Nhạc sĩ Nguyễn Cường tổ chức đêm nhạc tri ân và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”

NDO -

Sáng 21/4, tại Bảo tàng Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Thương Garden và nhạc sĩ Nguyễn Cường tổ chức họp báo giới thiệu đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Nguyễn Cường “Đến với Cao nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà giới thiệu đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Nguyễn Cường “Đến với Cao nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà giới thiệu đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Nguyễn Cường “Đến với Cao nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng Ban tổ chức đã chia sẻ, trao đổi với các nhà báo, phóng viên về hành trình 40 năm gắn bó với Tây Nguyên của nhạc sĩ, kế hoạch tổ chức đêm nhạc tri ân và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Là người sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, song nhạc sĩ Nguyễn Cường lại nặng lòng với Tây Nguyên. Suốt 40 năm gắn bó với Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc ra đời, gần đây nhất là vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”. Hơi thở mãnh liệt từ núi rừng Tây Nguyên đã hòa tan trong các giai điệu của nhạc sĩ qua những ca khúc nổi tiếng và quen thuộc với công chúng như “H’zen lên rẫy”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ly cà-phê Ban Mê”, “Ơi M’Đrắk, M’Đrắk”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”…

Đêm nhạc sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 30 phút tối ngày 1/5/2022, không bán vé, tại sân khấu ngoài trời của Bảo tàng Đắk Lắk. Thời lượng khoảng 150 phút. Đêm nhạc có 2 phần chính: Giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Cường, biểu diễn các ca khúc về cao nguyên do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác trong suốt hơn 40 năm qua; biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Đắk Lắk xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn kích cầu du lịch -0
 Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ về hành trình 40 năm gắn bó với Tây Nguyên và quá trình sáng tác ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Đêm nhạc diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến sáng tác tại tỉnh Đắk Lắk nhằm tri ân những đóng góp của nhạc sĩ đã cùng với tâm huyết, đam mê của mình gắn bó sâu sắc với Tây Nguyên. Các ca khúc âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã đưa hình ảnh và con người Tây Nguyên vượt qua ranh giới buôn làng, vùng miền bằng sản phẩm âm nhạc. Đêm nhạc cũng là dịp để quảng bá tác phẩm “Ca kịch Dam Săn”, góp phần kích cầu du lịch tỉnh Đắk Lắk sau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: Tôi đã có gần 40 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được xây dựng, khắc họa từ Trường ca Dam Săn nổi tiếng của người Êđê. Kết cấu vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn gồm 5 chương: Dam Săn và H’Nhi; Xử tội Mtao Mxây; Buôn sang trông cậy; Nơi miền sáng; Mặt trời lên trên Cao nguyên bao la. Mong muốn lớn nhất của tôi và các diễn viên là đưa ca kịch trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, trở về phục vụ buôn làng”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết: Đề án ca kịch “Khát vọng Dam Săn” là một trong những đề án quan trọng của tỉnh với mong muốn xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam; phục dựng, bảo tồn, trình diễn lịch sử, văn hóa dân tộc người Êđê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm… để tất cả người dân đều được thưởng thức, từ đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp nhạc sĩ Nguyễn Cường và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa tác phẩm đến với công chúng, nhất là tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhịp cầu nối văn hóa các dân tộc tỉnh Tây Nguyên và lan tỏa ra thế giới. Bên cạnh đó, sở sẽ có các giải pháp cụ thể để tác phẩm trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của Đắk Lắk nói riêng, được biểu diễn thường kỳ phục vụ nhân dân và du khách khi đến với Đắk Lắk, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay.