Nhạc kịch trở lại với khán giả TP Hồ Chí Minh

NDO -

Vào 20 giờ ngày 28-3, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) sẽ mở đầu mùa diễn bằng chương trình “Nhạc kịch Pháp”, tại Nhà hát thành phố.

Ca sĩ Đào Mác sẽ tham gia chương trình Nhạc kịch Pháp.
Ca sĩ Đào Mác sẽ tham gia chương trình Nhạc kịch Pháp.

Phần đầu của chương trình gồm những trích đoạn nổi tiếng từ những vở opera “Faust”, “Romeo và Juliet”, “Mireille” của Charles Gounod; “Lakme” của Leo Delibes; “Louise” của Gustave Charpentier và “La fille du regiment” của Gaetano Donizetti, sáng tác khi ông sống tại Paris.

Buổi diễn được bắt đầu với overture từ Nhạc kịch Mireille của Gounod, tiếp theo sau là phần biểu diễn của Hợp xướng với tác phẩm Farandole đến từ cùng vở.

Được viết vào năm 1894, vở nhạc kịch viết về tình yêu của Mireille và Vincent. Farandole là một điệu nhảy được trình diễn trong một vòng tròn. Tiết mục này mở đầu phần 2 của vở nhạc kịch, khi dân làng đang háo hức chờ đợi một cuộc đua bắt đầu.

Tiếp theo là một giai điệu nổi tiếng “The Swan” đến từ Carnival of Animals của nhà soạn nhạc Saint-Saens. Phần độc tấu cello được trình diễn bởi NSƯT Nguyễn Tấn Anh.

Nhạc kịch trở lại với khán giả TP Hồ Chí Minh -0
 NSƯT Trần Hồng Vy sẽ biểu diễn bài “Depuis le jour” trong vở “Louise”của Gustave Charpentier.

Tác phẩm sân khấu nổi tiếng nhất của Charpentier là vở Louise (1900), trong đó, nổi tiếng nhất là bài hát ca ngợi tình yêu của Louise “Depuis le jour” (tạm dịch là Kể từ ngày đó). Tiết mục này được NSƯT Trần Hồng Vy thể hiện.

“Bell song” đến từ nhạc kịch Lakme của Delibes (1883). Nhạc kịch lấy bối cảnh tại Ấn Độ, và Lakme là con gái của một thầy tu Bà la môn. Bell song là một bài hát có âm vực rộng theo phong cách “coloratura soprano”. Tác phẩm này được thể hiện bởi nghệ sĩ nổi tiếng Phạm Khánh Ngọc.

Nhạc kịch Faust trở lại với một bản aria do Đào Mác thể hiện. Vở nhạc kịch được công diễn lần đầu vào năm 1859, kể về sự thỏa thuận giữa Faust và quỷ dữ. Aria được biểu diễn lần này là “Avant de quitter les lieux” (tạm dịch là Trước khi tôi rời thị trấn này). Aria này đã được thu âm lại bởi rất nhiều giọng nam trung nổi tiếng, trong đó có cả Hvorostovsky và Fischer Dieskau.

Donizetti là nhà soạn nhạc người Italy, nhưng ông lại viết vở nhạc kịch hài hước La fille du regiment (1840) với lời hát bằng tiếng Pháp trong thời gian ông sống tại Paris. Giọng nam cao Phạm Trang sẽ trình diễn aria “Ah! Mes amis” (tạm dịch là Ôi những người bạn của tôi), thách thức trong bài yêu cầu người nghệ sĩ phải hát được 8 nốt Đô cao liên tiếp.

Bài hợp xướng “Tourne, danse” (tạm dịch là Quay, Nhảy múa) của Offenbach là bài kết của vở nhạc kịch La Vie Parisienne. Đây là vở nhạc kịch hoàn chỉnh được biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2016 bởi Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tiết mục này sẽ được biểu diễn bởi Hợp xướng HBSO và cũng là tiết mục kết thúc phần 1 của buổi hòa nhạc. 

Những trích đoạn nổi bật của vở nhạc kịch Carmen của Bizet (1875) được biểu diễn vào phần 2 của chương trình.

“Habanera” nổi tiếng được biểu diễn trước với sự góp mặt của nghệ sĩ Phan Hồng Dịu và Hợp xướng HBSO. Sau đó là phần song ca của Don Jose Phạm Trang và Micaela Phạm Duyên Huyền với tác phẩm “Parle moi de ma mere”. Tiếp theo là đấu sĩ bò tót, Escamillo (Võ Nguyễn Thành Tâm), và bài tốp ca với 5 nghệ sĩ.

Aria “Je dis que rien ne m’epouvante” của Micaela sẽ do Nguyễn Thu Hường biểu diễn, tiếp theo sau với phần song ca của Trần Thanh Nam và Võ Nguyễn Thành Tâm. Được biết, nhạc trưởng cho chương trình này là Trần Nhật Minh.

Nghệ thuật opera kinh điển được phát triển cực thịnh tại Italy và Đức, nhưng để bứt phá những khuôn mẫu, đưa opera đến với đông đảo công chúng bình dân thì phải kể đến công sức của người Pháp.

Pháp là nơi đầu tiên mạnh dạn đưa những đề tài sống động của đời thường vào sân khấu opera và đã gây lên sự bùng nổ đối với người thưởng thức và giới sáng tạo nghệ thuật opera, nó ảnh hưởng ngược lại những kinh đô âm nhạc trước đó là Đức, Áo, Italy và lan rộng khắp châu Âu.

Một trong những vở opera nổi tiếng nhất của thời kỳ này là vở Carmen của nhà soạn nhạc Georges Bizet, với những nhân vật sống ngoài vòng pháp luật, trộm cướp, gái điếm... đã trở thành hiện tượng xã hội thời đó.