Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ.
Văn học đưa con người xích lại gần nhau hơn
Phóng viên: “The Mountains Sing” đã mang đến cho chị nhiều giải thưởng quốc tế với tư cách là một nhà văn của Việt Nam, tuy nhiên tác phẩm lại được viết bằng tiếng Anh?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi viết quyển sách này với tâm thế của một người Việt trong nước - một người muốn hiểu thêm về quê hương, nguồn cội của mình, về những gì những người đi trước đã phải trải qua để có được hòa bình như ngày hôm nay.
Phóng viên: Chị có nghĩ rằng nếu “The Mountains Sing” viết bằng tiếng Việt, và được chuyển ngữ rồi xuất bản ở nước ngoài thì cơ hội cũng sẽ đến với tác phẩm như khi được chị viết bằng tiếng Anh?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi đã say mê với việc dịch văn học trong rất nhiều năm và có ý định dịch một tiểu thuyết Việt Nam sang tiếng Anh. Trong quá trình đọc và tìm kiếm một quyển tiểu thuyết để dịch, một ngày kia tôi bỗng có suy nghĩ: “tại sao mình không tự viết quyển sách đó, viết trực tiếp bằng tiếng Anh, để đỡ công dịch”. Để viết “The Mountains Sing”, tôi phải mất nhiều năm để đọc văn học tiếng Anh, rồi tôi học khóa thạc sĩ và tiến sĩ viết văn từ xa với trường đại học Lancaster, Anh Quốc. Các khóa học này cho tôi kỹ năng viết, đồng thời cả kỹ năng phê bình văn học, làm nền tảng cho công việc sáng tác của tôi. Việc viết trực tiếp bằng tiếng Anh đặt ra cho tôi rất nhiều thử thách, buộc tôi phải học hỏi rất nhiều. Nếu tôi viết quyển sách này bằng tiếng Việt, chưa chắc tôi đã phải mày mò học hỏi, chưa chắc tôi đã “vỡ” ra nhiều điều đến vậy. Tôi đặt chân vào con đường viết vào năm 33 tuổi, và tôi vẫn cần phải học hỏi mỗi ngày. Thế giới văn học thực sự rất bao la, mà thời gian của chúng ta quá ít ỏi.
Phóng viên: Năm 2021 của chị đã khép lại với thật nhiều ấn tượng. Chị đã nhận hàng loạt các giải thưởng văn học uy tín, và sau đó là những buổi giao lưu, tọa đàm, ra mắt sách... Tôi nhìn thấy nụ cười, và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của chị. Bây giờ bình tĩnh nhìn lại các sự kiện đó, điều còn lắng đọng lại trong chị là gì?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Đó là tình cảm của độc giả khắp nơi dành cho đất nước và con người Việt Nam và sức mạnh của văn học trong việc xóa nhòa mọi biên giới địa lý, văn hóa, tôn giáo, để đưa con người xích lại gần nhau hơn. Tôi thật may mắn đã có những chuyến ra mắt sách đáng nhớ qua hơn 20 thành phố ở Mỹ, Anh và Italia trong những tháng qua, ngay giữa đại dịch Covid-19. Sự nỗ lực của các nhà xuất bản, của các đơn vị tổ chức, sự quan tâm của bạn đọc khiến tôi rất xúc động và biết ơn. Quyển sách của tôi đặt mối quan hệ gia đình làm trọng tâm và tôi thật hạnh phúc khi có 2 độc giả gốc Việt nói với tôi rằng họ đã nối lại quan hệ với cha mẹ mình sau khi đọc sách. Nhiều độc giả gốc Việt cũng cho biết họ đã thấy gần gũi hơn với cội nguồn khi đọc sách, vì quyển sách giúp cho họ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, cũng như tập tục truyền thống của người Việt Nam. Sự khích lệ của độc giả luôn khiến tôi cảm thấy mình cần phải làm tốt công việc hơn nữa.
Phóng viên: Nhiệm vụ quan trọng nhất của người viết đương nhiên là cho ra đời những tác phẩm hay. Tuy nhiên theo chị nhà văn có cần/nên dự phần vào công cuộc hội nhập quốc tế?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi nghĩ bất cứ nhà văn nào, nếu có thể, cần và nên tham gia vào văn đàn thế giới bởi vì với việc tham gia đó, chúng ta có thể đóng góp những câu chuyện về đất nước và bản sắc của chúng ta, giúp cho văn đàn thế giới trù phú hơn.
Việc giao lưu, hội nhập quốc tế có nhiều cái lợi cho một người viết, bởi vì quá trình giao lưu hội nhập đó đem đến cho người viết cơ hội tiếp thu những kỹ năng viết, nắm bắt được trào lưu sáng tác mới. Độc giả quốc tế luôn thích thú khi được giao tiếp trực tiếp với tác giả.
Một trong những chìa khóa cho việc hội nhập là ngoại ngữ. Tôi hy vọng các khóa đào tạo kỹ năng sáng tác ở Việt Nam sẽ đi đôi với việc bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ. Các nhà văn trẻ của Việt Nam hiện có nhiều lợi thế về ngoại ngữ và tôi kỳ vọng, trông chờ vào họ. Tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Việt nước sáng tác, được xuất bản và gây được tiếng vang trên văn đàn quốc tế.
Văn học thế giới luôn đề cao vấn đề bản sắc
Phóng viên: Chị từng chia sẻ rằng đã nhiều năm, văn học quốc tế thường vắng bóng các tác phẩm văn học Việt Nam, đặt bối cảnh ở Việt Nam, đặt con người và câu chuyện của người Việt trong nước làm trọng tâm. Chị có thể nói rõ hơn chữ “trọng tâm” mà chị đề cập đến?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi luôn ao ước nhiều hơn các tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam được xuất bản. Các câu chuyện đó đặt bối cảnh ở Việt Nam, với các nhân vật chính là người Việt trong nước, với các câu chuyện xoay quanh quan hệ của người Việt trong nước. Điều này cần thiết bởi vì văn học mở ra những cánh cửa đặc biệt đưa bạn đọc quốc tế đến với Việt Nam. Hiện nay, đã có hàng chục ngàn quyển sách văn học viết về Việt Nam đã được xuất bản bằng tiếng Anh, tuy nhiên, con số các tác phẩm văn học Việt Nam do chính người Việt tự kể các câu chuyện của mình còn quá ít.
Phóng viên: Và nguyên nhân của sự vắng bóng đó là do đâu, theo cảm quan của chị?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Việt Nam không thiếu các tác phẩm hay. Điều chúng ta rất thiếu và rất cần là một quỹ hỗ trợ dịch thuật văn học hoạt động tích cực trong việc tìm kiếm và tài trợ dịch thuật các tác phẩm hấp dẫn để giúp sức cho các nhà xuất bản và các dịch giả trong công việc xuất khẩu các tác phẩm đó. Chúng ta cũng thiếu một đội ngũ các dịch giả văn học có khả năng và kinh nghiệm dịch văn học từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác nhau. Tôi luôn mong ước Việt Nam sẽ có một chương trình đào tạo bậc đại học về kỹ năng dịch văn học, bởi vì công việc này vô cùng quan trọng. Dịch văn học là một công việc khó, và các dịch giả cần được trân trọng bởi họ chính là sứ giả của văn hóa.
Phóng viên: Rõ ràng trừ những trường hợp đặc biệt như chị trực tiếp viết tác phẩm bằng tiếng Anh, thì để ra được với thế giới, tác phẩm của các nhà văn Việt Nam cần phải được chuyển ngữ, được giới thiệu, quảng bá. Vấn đề này đã được bàn trong nhiều năm qua nhưng các giải pháp để tháo gỡ dường như cũng chưa thực sự hiệu quả, bởi vậy việc đưa văn học Việt hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Trong vài năm qua, tôi học được rằng việc có một bản thảo tiếng Anh tốt là điều kiện tiên quyết để tác phẩm đó có thể tiếp cận với các ngôn ngữ khác nhau. Và việc đầu tư giới thiệu bản thảo cũng rất quan trọng. Điều then chốt là phải tìm được nhà xuất bản uy tín, tận tâm, tin vào tác phẩm và có mạng lưới phát hành tốt. Tôi không dám nói về các giải pháp lớn lao nhưng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình: các nhà xuất bản uy tín của thế giới thường không nhận bản thảo trực tiếp từ tác giả hay dịch giả mà chỉ đọc bản thảo do các đại diện văn học (literary agent) gửi đến.
Tôi đã mất nhiều năm làm việc, chỉnh sửa bản thảo để rồi may mắn ký được hợp đồng với một công ty đại diện văn học ở New York. Người đại diện văn học của tôi rất giỏi, nắm được tình hình của ngành xuất bản, biết những ai “hợp gu” với dạng bản thảo nào. Cô ấy đã chào mời bản thảo của tôi đến những người biên tập phù hợp để rồi nó lọt vào “mắt xanh” của giám đốc biên tập nhà xuất bản Algonquin Books. Bà ấy đã gọi điện nói chuyện với tôi hơn một tiếng đồng hồ về hoàn cảnh ra đời tác phẩm, về những thông điệp trong tác phẩm, về công việc sáng tác của tôi và các dự định sắp tới…
Đầu tư cho một tác giả mới luôn là công việc mạo hiểm vì thế tôi nghĩ bà ấy muốn đánh giá tính cách và con người của tôi trước khi quyết định mua bản quyền. Và tôi may mắn được làm việc với bà ấy, không chỉ cho tiểu thuyết đầu tay The Mountains Sing, và còn với tiểu thuyết thứ hai Dust Child (Bụi đời) - sẽ ra mắt ở Mỹ vào năm 2023. May mắn nữa của tôi là Nhà xuất bản Algonquin Books rất chuyên nghiệp. Họ có phòng bản quyền, chuyên giới thiệu tác phẩm đến các nhà xuất bản ở các quốc gia. Nhờ thế mà chúng tôi đã tìm được các nhà xuất bản rất tốt, đầu tư nghiêm túc cho việc dịch, giới thiệu và phát hành tiểu thuyết của tôi. Đôi khi để có được bản quyền dịch, các nhà xuất bản các nước thường phải trình bày cho chúng tôi kế hoạch quảng bá và phát hành của họ.
Phóng viên: Thực sự là một quá trình làm việc bài bản và chuyên nghiệp mà chúng ta rất cần phải học tập. Tuy nhiên điều hết sức quan trọng trước hết vẫn phải chính là giá trị tự thân của tác phẩm văn học được các đơn vị xuất bản nhìn nhận và đánh giá tốt. Lâu nay chúng ta thường hay đề cập đến vấn đề bản sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Vừa là người sáng tác, vừa có điều kiện sống và trải nghiệm cuộc sống ở bên ngoài biên giới quốc gia, vấn đề bản sắc theo chị cần được nhìn nhận như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Bản sắc theo tôi là cá tính, là những điểm độc đáo và đặc biệt của văn hóa Việt Nam mà các tác phẩm văn học cần tôn vinh để rồi qua đó để lại dấu ấn ở văn đàn quốc tế về sự khác biệt. Dù viết bằng tiếng Anh, tiêu chí sáng tác mà tôi đề ra là các tác phẩm của mình phải thuần Việt, phải toát lên được tinh thần của người Việt. Hiện nay văn học thế giới luôn đề cao sự trân trọng và giữ gìn bản sắc bởi vì điểm sáng của văn học chính là những nét riêng, nét độc đáo. Văn hóa và con người Việt Nam có rất nhiều nét riêng, nét độc đáo mà bạn đọc thế giới muốn được khám phá, vì thế tôi tin hiện nay đang có rất nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam.
Phóng viên: Quan sát hành trình sáng tạo của chị, tôi nhận thấy rằng, thời gian chị sống và làm việc tại nước ngoài khá dài, vậy nhưng trong các tác phẩm của chị hình ảnh đất nước con người Việt Nam luôn hiện lên rất đậm nét. Chị luôn đau đáu với các vấn đề thời sự của đất nước. Chị nghĩ gì về trách nhiệm của người viết đối với đất nước, dân tộc mình?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Thực ra thời gian sống, học tập và làm việc trong nước của tôi dài hơn 30 năm trong tuổi đời 48 của tôi. Chỉ có điều thời gian gần đây, vì công việc của chồng, tôi đành sống xa tổ quốc. Tôi chỉ có quốc tịch Việt Nam, và luôn tự hào mình là người Việt. Vì xa quê hương, tôi luôn mong muốn được trở về. Và hằng ngày, tôi trở về bằng ngòi bút của mình. Càng ở xa, càng thương nhớ quê hương, tôi càng phải viết để được gần lại với cội nguồn. Tôi viết làm sao để mình có thể nghe được tiếng Việt trên từng trang viết, nếm được các món ăn mà mình thương nhớ, thấy được con người, các con phố, các hàng cây. Tôi hạnh phúc với công việc sáng tác vì nhờ nó mà tôi được hít thở, sống và trưởng thành cùng với Việt Nam dù ở xa quê hương. Tôi luôn đọc và dõi theo các tác phẩm văn học trong nước bởi vì chúng giúp tôi trở về. Tôi không nghĩ nhiều về những điều lớn lao như vai trò và trách nhiệm của một công dân, nhưng tôi tâm niệm sẽ luôn làm hết sức trong việc giới thiệu một Việt Nam giàu bản sắc với bạn bè quốc tế bởi vì tôi tự hào về bản sắc ấy.
Được xuất bản ở Mỹ lần đầu tiên vào tháng 3/2020, tính đến nay “The Mountains Sing” đã và đang được dịch ra 13 thứ tiếng (tiếng Hà Lan, Italia, Thụy điển, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Phần Lan, Pháp, Serbia, Hàn Quốc, Nga) và nhận được 6 giải thưởng: Giải thưởng văn học PEN Oakland/Josephine Miles năm 2021, giải Nhì Giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình (hạng mục hư cấu), Giải thưởng sách quốc tế năm 2021, Giải thưởng Blogger's Book Prize năm 2021, Giải thưởng BookBrowse năm 2020 dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất, Giải thưởng Lannan vì đóng góp cho hòa bình và hòa giải.
Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình. Chị là tác giả và dịch giả của 18 quyển sách ở các thể loại thơ, du ký, tiểu thuyết và đã nhận được các giải thưởng văn học uy tín trong nước như Giải Nhất cuộc thi thơ về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Giải thưởng Hội nhà văn Hà Hội cho tập thơ “Cởi gió” … “The Mountains Sing” - tiểu thuyết đầu tay của chị đã trở thành một cuốn sách bán chạy toàn cầu.
“Vì xa quê hương, tôi luôn mong muốn được trở về. Và hằng ngày, tôi trở về bằng ngòi bút của mình. Càng ở xa, càng thương nhớ quê hương, tôi càng phải viết để được gần lại với cội nguồn. Tôi viết làm sao để mình có thể nghe được tiếng Việt trên từng trang viết, nếm được các món ăn mà mình thương nhớ, thấy được con người, các con phố, các hàng cây. Tôi hạnh phúc với công việc sáng tác vì nhờ nó mà tôi được hít thở, sống và trưởng thành cùng với Việt Nam dù ở xa quê hương”. (Nguyễn Phan Quế Mai)