Nhà văn – Anh hùng Lao động Sơn Tùng

NDO -

NDĐT- Chiều mai, ngày 22 - 7, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, sẽ diễn ra Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao Động của nhà văn Sơn Tùng. Ông là nhà văn đầu tiên được nhận danh hiệu này.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng

Cả Chiếu Văn, cả Hội Nhà văn Việt Nam và những người hoạt động nghệ thuật trong cả nước đều rất vui mừng trước tin ngày 14 – 7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao Động cho Nhà văn Sơn Tùng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Người tốt bao giờ cũng tốt. Nhà văn Sơn Tùng từ lâu đã biết mình là ai. Nhưng việc ông được thừa nhận là Anh hùng có giá trị như một sự chiêu tuyết, một sự đổi mới trong công tác tư tưởng. Bởi lẽ, ông không ít lần bị nghi hoặc và đàn hặc (nghĩa từ Hán Việt: hạch hỏi điều lầm lỗi) bởi những buổi nói chuyện về lãnh tụ có những tư liệu mới, những cách nghĩ khác với những ai đó.

Là người được gần gũi ông, tôi thấy có những tư liệu cần thẩm tra, xác minh lại. Đó là chuyện muôn đời của khoa học. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông là người viết nhiều sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất ở Việt Nam, trong đó có nhiều tư liệu quý mà ông đã đem cả đời mình ra để có được. Nhưng không chỉ thế. Yêu Bác Hồ một cách thành kính, khoa học; nguyện sống noi gương Bác mà không cần ai, không đợi đến lúc vận động bởi sâu xa ông là người yêu nước, yêu lý tưởng cộng sản cao đẹp, yêu và giữ tròn đạo lý dân tộc trong sống cũng như viết.

Không thể nghĩ ông anh hùng vì tàn tật mà vẫn vượt lên số phận để viết văn. Điều đó mới chỉ là tấm gương tốt như tấm gương Hoa Xuân Tứ mà ông đã phát hiện trong những ngày đầu của cuộc đời làm báo.

Cái tiết tháo anh hùng của ông có phần bắt nguồn từ tính cách đại trượng phu theo quan niệm nhà nho mà ông thừa hưởng trong gia đình từ thuở nhỏ là Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất, nghĩa là “Giàu sang không khiến cho bị ham muốn, chuyển lay; nghèo khó không khiến cho bị đổi thay; uy vũ không khuất phục nổi mình, chỉ một lòng tôn thờ đạo nghĩa”.

Tính cách anh hùng của ông, phần lớn được học tập, rèn luyện bởi nhân dân, đồng chí , đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong cuộc sống đời thường với những người “dưới đáy”. Chung quanh nhà ông là cô thợ giặt là, người bán hàng cơm, anh xích lô, cô nhân viên bình thường công sở… Nhân dân – đó là nơi có những hy sinh cao cả, những giá trị con người mà ông suốt đời trân trọng.

Là người có công - thương binh nặng; được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao biết đến và kính trọng, nhưng ông không mảy may đòi hỏi đãi ngộ và lợi dụng. Ông chỉ viết văn và sống bằng ngòi bút chân phương, bằng sự tháo vát của người vợ hiền thảo và con cháu hiếu thuận. Ông là người chuẩn mực, rất khiêm tốn, nhường nhịn, thân ái. Cái lớn của ông là ở chỗ đó. Ông như biển, đứng thấp hơn đời để có thể thu hút muôn sông.

“Chiếu Văn” có “trụ sở” tại nhà ông, căn phòng nhỏ của dãy nhà A1, tập thể ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên - có thể nói là tồi tàn so với mức sống và sự phát triển hiện nay; chính là nơi tập hợp nhiều văn nghệ sĩ, trí thức cao niên. Mỗi người có những quan điểm khác nhau, nhưng đều mang lòng yêu nước, yêu dân; mong mỏi đất nước tiến nhanh cùng thế giới. Nhà văn Sơn Tùng là linh hồn, là trung tâm đoàn kết mỗi khi có những tranh luận gay gắt.

Ở đời, có bao nhiêu điều tốt đẹp, những điều chỉ nhìn thấy đã có giá trị cảm hóa mạnh mẽ gấp hàng nghìn lần thuyết giảng, giáo dục ở nhà trường. Tôi thấy tình bạn, tình đồng chí của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Nhà văn Sơn Tùng là như vậy. Năm ngoái, khi nhà văn bị tai biến, nằm ở bệnh viện nào, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đến thăm. Tháng 7 này, ngay khi vừa ký xong quyết định phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhà văn, trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Minh Triết liền rủ vợ chồng nghệ sĩ Kim Chi đến thăm và chúc mừng nhà văn tại nhà riêng ở thân tình như anh em, bạn bè. Họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm chiến trường, về những vùng đất họ đã sống và chiến đấu. Sau đợt tai biến năm ngoái ấy, nay nhà văn Sơn Tùng gần như bị liệt, nghe và nói đều khó khăn, chỉ thường biểu hiện cảm xúc bằng những nụ cười lẫn trong nước mắt.

Ngày mai, ông lên nhận Danh hiệu Anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới trên chiếc xe lăn và những ngày trên cõi thế này đã ngắn lại. Tôi nghĩ, ông không muốn nhận cho riêng mình, mà muốn nhận và trao nó cho chị Hồng Mai, người vợ thủy chung, tận tụy một đời chăm lo cho cuộc sống và sự nghiệp của chồng. Và ông cũng muốn trao lại cho các nhà văn khác, những người miệt mài sống và viết vì tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc, đang giữ cho mình lối sống phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nói : Nhà văn Sơn Tùng đã trở thành nhà văn đầu tiên được phong Anh hùng Lao Động; là nhà văn đầu tiên chứ không phải duy nhất…

Tôi đem điều này tâm sự với nhà văn Sơn Tùng. Ông cười hiền xác nhận, nắm chặt tay tôi.

Hơi ấm từ ông trong cái nắm tay ấy, chắc tôi sẽ nhớ tới suốt đời.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8-8-1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tham gia Việt Minh năm 1944. Là cán bộ Đoàn xuất sắc, ông được tham gia Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới Vacsava 1955. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Phóng viên chiến trường. Ngoài hàng nghìn bài báo, ông đã cho xuất bản 30 đầu sách. Tác phẩm tiêu biểu là Búp sen xanh (tiểu thuyết), Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản điện ảnh) , Gửi em chiếc nón bài thơ (thơ).