Nhạc sĩ Thanh Tùng đã về lối cũ

Tin nhạc sĩ Thanh Tùng (trong ảnh) đã ra đi sáng 15-3-2016, thọ 69 tuổi lan nhanh trên mạng truyền thông trong sáng mùa xuân se lạnh, cùng những đợt lá rụng xào xạc theo gió nồm, khiến lòng ta cảm thấy lạnh hơn.

Nhạc sĩ Thanh Tùng đã về lối cũ

Mỗi nhạc sĩ sáng tác đều có một số phận riêng, không ai giống ai. Thanh Tùng cũng không ở ngoài điều đó. Một lần ngồi chơi ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thanh Tùng hát cho chúng tôi nghe sáng tác mới của anh. Ca khúc mang tên Lối cũ ta về. Giai điệu và ca từ đều hòa quyện, đều say đắm:

Lối cũ ta về dường như nhỏ lại

Trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ…

Lối cũ ta về dừng chân trước thềm

Chờ nghe trong gió mùi hương ngọc lan

Vừa hát, đôi mắt Thanh Tùng vừa hơi ướt. Chắc là ông nhớ đến người vợ đã quá cố của mình. Và thế là giai điệu trào lên vừa xa xót, vừa nấc nghẹn một đau đớn tưởng đã chôn sâu tận đáy lòng:

Dù gió có trút lá xuống vườn chiều

Bước chân ai đem lang thang về cô liêu

Chốn xa xôi kia mang bao nhiêu kỷ niệm cũ

Em đã quên hay là vẫn mang theo

Giai điệu bay lên chất ngất, như muốn tan hòa giữa không gian những thầm kín đã đựng đầy qua năm tháng.

Dù cho bên anh nay em không còn nữa

Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ

Người yêu nay em đã bỏ anh đi

Sao em nỡ bỏ anh đi mãi

Khi tất cả đang lặng đi trước tâm tư của ông, nhạc sĩ Thanh Tùng khẽ khàng một giọng trầm buồn: “Bây giờ mới trả được món nợ với Hà Nội. Nhưng để trả được, giá của nó đắt quá, đắt đến không chịu nổi. Làm sao cho người vợ của mình sống lại được. Chỉ có mình bị bà ấy dắt đi theo lối này mãi. Lối dắt về hư không”. Quả nhiên Lối cũ ta về là một ca khúc rất độc đáo, đặc sắc về Hà Nội mến yêu.

Tháng 8-1998, nhân kỷ niệm 60 năm Tân nhạc Việt Nam, tạp chí Cửa sổ văn hóa Việt Nam (Vietnam Cultural Window) ấn hành bằng tiếng Anh đã chọn giới thiệu 10 tác giả tiêu biểu gồm Nguyễn Văn Thương, Doãn Mẫn, Văn Cao, Tô Vũ, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn và trẻ nhất là Thanh Tùng với nhạc phẩm Lối cũ ta về.

Thanh Tùng tên khai sinh là Trần Thanh Tùng. Ông sinh năm 1948 tại Khánh Hòa nhưng theo gia đình tập kết ra Hải Phòng khi mới lên bảy tuổi. Có lẽ cuộc sống thợ thuyền và nhịp điệu công nghiệp của thành phố Cảng đã nhập vào Thanh Tùng từ ấu thơ và tạo nên phong cách âm nhạc riêng biệt của ông. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng, Thanh Tùng về Hà Nội khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gần kết thúc. Khi ấy, tự nhiên những người lính chiến trường được nghe qua làn sóng phát thanh những hòa tấu chuyển soạn từ ca khúc như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh… mang phong cách nhạc nhẹ trẻ trung, mới mẻ. Tác giả của những hòa tấu đó chính là nhạc sĩ Thanh Tùng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Tùng về thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức Dàn nhạc Đài Truyền hình thành phố. Ông còn là chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa Bông Sen. Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, người hâm mộ âm nhạc thường được nghe một ca khúc rất dân dã mang tên Cây sầu riêng trổ bông. Ít ai biết đó lại chính là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Thời kỳ ấy, bên cạnh Cây sầu riêng trổ bông, Thanh Tùng còn có các ca khúc như: Đến đây cùng Trị An, Hoàng hôn màu lá, Đàn guitar của Lorca (thơ Thanh Thảo)… nhưng phải đến tuổi "tứ thập bất hoặc" khi trở về TP Nha Trang làm chương trình cho đoàn Hải Đăng, Thanh Tùng mới thật sự trở thành một tác giả viết ca khúc có tên tuổi với hàng loạt sáng tác như: Lời tỏ tình của mùa xuân, Chuyện tình của biển, Hát với chú ve con, Phố biển, Ngôi sao cô đơn…

Cách đây 25 năm, tháng 3-1991, khi nhạc hải ngoại đang tràn ngập tại Việt Nam, các nhạc sĩ trong nước đã lặng lẽ tạo nên một phong trào sáng tác mới. Trong số đó có bảy nhạc sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh đã lập nhóm sáng tác mang tên “Những người bạn”. Đó là anh hai Trịnh Công Sơn, anh ba Tôn Thất Lập, anh tư Trần Long Ẩn, anh năm Thanh Tùng, anh sáu Từ Huy, anh bảy Nguyễn Ngọc Thiện và em út Nguyễn Văn Hiên. Nhóm quy định rằng, cứ mỗi tháng phải có một ca khúc mới để hát cho nhau nghe và cùng góp ý. Nhờ quy định này mà TP Hồ Chí Minh đã đón nhận thêm bao ca khúc mới của những nhạc sĩ tên tuổi trên, trong đó có Thanh Tùng. Người mến mộ được nghe thêm loạt sáng tạo mới của Thanh Tùng sau thời kỳ Lời tỏ tình của mùa xuân đậm chất trữ tình với giai điệu mượt mà, như: Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Mưa ngâu, Giọt nắng bên thềm… Một Thanh Tùng đặc sắc của thời kỳ đổi mới đã được khẳng định.

Nhiều năm gần đây, sau tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, Thanh Tùng thường ở Hà Nội - quê hương của người vợ bạc mệnh đã rời xa ông vào cõi xa xăm từ lâu. Rồi đến cả chính ông cũng phải gồng mình chống lại bạo bệnh. Chính tâm trạng ấy, tâm trạng lẻ loi, một mình, cô đơn đã khiến cho người nhạc sĩ này phải thốt lên những cung bậc rơm rớm qua nhiều cảnh ngộ. Ca khúc Một mình như vận vào số phận của ông: Gió nói gì ngẩn ngơ ngoài hiên - Mưa nói gì thì thầm ngoài hiên. Đêm nao anh đã một mình nhớ em. Đêm nay anh lại một mình. Có lẽ, đó cũng là những chiêm nghiệm qua nhiều trải nghiệm được hát lên để sẻ chia cùng cuộc đời.

Có lẽ, đó cũng là lời tri âm của một nhạc sĩ tài năng đang hát lên hy vọng của tâm hồn trước những rình rập của số phận. Một cuộc độc hành đầy phiêu lãng đến vô cùng. Và đến sáng 15-3-2016, cuộc độc hành dừng lại. Người nhạc sĩ tài hoa đã “Lối cũ ta về”.

Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10 giờ 30 phút ngày 22-3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5, phố Trần Thánh Tông, Hà Nội); an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, Phú Thọ).