Nhà văn Mỹ tái hiện Hội nghị Paris bằng sách ảnh và dịch hồi ký

NDO - NDĐT- Ở tuổi 70, nữ nhà báo - nhà văn Mỹ Lady Borton vẫn làm việc không mệt mỏi. Bà sử dụng một chiếc xe đạp cà tàng để di chuyển từ khách sạn La Thành đến Nhà xuất bản Thế Giới ở đường Trần Hưng Đạo, nơi bà đang làm biên tập viên và biên dịch.
Nhà văn Mỹ Lady Borton.
Nhà văn Mỹ Lady Borton.

Rồi Út Lý (tên Việt Nam của bà Borton khi làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng cho các thường dân bị tàn tật ở Quảng Ngãi trong những năm 1969- 1971) lại xuất hiện ở Ủy ban Hòa bình Việt Nam, 61 Bà Triệu.

Dáng người dong dỏng, gầy guộc và tất tả của bà chẳng khác gì những bà mẹ ở làng quê Việt Nam vội vã ra đồng, vội vã đi chợ, thổi cơm. Bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1969, lại có 7 năm sống và làm việc ở Việt Nam, bà Borton có thể nói tiếng Việt rành rẽ, một thứ tiếng Việt hàn lâm hẳn hoi.

Bốn mươi năm trước, khi cuộc đàm phán tại Paris đang đến hồi kết, bà Lady Borton có mặt ở Quảng Ngãi trong vai trò của một nhà hoạt động nhân đạo trong tổ chức từ thiện Quaker. Còn suốt năm tháng qua bà đang bận tíu tít với việc dịch sang tiếng Anh cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước tôi” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Hồi ức của bà Bình về khoảng thời gian năm năm đàm phán tại Paris 1968-1973 là phần ấn tượng nhất trong hơn 300 trang sách. Hoạt động đàm phán và vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam, lên án cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ được hồi tưởng qua những kỷ niệm sâu sắc của tác giả.

Ngoài việc biên dịch cuốn hồi ký của bà Bình, bà Lady Borton còn phải dốc sức hoàn thành cuốn sách ảnh “Hội nghị Paris về Việt Nam - Nhìn lại, 1968-1973”. Đây là cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh giới thiệu khoảng 140 tấm ảnh đen trắng về Hội nghị Paris. Gần như toàn bộ diễn tiến của Hội nghị Paris được thể hiện sinh động qua những trang ảnh kèm theo chú thích hết sức cụ thể về vai trò, nhiệm vụ của từng nhân vật trong ảnh.

Nữ văn sĩ tỏ ra lo lắng vì áp lực phải ra mắt hai cuốn sách đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Công việc nặng nề, nhưng bà rất say sưa vì hai cuốn sách đem lại cho bà cảm hứng rất lớn.

Nói chuyện với các đồng nghiệp báo chí về hai cuốn sách vừa được ra mắt vào ngày 25-1-2013, bà thường nhắc đến “vai trò hết sức quan trọng” của báo chí ở Paris, trong đó có vai trò nổi bật của ông Nguyễn Thành Lê, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, một thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bà lý giải, thời đó Paris là trung tâm thế giới, phóng viên các hãng truyền thông lớn đều tập trung ở đó. Hà Nội thì xa quá, việc truyền thông tin từ Hà Hội ra thế giới rất khó khăn do điều kiện chiến tranh. Do đó, thế giới biết được thực tế cuộc chiến ở Việt Nam chủ yếu qua 500 buổi họp báo và gần 1.000 cuộc phỏng vấn tại Paris.

Có lẽ những mất mát và đau thương đến cùng cực của người dân miền trung trong chiến tranh đã làm cho bà Borton gắn bó mãi mãi với Việt Nam. Chiến tranh cũng là đề tài đem lại cảm hứng sáng tác chủ đạo cho bà. Hàng loạt cuốn sách về lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 và về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được bà cùng các đồng nghiệp thực hiện. Nhiều cuốn được dịch sang các thứ tiếng khác nhau, như cuốn phóng sự “Cảm nhận kẻ thù” xuất bản tại Mỹ năm 1984, tuyển tập 125 bài thơ “Những cái nhìn chiến tranh, những giấc mơ hòa bình” của 40 nữ tác giả Mỹ và Việt Nam, cuốn “Tiếp sau nỗi buồn - Một người Mỹ giữa làng quê Việt Nam”. Bà cùng với họa sĩ Mỹ David Thomas xuất bản cuốn “Hồ Chí Minh - Một chân dung” và viết nhiều bài bình luận chính trị trên các báo và tạp chí ở Mỹ và Việt Nam với chủ đề “Người Mỹ sau cuộc chiến tranh Việt Nam”. Ngoài ra, bà còn làm biên tập viên, hiệu đính tiếng Anh cho một số cơ quan báo chí của Việt Nam và tổ chức nhiều cuộc giao lưu cho các nhà văn Việt Nam và Mỹ.

Để hoàn thành được các tác phẩm này, bà Borton phải tìm kiếm tư liệu trong Trung tâm lưu trữ quốc gia, cả ở Mỹ và nhiều nơi khác. Nhưng tư liệu ngày càng ít. Bà bảo, bây giờ chỉ có thể tìm được tài liệu trong túi áo người lính và các gia đình. Những nhân chứng lịch sử ngày càng già yếu, trong quá trình làm sách về Hội nghị Paris, có thêm mấy người nữa mất do tuổi cao.

Dường như cuộc chạy đua giữa bà Lady Borton với thời gian và các nhân chứng đang diễn ra rất gay go, vì thời gian còn rất ít và cả tác giả, người biên dịch và nhân chứng đều đã cao niên. Hai cuốn sách kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.

Có thể nói, dù làm gì hay ở đâu, tâm hồn bà Borton cũng luôn hướng về Việt Nam. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ghi nhận bà Borton là một người bạn thủy chung son sắt của nhân dân Việt Nam trong cuốn “Việt Nam và những tấm lòng bè bạn”. Bằng cảm nhận riêng, bà đã chọn cách “khép lại quá khứ” là làm sách và viết báo, để thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử đầy giông bão.