1978, trên cương vị là Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Quân đoàn 2; đồng chí Lê Khả Phiêu rất chú trọng công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTÐ, CTCT); thường xuyên có mặt ở những trận đánh then chốt, nơi cam go ác liệt, động viên tinh thần chiến đấu và “truyền lửa” cho bộ đội. Những chiến dịch, chiến thắng của Quân đoàn 2, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn ghi đậm dấu ấn hoạt động CTÐ, CTCT, dấu ấn của người cán bộ chính trị, người Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Quân đoàn tài năng, đức độ, có tư duy, tầm nhìn, tầm chỉ đạo sâu sắc.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đoàn, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn là người mẫu mực, sống sâu nặng nghĩa tình, gắn bó, quan tâm sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ. Sau này, trên các cương vị lãnh đạo của Ðảng, của quân đội, đồng chí Lê Khả Phiêu nhiều lần về thăm Quân đoàn, ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Với tình cảm sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến cuộc đời, máu xương cho Tổ quốc, dịp khánh thành Khu di tích thành lập Quân đoàn 2 tại xã Ba Lòng, huyện Ðakrông tỉnh Quảng Trị (tháng 4-2016), tuy đường sá xa xôi, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn vào tận nơi, gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, bạn chiến đấu. Tới thăm Quân đoàn đầu năm 2000, đồng chí Lê Khả Phiêu căn dặn, đại ý: Quân đoàn phát huy hơn nữa truyền thống “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của một binh đoàn tinh nhuệ, chủ lực anh hùng trong chiến đấu vào nhiệm vụ xây dựng Quân đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Luôn nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, cơ động nhanh… xứng đáng là binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược của QÐND Việt Nam Anh hùng.

Nhận được tin đồng chí Lê Khả Phiêu từ trần, Ðảng bộ, Quân đoàn cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tiếc thương vô hạn. Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 nguyện ra sức phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm vinh dự, tự hào là Quân đoàn - nơi đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng nhiều lãnh đạo Ðảng, quân đội trưởng thành. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 sẽ nhớ mãi hình ảnh về người Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Quân đoàn.

Ðại tá NGUYỄN THANH TÌNH

Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2