Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng (sinh năm 1928 tại Nghệ An), trong một gia đình nho học. Ông là cây bút có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết "Búp sen xanh".
Từ 1944 đến 1971, Sơn Tùng từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, và làm phóng viên. Năm 1965, Sơn Tùng là đặc phái viên của báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng lửa đạn chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam Bộ, cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, các đợt trinh sát, gần gũi dân, đến nhiều địa điểm nóng bỏng để phản ánh kịp thời cuộc sống và chiến đấu của bộ đội, đồng bào.
Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở trên báo, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài bắc với bút danh Sơn Phong, và miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm dày dặn sau này.
Nhà văn Sơn Tùng từng bị thương rất nặng vào năm 1971, trong khi đang tác nghiệp tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu Đ (thuộc tỉnh Tây Ninh). Ông bị liệt nửa người, hầu như không đi lại được, thị lực giảm, ngón tay co quắp, trí nhớ cũng sụt giảm. Sau chiến tranh, mặc dù là một thương binh nặng, nhưng ông vẫn tiếp tục cầm bút, với sự hỗ trợ của người vợ - bà Phan Hồng Mai – vốn là một y tá từng chăm sóc cho ông trong thời chiến.
Từ năm 1974 tới nay, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện. Ông cùng gia đình sinh sống trong một căn nhà cũ, đây chính là nơi ông cho ra đời những tác phẩm được bạn đọc yêu mến.
Năm 2010, do di chứng chiến tranh, ông bị một cơn tai biến mạch máu não khiến ông bị liệt nửa người và gần như mất khả năng sinh hoạt. Vợ ông bà Phan Hồng Mai dù đã tận tình chăm sóc ông nhưng rồi cũng ốm yếu dần. Cho đến nay ông bà vẫn ở tại một khu tập thể cũ tại ngõ Văn Chương, Hà Nội.
Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Sơn Tùng đã viết tới 13 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Bông sen vàng”, “Từ làng Sen”, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Búp sen xanh”, cho đến nay đã được tái bản và nối bản tới 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.
Với số lượng tác phẩm giá trị và đồ sộ thuộc các thể loại văn xuôi, thơ và kịch, năm 2011 nhà văn Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Năm 2019, Nhà xuất bản Văn học (NXB) đã làm việc với gia đình nhà văn Sơn Tùng để cho ra mắt bộ tuyển tập của ông. Đây cũng là nguyện vọng của nhà văn và gia đình trong suốt 20 năm qua.