Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống

NDO - Văn hóa truyền thống không chỉ là nguồn cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo, mà còn thực sự là cơ hội và nền tảng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp của nhiều nhà thiết kế trẻ, trong đó có Vũ Thảo Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang (trái) tại chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Hoa Đà Lạt 2022. (Ảnh: Nhà thiết kế cung cấp)
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang (trái) tại chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Hoa Đà Lạt 2022. (Ảnh: Nhà thiết kế cung cấp)

Buổi tọa đàm “Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là dịp để Vũ Thảo Giang bộc bạch về hành trình phát triển sự nghiệp thiết kế sáng tạo của mình dựa trên vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngay từ khi bước vào nghiệp thiết kế, Vũ Thảo Giang đã chọn hướng đi khác biệt so với những nhà thiết kế khác và đã gặt hái thành công với những ý tưởng của mình. Đó là việc sử dụng các chất liệu từ văn hóa truyền thống để ứng dụng vào những sáng tạo của mình, như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, những danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam, các chi tiết trên kiến trúc cung đình xưa, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh…

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 1

Hình ảnh ruộng bậc thang được Vũ Thảo Trang thể hiện trên tà áo dài của bộ sưu tập "Việt Nam gấm hoa".

Là người dân tộc Tày, thành công với thương hiệu áo dài, tuy nhiên Vũ Thảo Giang cho biết, ban đầu cô không có nhiều lợi thế, và dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của cô. “Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế, tôi nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều” - Vũ Thảo Giang nói.

Bên cạnh đó, Vũ Thảo Giang cũng cho rằng, những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa còn được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng.

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 2

Dấu ấn của kiến trúc cung đình xưa trên bộ sưu tập "Dấu ấn vàng son".

Những dấu ấn văn hóa truyền thống mà Vũ Thảo Giang đã ứng dụng thành công trên những sáng tạo của mình có thể kể đến các bộ sưu tập mà cô thực hiện, trước hết là đam mê theo đuổi áo dài dân tộc. Có thể kể đến bộ sưu tập “Dấu ấn vàng son” mà nhà thiết kế trẻ lấy cảm hứng từ các hoa văn họa tiết trong kiến trúc cung đình xưa như rồng, phượng, hoa sen, lá bồ đề, gốm sứ… hay từ các di vật khảo cổ Cung đình Huế và Hoàng Thành Thăng Long.

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 3

Những danh lam thắng cảnh trong bộ sưu tập "Việt Nam gấm hoa".

Các bộ sưu tập khác của Vũ Thảo Giang đều có những dấu ấn từ văn hóa truyền thống, như có bộ sưu tập “Bát Nhã” với hoa văn gốm khảm, bộ sưu tập “Dáng ngọc Phương Đông” với các họa tiết cung đình, bộ sưu tập “Qua miền Di sản” - 26 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận, bộ sưu tập thổ cẩm “Phố Làng”, bộ sưu tập di sản công viên địa chất toàn cầu và thổ cẩm người Tày “vẻ đẹp Á Đông”... Đó là những dấu ấn đặc biệt mà nhà thiết kế Vũ Thảo Giang đã ghi trên hành trình khởi nghiệp của mình.

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 4

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang (thứ hai từ trái qua) tại tọa đàm “Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo”.

“Vốn văn hoá dân tộc” được nhà thiết kế trẻ sử dụng như đòn bẩy tạo nên thương hiệu của mình, không chỉ tạo ra tính thương mại có giá trị cao với sản phẩm mà còn có giá trị với cộng đồng. Những bộ sưu tập của Vũ Thảo Giang từ những ngày đầu tiên vào nghề cho tới nay đều mang tính chất quảng bá Di sản, Văn hóa và Du lịch Việt Nam, góp phần tạo nên thương hiệu Việt, bản sắc Việt.

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 5

Nhà thiết kế Thảo Giang tại Nhà máy dệt lụa tơ tằm Bảo Lộc.

Thảo Giang chia sẻ, cô không bao giờ cạn ý tưởng về các bộ sưu tập bởi vì nguồn vốn văn hóa dân tộc là một kho tàng vô cùng đa dạng. Việc khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống vào thời trang còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và các nghệ nhân làng nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống.

“Vốn văn hoá dân tộc” cũng tạo nên sản phẩm mang tính nghệ thuật tinh hoa có giá trị và trị giá cao, bởi yếu tố văn hóa và sự tinh xảo vốn có từ những giá trị gốc. Những sản phẩm này không chạy theo xu hướng “thời trang nhanh”. Chính điều đó làm nên sự phát triển bền vững đối với những sáng tạo thời trang sử dụng vốn văn hóa dân tộc, một bài học mà Vũ Thảo Giang đã áp dụng rất thành công.

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang và hành trình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống ảnh 6

Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang.

Vũ Thảo Giang là nhà thiết kế trẻ nhiều năm góp mặt tại các chương trình, sự kiện thời trang hàng đầu Việt Nam như: Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh (từ 2019 đến 2023), Lễ hội thổ cẩm Việt Nam, Lễ hội Áo dài và Du lịch Hà Nội, Festival Huế-Lễ hội Sen, Festival Hoa Đà Lạt - Hương trà Sắc tơ…

Vũ Thảo Giang từng tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, quảng bá văn hóa truyền thống phi vật thể và áo dài tại Hàn Quốc, Brunei, thực hiện nhiều bộ sưu tập với các đại sứ quán Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Liên bang Nga, Hàn Quốc…

Vũ Thảo Giang được vinh danh Top 10 công dân trẻ tiêu biểu của năm 2019.