Sinh ra trong một gia đình nho gia tại một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cần lao, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh nghệ An, thuộc xứ Hoan Châu xưa, nay là Xứ Nghệ nổi danh với cao trào Xô - viết Nghệ Tĩnh, từ buổi ấu thơ, nhà văn - nhà báo Bùi Sơn Tùng đã hấp thụ được thật nhiều phẩm giá tốt đẹp, cao quý của con người và truyền thống quê hương. Như nhiều thanh niên ưu tú thời bấy giờ, vào đầu năm 1940 của thế kỷ 20, anh vừa đi làm công, vừa học chữ, rồi sớm đến với cách mạng, với ảnh hưởng của thơ văn có xu hướng hiện thực phê phán qua các bậc đàn anh cùng quê như: Ðặng Thai Mai, Bùi Hiển... và qua các bạn bè cùng trang lứa ở Trường tiểu học Nguyễn Xuân Ôn, Trường Quốc học Vinh,... như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Chính Hữu...
Năm 1943, phát-xít Nhật giành quyền cai quản Ðông Dương từ tay thực dân Pháp, trong đó có Việt Nam, cuối năm ấy, bản Ðề cương văn hóa của Ðảng bằng con đường bí mật, đã được chuyển đến lớp lớp học sinh, trí thức trẻ ở nhiều nơi. Háo hức với lý tưởng cách mạng, nhiều người trong số họ đã tự nguyện bỏ học, đi làm công để vừa tự nuôi thân, vừa tìm cơ hội đến với tổ chức Việt Minh. Các anh đã tham gia phong trào Vô sản hóa do Ðảng ta phát động, tích cực tham gia chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bùi Sơn Tùng làm chiến sĩ bình dân học vụ diệt giặc dốt và bắt đầu tham gia lãnh đạo chính quyền địa phương, làm công tác thanh niên, tuyên huấn - tuyên truyền. Trên đường công tác đến nhiều làng quê các huyện bắc Nghệ An như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, rồi ở các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, nhất là Nam Ðàn... thật may mắn sao, anh cán bộ Tỉnh Ðoàn Nghệ An đã được tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức - đồng chí của những chiến sĩ Cần Vương nổi tiếng đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Ðặng Thúc Hứa, Ðặng Nguyên Cẩn... Anh được họ khích lệ và truyền cho một ngọn lửa, một chí hướng rằng: Muốn canh tân, cách mạng thì phải có học vấn, phải tôn trọng sự học..., và xúc động hơn nữa là anh đã được gặp, nghe chuyện của Cụ Cả Khiêm và Cụ Thanh, là anh trai và chị gái của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hai vị này cũng là hai nhà nho yêu nước, hoạt động cách mạng vừa thoát khỏi nhà giam của thực dân Pháp trở về, coi anh như con cháu trong nhà. Cụ Khiêm và Cụ Thanh đã kể cho anh nghe nhiều đoạn đời của Bác Hồ thuở còn thơ bé ở Nam Ðàn, ở Vinh, và ở Kinh thành Huế.
Có thành tích tham gia kháng chiến, nhà văn Bùi Sơn Tùng đã được chọn để trở thành một trong số các đại biểu của thế hệ thanh niên nước Việt Nam mới đi dự Ðại hội Liên hoan Thanh niên Dân chủ quốc tế ở thủ đô nước Ba Lan (Vác-xa-va năm 1950) và khi hòa bình mới lập lại, vào các năm 1954, 1955, anh đã có mặt ở Trường đại học Nhân dân làm công tác giáo vụ - tổ chức. Sau này từ năm 1957 đến năm 1960, anh về học lớp báo chí khóa đầu của Trường Tuyên huấn Trung ương và làm giảng viên ở đó.
Sự chuẩn bị ấy đã cấp thêm cho Bùi Sơn Tùng một ít vốn liếng, để từ năm 1960 trở đi, ở cương vị phóng viên các báo Tiền Phong, Nông nghiệp... với bút danh Sơn Phong, anh đã có nhiều dịp được đi theo Bác Hồ đến các vùng, các điểm có phong trào hợp tác hóa, cơ khí hóa sôi nổi trên miền bắc. Năm 1964, đế quốc Mỹ ném bom miền bắc, nhà báo Sơn Phong đã bám trận tuyến, đưa tin và viết bài góp phần phản ánh kịp thời và trung thực cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Năm 1968, trong khí thế tổng tiến công, Bùi Sơn Tùng được vào miền nam chiến đấu trong đội hình của văn nghệ - báo chí giải phóng vùng Ðông Nam Bộ. Sang những năm 1969, 1970, Mỹ-ngụy sau cơn choáng váng, đã từ thế co cụm lại bắt đầu đánh nống ra các vùng căn cứ của ta. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi bấy giờ là văn công giải phóng, là cán bộ Ðoàn Thanh niên kể: Mấy năm đó, giặc đánh dữ cả bằng binh lực, cả bằng luận điệu chiêu hồi, một số người có phần dao động. Chị đã bàn với anh Sáu Phong (bí danh của đồng chí Nguyễn Minh Triết lúc đó), với cấp ủy rồi mời nhà báo Sơn Tùng đến kể chuyện Bác Hồ cho các cơ quan, đơn vị nghe. Bằng vốn liếng hiểu biết, và bằng chính cả tâm nguyện, tâm huyết cùng trách nhiệm của mình, Sơn Tùng đã thu hút, thuyết phục được mọi người...
So với nhiều nhà văn cùng thời với anh, có thể thấy nhà văn Sơn Tùng có một số điểm đặc biệt. Ðó là toàn bộ sáng tác của anh đều tập trung vào một đề tài lớn, một chủ đề tư tưởng thật sự quan trọng lâu nay và cả nay mai, là: Viết về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các chiến sĩ tiên phong của cách mạng Việt Nam như là viết về những biểu tượng của trí tuệ và đức hạnh Việt Nam, về lẽ sống và nhân cách con người Việt Nam trong bão táp của cuộc xung đột thời đại và thông qua đó, nêu gương sáng đẹp cho người đời noi theo.
Với chủ đích đó, từ hơn 30 năm nay, Sơn Tùng đã sáng tạo ra một khối lượng tác phẩm đáng nể và có độ tập trung cao, gồm 32 cuốn truyện ký và tiểu thuyết. Trong đó có tiểu thuyết Búp sen xanh đạt thành công vang dội, xuất bản lần đầu năm 1982, đến nay đã được tái bản tới 20 lần. Tác phẩm đã tái dựng thời niên thiếu thông minh dĩnh ngộ, thương mẹ kính cha, sớm biết lo toan việc nhà, đau đáu việc nước... của Bác Hồ, làm xúc động hàng triệu người đọc trong và ngoài nước. Tác phẩm đã được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh lấy làm tư liệu tham khảo, học tập cho thanh niên Việt Nam.
Vào thời điểm hiện nay, Sơn Tùng là người viết nhiều nhất và thành công nhất về đề tài Hồ Chí Minh. Bức chân dung vị lãnh tụ kính yêu trong tác phẩm của Sơn Tùng thật dày dặn và sinh động, có sức chinh phục người đọc mạnh mẽ và sâu sắc.
Có một điểm nữa, trong cốt cách Anh hùng - văn nhân của Sơn Tùng là: Hầu hết, các tác phẩm làm nên sự nghiệp của anh, để đồng nghiệp và công chúng khâm phục, hào hứng tìm đọc, đều được viết ra khi nhà văn đã là một thương binh nặng (hạng 1/4 ) từ năm 1972. Say mê tìm hiểu lãnh tụ Hồ Chí Minh, học theo tư tưởng và đạo đức, tác phong của Người, dần dần nhà văn Sơn Tùng trở thành biểu tượng của một nghị lực sống, một ý chí luyện rèn không chỉ chiến thắng các cơn đau vật vã vì mảnh bom còn ở trong người, mà còn ở cả sự vượt lên trong sáng tạo. Anh lao động nghệ thuật quên mình, anh không đòi hỏi đãi ngộ, mà còn nhường cả tiêu chuẩn thương binh nặng, được Nhà nước cấp nhà cho người khác, vì một lý do thật giản dị mà cao cả: Tôi còn có vợ con lo giúp, còn có đồng đội và bạn bè văn nghệ giúp đỡ, cưu mang...
"Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh", sự vinh danh này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt cao quý đối với nhà văn Sơn Tùng, mà còn đối với đông đảo các nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam, những người đã và đang nỗ lực sáng tạo quên mình vì nhân dân, vì đất nước. Xin kính chúc nhà văn - nhà báo Sơn Tùng mạnh khỏe, xin được chia vui cùng anh và gia đình.