Đã có không ít cuốn sách viết về Bác và những người thân trong gia đình Bác nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách được viết ở thể loại tiểu thuyết, trong đó đề cập sâu tới vai trò ảnh hưởng của người cha đến việc hình thành tư tưởng yêu nước ở Bác cũng như tình cảm sâu đậm giữa hai cha con.
Nhà văn Hồ Phương cho biết: "Mốc thời gian mà tôi chọn ở đây là từ lúc Bác bước sang tuổi thiếu niên cho đến lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Tuổi thiếu niên là tuổi đã bắt đầu có sự hình thành và trưởng thành đáng kể về nhận thức. Ở Bác thì đấy còn là giai đoạn mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung bắt đầu nhận được ảnh hưởng mạnh nhất từ cha mình".
Viết về "người thật, việc thật" là công việc không dễ đối với một lĩnh vực đòi hỏi sự hư cấu như văn học. Vì sao ông lại chọn một thể loại đòi hỏi sự hư cấu cao nhất là tiểu thuyết?
- Có nhiều lý do khiến tôi lựa chọn thể loại tiểu thuyết. Trước nhất, đó là một thể loại "tay quen" của tôi và hơn thế, tôi lại đang có đà viết tiểu thuyết (những cuốn tiểu thuyết gần đây của nhà văn Hồ Phương như: "Yêu tinh", "Ngàn dâu", "Những cánh rừng lá đỏ"... đều giành được giải thưởng của Hội Nhà văn VN, UB toàn quốc các Hội VHNT VN, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... - P.V).
Thứ nữa, với đề tài này, ngay từ đầu, tôi đã nghĩ chỉ có thể là tiểu thuyết thì mới có thể chất chứa hết những cảm nhận của tôi về nhân vật. Tôi không muốn kể câu chuyện của mình dưới dạng truyện lịch sử hay truyện danh nhân vì không muốn người đọc phải quá bận tâm về mặt chuẩn xác của các nguồn tư liệu. Điều tôi cần được bạn đọc đồng cảm đó là những rung cảm mạnh mẽ của người viết trước một câu chuyện đẹp về tình cha con.
Tôi không gọi nhân vật của tôi là "người thật, việc thật" mà là "những nhân vật có địa chỉ". Sự hư cấu ở đây vì vậy không phải là bịa thêm sự kiện mà là cố gắng chạm trổ cho sự kiện để nó sinh động hơn bằng những miêu tả tỉ mỉ và những bình giá sâu sắc.
Có thể tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết này một tư liệu mới nào chưa từng được công bố hay ít được nhắc đến?
- Nếu là tư liệu mới hoàn toàn thì tôi nghĩ là không. Nhưng tôi tin là ở một số sự kiện đáng chú ý, tôi đều đã có cố gắng đưa ra được những cách xử lý và cách nhìn khác hơn, sâu hơn.
Tại sao ông lại chọn một đề tài mà đòi hỏi phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu, lại viết về một nhân vật đã có quá nhiều người viết, vào lúc quỹ thời gian của mình không còn nhiều?
- Lắm khi tôi cũng tự hỏi: Tại làm sao mình cứ khao khát theo đuổi cho kỳ được đề tài này dù đã có những lúc phải gác lại để tham gia những cuộc vận động viết về đề tài chiến tranh... Mà tôi còn chưa định dừng bút đâu nhé. Tôi đang tính, nếu có điều kiện, sẽ viết kỹ thêm về quãng đời Bác bôn ba ra các nước Châu Mỹ, Châu Phi, thời kỳ ở Pháp, thời kỳ Cách mạng Tháng Tám... Tôi cũng đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết về giới trẻ hiện nay, có tên "Gió xin đổi".
Xin cảm ơn nhà văn.