Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”.
Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ.
Việc quảng bá văn học Việt Nam hiện vẫn rời rạc
Phóng viên: Tôi ấn tượng với ý kiến ông đó là “Một trong những sự đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là văn học”. Vậy theo đánh giá của ông, văn học đã thực sự phát huy hết vai trò của mình hay chưa? Văn nghệ sĩ với tư cách những người lưu giữ, truyền bá những vẻ đẹp văn hóa truyền thống và là những người làm ra những vẻ đẹp mới cho văn hóa dân tộc đã làm hết vai trò của mình hay chưa?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chưa! Tôi phải nói một cách công bằng và đầy mong muốn về sứ mệnh này như vậy. Chúng ta đã có những hoạt động quảng bá văn học ra nước ngoài nhưng quá ít so với thành tựu của nền văn học. Cho đến bây giờ đã là thế kỷ 21, nhưng việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới vẫn rời rạc và không chính thống. Chúng ta chưa hề có ý thức thực sự nghiêm túc và trách nhiệm về việc này. Điều này không phụ thuộc vào một vài cá nhân mà phải là một tổ chức chuyên nghiệp.
Phóng viên: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng “công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh”, từ đó đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp ngành, tổ chức có liên quan. Hiện nay, tôi thấy có một điểm sáng đó là sự nhập cuộc nhiệt tình của nhiều cá nhân (bao gồm: nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu,…) nhằm đưa văn học Việt Nam ra thế giới đã mang lại những kết quả tích cực. Dù cần phải thừa nhận đây vẫn chỉ là những con đường tiểu ngạch, trong khi muốn đưa văn học Việt Nam đi xa, đi bền, chúng ta cần những đường chính ngạch, những đại lộ thông thoáng, rộng mở. Chúng ta đã có đủ những điều kiện đó hay chưa vào thời điểm này, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta có đủ các điều kiện mà điều kiện đầu tiên là chúng ta có những tác phẩm văn học có chất lượng cao mà thế giới sẽ đón nhận nếu có được những bản dịch tốt nhất. Chúng ta có một đội ngũ dịch thuật tốt, chúng ta có mối quan hệ với các dịch giả nước ngoài, với hệ thống các nhà xuất bản trên thế giới. Và bây giờ chúng ta cần 2 điều kiện vô cùng quan trọng là ý thức của chúng ta trong việc này và nguồn tài chính đủ để thực thi.
Phóng viên: Có thể thấy, nhiều năm qua, dù với tư cách cá nhân, hay tư cách một lãnh đạo cấp cao của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng luôn trăn trở việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam tới các bạn bè quốc tế. Và ông đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, góp phần xây nên những cây cầu kết nối quan trọng. Ông tự đánh giá mình đã làm được gì và chưa làm được gì với những kỳ vọng của chính bản thân?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi bắt đầu có ý thức truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới từ năm 1990 khi tôi tiếp xúc với các nhà văn Mỹ lần đầu tiên. Họ quan tâm đến văn học Việt Nam hơn là người Việt Nam quan tâm đến việc giới thiệu nền văn học của mình cho họ và cho các nước khác. Tôi có thể nói rằng, tôi đã nỗ lực cùng các nhà văn nước ngoài chuyển ngữ một số tác phẩm văn học hoặc ra sức thuyết trình về văn học Việt Nam với các tổ chức văn chương nước ngoài. Nhưng dù nỗ lực thế nào, thì tôi cũng chỉ là một cá nhân. Và một cá nhân không thể gánh vác sứ mệnh to lớn này mà phải là một chiến lược của Nhà nước mà cụ thể hơn nữa là Hội Nhà văn.
Tôi hy vọng, với việc đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế như Đảng ta đã xác định, sẽ mở ra một chương mới, hay có thể nói chương đầu một cách bài bản và có lộ trình trong chiến lược quảng bá đặc biệt này. Hiện tôi có điều kiện nhất trong suốt mấy chục năm qua để trực tiếp báo cáo với các cấp có thẩm quyền cao nhất về chiến lược này. Qua các cuộc làm việc với lãnh đạo cấp trên, đặc biệt hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển văn hóa, tôi tin Chính phủ sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho Hội Nhà văn thực thi sứ mệnh của mình.
Rất cần có bàn tay của nhà nước
Phóng viên: Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016-2020, trong đó tôi đặc biệt chú ý đến nội dung: “Thông qua xuất bản phẩm để giới thiệu các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc đến với bạn bè quốc tế”. Như vậy, việc quảng bá văn hóa, cũng như các tác phẩm văn học Việt Nam đã được văn bản hóa thành một kế hoạch cụ thể. Nhưng để một đề án phát huy hiệu quả, theo ông cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đề án là hoàn toàn đúng nhưng giai đoạn 2016-2020 đã đi qua mà tôi chưa thấy đề án này được thực thi một cách cụ thể và có lộ trình. Thí dụ như Hội Nhà văn vẫn chỉ biết đến đề án đó trên văn bản còn việc triển khai thì tôi chưa thấy gì. Nhà xuất bản Hội Nhà văn hàng năm cho ra mắt những tác phẩm có chất lượng và có thể giới thiệu ra thế giới. Nhưng nhà xuất bản không có đủ kinh phí để dịch và xuất bản chỉ một cuốn sách. Để việc này được thực thi một cách có hiệu quả nhất thì các cơ quan quản lý nhà nước phải là người thúc đẩy, đặt hàng các nhà xuất bản thực hiện đề án này. Nếu không có bàn tay của nhà nước, thì đề án hay giấc mơ của chúng ta về sứ mệnh này, cũng mãi mãi chỉ là đề án và giấc mơ mà thôi.
Phóng viên: Mới đây ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, nêu quan điểm chỉ đạo: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Đây là cơ sở giúp chúng ta có thể lạc quan về một triển vọng mới trong hoạt động quảng bá văn học của Việt Nam trong giai đoạn tới. Liên quan đến việc tiến vào thị trường thế giới, nhiều người đặt ra tiêu chí xây dựng “thương hiệu sách Việt Nam” với bạn bè quốc tế. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thương hiệu sách Việt Nam là một cách gọi rất thú vị. Nhưng chỉ khi những tác phẩm văn học hay các tác phẩm ở các lĩnh vực khác phải được hiện diện trong các hiệu sách, trong các thư viện nước ngoài một cách có hệ thống và bền bỉ thì thương hiệu sách Việt Nam mới từng bước được hiện ra. Còn cứ như tình trạng hiện này thì không có cách nào để bạn đọc thế giới biết đến thương hiệu này. Hàn Quốc là một quốc gia đã thực sự thành công trong chuyện này. Chúng ta không cần học ai mà hãy học Hàn Quốc.
Phóng viên: Để xây dựng thương hiệu sách Việt như một chứng chỉ nhận diện đủ mạnh trên thị trường quốc tế, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trước hết chúng ta phải có những cuốn sách chất lượng, có những bản dịch chất lượng và có lối ra thị trường thế giới vừa rộng khắp vừa tập trung các điểm và các thời điểm mang tính chiến lược.
Phóng viên: Năm 2020, ông chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Với trọng trách được giao, ông có thể cho biết Hội Nhà văn sẽ có những bước đột phá nào trong việc thúc đẩy giới thiệu, quảng bác các tác phẩm văn học Việt Nam đến bạn bè quốc tế?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi đã viết dự án về chiến lược truyền bá sách văn học ra thế giới và sẽ trình các bộ ngành có liên quan để cuối cùng trình Chính phủ. Nếu đề án này được phê chuẩn thì trong nhiệm kỳ này, những tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam sẽ có “visa” nhập cảnh vào các quốc gia khác trên thế giới. Mục tiêu đã rõ ràng, đề án đã chi tiết, chỉ còn điểm cuối cùng quyết định sự thành công của chiến lược này là Chính phủ.
Phóng viên: Thời gian qua chúng ta nghe nhiều về chuyển đổi số như một xu hướng tất yếu. Trong hoạt động quảng bá, giao lưu quốc tế, chuyển đổi số có thể mở cho chúng ta thêm những cánh cửa mới, giúp xóa bỏ khoảng cách về thời gian, không gian. Vậy Hội Nhà văn Việt Nam đã và sẽ làm gì trước đòi hỏi mới của thời đại trong công cuộc chuyển đổi số, tiến gần hơn với thế giới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong đề án truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đề cập đến vấn đề này như: sách điện tử, trang web hoặc báo văn chương online, thậm chí là một tạp chí văn chương Việt Nam thực hiện đồng thời cả hình thức in giấy truyền thống, và cả hình thức điện tử để tiếp cận với thế giới ở chiều rộng và chiều sâu. Trong năm 2021, do dịch Covid-19, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những cuộc hội thảo, tọa đàm, hội chợ sách trực tuyến… với các tổ chức văn chương thế giới và đã giới thiệu được những nét cơ bản của nền văn học Việt Nam. Nhưng đó vẫn chỉ là giới thiệu về tinh thần, còn những tác phẩm văn học cụ thể chúng ta vẫn làm được quá ít.
Phóng viên: Mong rằng dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của Hội Nhà văn, văn học Việt Nam sẽ hiện diện ngày càng nhiều hơn, ấn tượng hơn với bạn bè quốc tế! Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sinh năm 1957 tại thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), Hà Nội. Năm 1993, ông nhận Giải A, Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt với tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Từ đó đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Ông hiện nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
“Hiện nay bạn bè thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam qua một vài cuốn sách, được những người quan tâm chọn dịch. Họ lựa chọn dịch, giới thiệu theo cách của họ, đáp ứng một phần nào nhu cầu tìm hiểu của họ. Chỉ khi nào chúng ta có thể chủ động thì mới có thể dẫn dắt họ đến với văn học Việt Nam một cách toàn diện, đa dạng, sâu sắc kỹ lưỡng hơn”. (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)
Dịch giả nhà văn Kiều Bích Hậu - Cần khởi lên những hành động
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai - Có nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam
Nhà văn, dịch giả Andrea H. Hedeș: Liên kết con người với nhau là chìa khóa dẫn đến sự thành công