Nha Trang tập trung xây dựng đô thị thông minh

Nha Trang xác định mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Hiện thành phố đang có những bước đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực, tạo hình mẫu về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh theo hướng hiện đại, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố biển Nha Trang. (Ảnh NGỌC HÒA)
Thành phố biển Nha Trang. (Ảnh NGỌC HÒA)

Mới đây, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; thành phố Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng kinh tế-xã hội trọng điểm phát triển đột phá của tỉnh.

Có thể thấy, vị thế, vai trò của thành phố Nha Trang đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của tỉnh Khánh Hòa mà là của khu vực và cả nước. Do đó, Nha Trang cần có bước đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực, tạo hình mẫu về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh theo hướng hiện đại, bền vững.

Xây dựng đô thị thông minh, trên thực tế, đang là một xu thế, được triển khai nhằm giải quyết rốt ráo, hiệu quả các yêu cầu bức thiết của mỗi đô thị hay khu vực dân cư. Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh.

Thành phố Nha Trang chưa phải thật sự đối mặt với các vấn đề liên quan tập trung dân số cao, nhưng việc đầu tư xây dựng đô thị thông minh chính là cơ hội để thành phố tận dụng khoa học công nghệ, không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng Nha Trang đạt tiêu chuẩn đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị hiện đại, có đẳng cấp quốc tế.

Trên thực tế, những năm gần đây, thành phố biển đã có nhiều cố gắng trong xây dựng cho mình một nền tảng tương đối sẵn sàng cho việc xây dựng cơ quan điện tử và đô thị thông minh.

Đơn cử như từ quý I năm 2022, toàn bộ các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố và ủy ban nhân dân các xã, phường tiếp tục sử dụng phần mềm một cửa điện tử để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho công dân, tổ chức theo đúng quy định. Tỷ lệ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến qua mạng internet ở mức độ 3 của thành phố quý I năm 2022 đạt tỷ lệ 32,59%.

Điều đáng mừng là nhận thức về việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng internet của cán bộ thực thi cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua một số ứng dụng liên quan đến đô thị thông minh đã triển khai, nổi lên một số nhược điểm: Đó là thiếu sự liên kết giữa các ngành trong các khâu chuẩn bị, thiết kế ứng dụng cũng như sử dụng dữ liệu sinh ra trong quá trình tác nghiệp; chưa có trung tâm dữ liệu; còn nhiều tài nguyên của thành phố chưa được khai thác một cách thông minh như các tài nguyên về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, các địa điểm du lịch...

Nha Trang chưa có một bản thiết kế thống nhất; chưa hình thành một hệ thống cơ chế, chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn để bảo đảm xây dựng một đô thị thông minh bền vững, nhất là việc xây dựng đô thị thông minh chưa được coi là một phương thức phát triển đô thị, các đề án đầu tư xây dựng trong thành phố chưa được tích hợp công nghệ thông tin, công nghệ số để bảo đảm thông minh ngay từ đầu.

Theo bài học kinh nghiệm của quốc tế và trong nước về xây dựng đô thị thông minh, Nha Trang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đó là nhận thức, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố đến cấp sở, ban, ngành, địa phương cơ sở.

Thành phố phải xác định tập trung vào lĩnh vực “nóng” nào, và làm thế nào để người dân nhiệt tình tham gia, góp công, góp sức, kinh phí. Ở một số địa phương đã triển khai, có thực trạng nhiều ứng dụng thông minh được đầu tư rất nhiều công sức, tiền của xây dựng, vận hành nhưng người dân tham gia còn hạn chế. Điều này làm giảm đi rất nhiều tính hiệu quả của đô thị thông minh.

Thực hiện xây dựng, phát triển thành phố thông minh, Nha Trang cần được quan tâm đầy đủ đến đặc thù của thành phố đang phát triển cũng như hành lang pháp lý hiện hành về xây dựng và quản lý đô thị của Việt Nam nói chung, của tỉnh Khánh Hòa nói riêng; quan tâm đến yếu tố “thông minh bền vững”, trong đó có các vấn đề về xây dựng đô thị; làm giàu hạ tầng dữ liệu phục vụ cho đô thị thông minh; nhất là xây dựng ba trụ cột: Thể chế; hạ tầng công nghệ thông tin và con người, đô thị thông minh, thành phố thông minh sẽ giải quyết một cách tốt nhất các vấn đề của đô thị, qua đó, nâng cao mức sống, đẳng cấp sống của người dân. Ở đó, con người luôn là trung tâm; cư dân thành phố chính là chủ thể xây dựng và vận hành đô thị thông minh.

Nha Trang xác định mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Để đạt được mục tiêu ấy, thành phố biển cần có một tầm nhìn tốt; một quyết tâm chính trị rất cao và một chương trinh hành động mạnh mẽ, huy động tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhất là cần có cộng đồng dân cư tham gia tích cực.