“Ở Đất Thép Củ Chi, hình như gia đình nào cũng có con em phục vụ trong quân đội và công an. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Cha tôi làm công tác tình báo khi chưa đầy 20 tuổi. Đó là động lực lớn cho các anh tôi thi vào ngành công an, bây giờ là tôi”, Võ Chí Nhất chia sẻ. Cơ duyên đến với văn nghiệp, anh cho biết: “Tôi bắt đầu đọc truyện trinh thám từ năm học lớp 7; ban đầu đọc truyện tranh “Thám tử lừng danh Conan”, sau đó là bộ truyện “Sherlock Holmes”.
Đọc xong, tôi cảm thấy các nhà văn viết rất thông minh và trở thành hành trang của nhiều bạn trẻ. Tôi nghĩ rằng, mình cũng phải xây dựng một tuyến truyện trinh thám, tạo lập hình ảnh một nhân vật xuyên suốt, nhân vật đó phải thật ấn tượng và cuốn hút. Thế là tôi tạo ra nhân vật Hà “ớt” và những cộng sự”.
Công việc hiện tại là tiếp công dân đã giúp Võ Chí Nhất gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, tiếp xúc những hoàn cảnh, số phận, những chuyện vui buồn… Đây là nguồn cung cấp những “khuôn mẫu chính” cho nhân vật trong truyện của anh. Khởi nguồn từ những vụ án đăng trên báo, như truyện “Muội tro” từ một vụ dàn dựng để moi tiền bảo hiểm hoặc từ vụ trộm thùng phiếu bầu tại một cuộc bầu cử ở xã, những tình tiết này đã giúp anh “cấu tứ” nên truyện “Người mang bí số 82”.
Điểm nổi bật trong truyện của Võ Chí Nhất là khả năng tưởng tượng, kỹ khuật cài đặt tình tiết và đánh lạc hướng, khiến cho người đọc luôn tập trung theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối.
Tuy dành phần lớn thời gian cho công việc chuyên môn, nhưng đọc sách từ lâu trở thành thói quen của Võ Chí Nhất. Là nhà văn thiên về trinh thám, anh đọc nhiều sách của Agatha Christie, Conan Doyle, John Sandfor… để có thể “nảy ra” ý tưởng cho một câu chuyện mới hoàn toàn.
Nhà văn trẻ này không thích thú khi nhiều truyện trinh thám hình sự viết về các vụ án mạng được miêu tả một cách rùng rợn. Đọc những truyện đó anh rất “dị ứng”. Anh chọn một “lối riêng” xây dựng hình ảnh một cán bộ công an bình dị, tự nhiên trong những cảnh huống nhưng đầu óc làm việc quyết liệt, từng bước làm sáng tỏ, lật mặt thủ phạm.
Những tình tiết được đan cài vào nhau, đem đến cho người đọc những sắc thái cảm xúc khác nhau. Võ Chí Nhất còn khéo léo đưa sự hóm hỉnh, gây cười, nhằm đẩy tới một kết thúc đầy bất ngờ.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất kể: “Biên tập viên một nhà xuất bản trao đổi với tôi rất nhiều về nhân vật Hà “ớt”. Tôi nói, nhân vật được dựng lại từ nét tính cách của người bạn gái thời sinh viên. Nhưng tôi e là ngay chính người bạn đó cũng không biết tôi đã đưa cô ấy vào truyện.
Mọi thứ trong truyện đều phục vụ cho chủ đề nhất định, không miêu tả hay đề cập khơi khơi. Sau hai cuốn truyện đã được trình làng lấy hình mẫu nhân vật này, tôi nhận thấy rằng ngoại hình của nhân vật Hà “ớt” khá mờ nhạt. Đó là điểm mà tôi phải tô đậm hơn ở những tập sau”.
Từ những truyện đã viết, anh nhận ra, một nhà văn hiện đại phải có tư duy của một đạo diễn và của một tay viết kịch bản; đồng thời, là một diễn viên điện ảnh để biết cách phát triển tâm lý nhân vật cũng như là khả năng phản xạ và đoán định tình huống, diễn tiến của câu chuyện. Nhà văn trẻ chia sẻ: “Mặc dù, công việc bận rộn, tôi vẫn cố gắng dành thời giờ để hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết trinh thám “Pho tượng cổ”.
Tác phẩm này viết chậm hơn, chọn lọc tình tiết kỹ hơn, lồng vào đó sự hy sinh của các chiến sĩ khoác lên mình bộ quân phục mầu xanh lá mạ, tái hiện phần nào giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành trên Đất Thép”.
Viết về vùng đất Củ Chi anh hùng đã có nhiều tác phẩm, riêng nhà văn Võ Chí Nhất không tham vọng đem đến một góc nhìn mới mà qua những truyện đã viết, anh nêu bật tinh thần kiên cường trước mọi thử thách, gian lao của người dân Củ Chi, ngăn ngừa, vạch trần âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu, đem lại sự bình an trong đời sống của người chiến sĩ công an nhân dân; đáp lại sự hy sinh rất lớn của các mẹ, các anh cho độc lập, tự do góp phần đưa Củ Chi thành “lũy thép” vững vàng phát triển.
Anh báo tin vui, truyện ngắn “Muội tro” đã được dịch và đăng trên tạp chí Nhân Loại phát hành tại Sankt-Peterburg (Nga). Đây là niềm vinh dự lớn với một nhà văn trẻ đất Củ Chi. Trước đó, “Muội tro” được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng văn học năm 2022.