Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lập kỷ lục mới về xuất bản

Cuốn sách Cây chuối non đi giày xanh (NXB Trẻ, 2017) vẫn viết về tuổi mới lớn theo mô-típ quen thuộc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xoay quanh các mối quan hệ giữa "tôi và nhỏ", bạn bè cùng lớp, thầy, cô giáo, cha mẹ, hàng xóm, láng giềng… ở một làng quê xứ Quảng, quê hương nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lập kỷ lục mới về xuất bản

Nhìn dòng người, chủ yếu là các em học sinh xếp hàng từ 8 giờ 30 phút đến 15 giờ để chờ nhận chữ ký của nhà văn tại phố sách Hà Nội hôm 14-1 vừa qua, đủ thấy sức hấp dẫn lạ lùng và bền bỉ từ các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Nếu trong Cô gái đến từ hôm qua, "tôi" và "Tiểu Ly" từ xa cách đến gặp lại, thương yêu nhau rồi mới nhận ra chốn cũ, người xưa, thì ở Cây chuối non đi giày xanh, chuyện xảy ra ngược lại. "Tôi" và "Thắm" sống cùng làng từ nhỏ, vượt qua sóng gió tuổi mới lớn để đi đến kết thúc có hậu, họ trở thành vợ chồng. Chỉ kể lại nội dung thôi thì không có nhiều điều để nói. Nhưng sức hấp dẫn trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, theo chúng tôi, không hẳn ở nội dung câu chuyện mà ở sự dẫn dắt tài tình của người kể chuyện bằng cái duyên riêng không lẫn vào đâu được.

Văn Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng hóm. Nói về ông trước tiên phải nói về cái sự hóm đặc biệt này. Dường như ông luôn sở hữu một kho vô tận tình tiết, ngôn ngữ, diễn biến tâm lý phong phú, bất ngờ, dí dỏm… để hào phóng tặng cho nhân vật và người đọc. Lẽ dĩ nhiên, sự hào phóng đó chỉ đến từ lao động cật lực và tài năng của nhà văn. Tôi biết nhiều độc giả nhỏ tuổi và cận trưởng thành còn có thú chơi sách Nguyễn Nhật Ánh theo bộ, phải chăng các em muốn lưu giữ một cách hệ thống kho tàng hài hước ấy?

Cây chuối non đi giày xanh, tiếng cười tiếp tục hiện diện trên nhiều trang sách, nhưng đó không phải là những câu chuyện vui, tếu táo mà là tiếng cười trí tuệ về cuộc sống và sự trưởng thành của tuổi niên thiếu. Chỉ tiếng cười ấy mới chinh phục được thế hệ trẻ ngày càng hiểu biết, thông minh và cũng khá… lơ đãng trong kỷ nguyên in-tơ-nét. Bởi vì, các em có thể tìm thấy đằng sau tiếng cười những bài học nho nhỏ nhưng không ít phần sâu sắc mà nhà văn đã tinh tế để lại: "khi ta giận ai đó quá lâu, sự lạnh nhạt không còn là biểu hiện của cảm xúc nữa mà dần trở thành một thói quen", "khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo", "ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi", …

Cũng như nhiều tác phẩm trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, đọc Cây chuối non đi giày xanh, trẻ em tìm thấy mình ở cuộc sống hiện tại, còn người lớn nhận được một tấm vé trở về tuổi thơ. Tuổi thơ thật là ngắn ngủi cho nên chứa đầy hoài niệm, ngay cả khi có chút ân hận, tiếc nuối thì âm hưởng chủ đạo vẫn tươi đẹp, ngọt ngào, không thể nào quên. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể những câu chuyện từ một vùng quê miền trung của mình, nhưng ông luôn tìm ra những cái chung nhất, đặc sắc nhất trong thế giới tuổi thơ ai ai cũng có và không bị bó hẹp bởi không gian địa lý. Chính vì vậy, có thể nói ông là người thư ký ghi chép tuổi thơ cho nhiều người bằng văn học, một công việc mà lâu lắm mới có người thực hiện một cách xuất sắc. Ðiều đó khiến tác phẩm của ông duy trì sức hút trường kỳ với độc giả.

Những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh liên tục lập nhiều kỷ lục xuất bản. Ðầu năm 2018, ông đã phá kỷ lục "không tưởng" trong làng xuất bản do chính ông lập trước đó. Tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình in 100 nghìn bản trong lần đầu xuất bản cuối năm 2016 thì lần này, truyện dài Cây chuối non đi giày xanh có số lượng ấn bản lần đầu lên tới 170 nghìn cuốn.

Người ta nói vui rằng, kỷ lục ấy nếu Nguyễn Nhật Ánh không tìm cách tự phá thì chưa biết đến bao giờ nó mới bị xô đổ! Sở hữu nhiều kỷ lục xuất bản, có lẽ ở thời điểm này ông vẫn là "nhà văn tỷ phú" duy nhất ở Việt Nam có thu nhập bằng nhuận bút.