- Qua nhiều sự kiện thời trang, có thể không khó để thấy ông đã từng có nhiều bộ sưu tập về áo dài của Việt Nam hoặc các thiết kế dựa trên áo dài truyền thống của chúng tôi? Vậy tại sao mà ông lại trở nên yêu tà áo dài của chúng tôi đến vậy?
- Tôi sống ở đây từ năm 2004, khi đó tôi nhận thấy vẻ đẹp của áo dài và đặc biệt yêu thích trang phục truyền thống này. Đó là lý do tôi bắt đầu thiết kế áo dài hoặc làm rất nhiều trang phục lấy cảm hứng từ áo dài. Tôi cho rằng áo dài là một trong những trang phục đẹp nhất thế giới. Bởi vì nó phản ánh sự nữ tính rất rõ nét của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là trang phục linh hoạt, bởi vì mặc với quần, cho nên thậm chí bạn có thể mặc áo dài mà vẫn đi xe đạp và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nữ tính của mình. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tôi đã thiết kế hơn 200 loại áo dài khác nhau. Và tôi thực sự yêu hình dáng của tà áo dài Việt Nam.
Áo dài sử dụng họa tiết lá cờ ngũ sắc của Việt Nam.
- Được biết ông vẫn kết hợp áo dài với nhiều loại trang phục hiện đại khác, ông muốn truyền tải điều gì qua những bộ trang phục kết hợp truyền thống và hiện đại đó?
- Vâng, tôi cho rằng sẽ rất quan trọng khi giữ áo dài như là một thành phần của văn hóa truyền thống. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ và nhanh chóng của thời trang hiện đại, áo dài sẽ rất dễ mai một vì thế rất quan trọng khi giữ áo dài sống được và sau đó một điều khác không kém quan trọng là giữ áo dài hòa nhập trong xã hội hiện đại này như thế nào. Bởi vì tôi cho rằng, tất nhiên áo dài là của người Việt, có thể đến một lúc nào đấy, ai đó sẽ thấy nó nhàm chán, nhưng với người nước ngoài thì nó vẫn là một trang phục hấp dẫn và mang đầy cảm hứng. Tôi cho rằng ai trên thế giới này cũng có thể mặc được và nên có một số đại sứ áo dài, mặc và quảng bá áo dài ra thế giới, họ có thể là người Việt hoặc cũng có thể là người nước ngoài. Việc thiết kế áo dài với phong cách hiện đại sẽ giúp ích rất nhiều cho điều này. Tôi cho rằng ẩm thực và áo dài là hai đại sứ tốt nhất của văn hóa Việt Nam.
- Gần đây trong dư luận đã có những cuộc tranh cãi gay gắt chung quanh các trang phục cách tân từ tà áo dài truyền thống, ông có quan tâm đến điều đó không?
- Không, rất tiếc là tôi không biết. Có thể cho tôi xem tà áo dài gây tranh cãi đó không? Quan điểm cá nhân của tôi là mỗi một trang phục có một tiếng nói riêng và đôi khi ở thời hiện tại này trang phục sẽ không có biên giới. Trong lĩnh vực thời trang, chúng ta luôn có sự tự do. Chúng ta nên thử cái mới. Bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về truyền thống khi sáng tạo các trang phục áo dài với quần dài. Tôi đã thiết kế áo dài ngắn, áo dài khoác bên ngoài, áo dài mặc với các kiểu quần rộng, hẹp. Quan điểm của tôi là đôi khi có những cuộc tranh cãi lại rất tốt cho phát triển, bởi vì người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến áo dài. Về cá nhân thì tôi thích sáng tạo các mẫu áo dài truyền thống, với quần, mà phải là quần dài ấy.
Một mẫu áo dài cách tân của Chula.
Diego Cortizas và vợ Laura Fontanlà nhà thiết kế sở hữu thương hiệu Chula, với ba cửa hàng tại Hà Nội, các sản phẩm của họ phần lớn được tạo ra từ bàn tay của những người khuyết tật. Chula ưa phong cách trẻ trung, màu sắc tươi sáng, với những họa tiết và màu sắc đặc trưng của văn hóa bản địa, từ văn hóa truyền thống đô thị đến văn hóa của vùng cao phía bắc. Các bộ sưu tập của anh thường truyền tải thông điệp về hạnh phúc, niềm vui, sự sống, và nhiều ý nghĩa nhân văn. Chula cũng là cái tên thường xuyên góp mặt tại các sự kiện thời trang lớn nhất trong năm như các tuần lễ thời trang Thu Đông, Xuân Hè… |