Qua các phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút nhiều lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có hơn 337 nghìn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cái khó ló cái khôn
Vào những ngày này, khi đi qua “vương quốc khoai lang” của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhiều người thật sự ngỡ ngàng với cách tưới khoai. Thoạt nhìn, thấy một người đứng cầm một đầu cái sào tưới khoai, đầu sào bên kia không có ai nắm hay đỡ lên nhưng vẫn tưới được...
Ông Lê Văn Bé Tư, 69 tuổi, ngụ ấp Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là một trong những nông dân có “tuổi đời” trồng khoai lang lâu năm ở đây cho biết, gia đình ông trồng khoai từ trước năm 1975. Ban đầu chỉ trồng có vài công (một công bằng 1.000 m2), nhưng hai vợ chồng phải xách thùng tưới từ hai, ba giờ sáng mới kịp. Mấy chục năm tưới khoai, gia đình ông đã trải qua rất nhiều giai đoạn thay đổi dụng cụ tưới. Từ xách từng thùng tưới đến gánh thùng tưới, rồi tự đóng xuồng đặt máy tưới...
Trước khi chuyển qua sử dụng ống nhựa tưới như ngày hôm nay là tưới bằng ống sắt. Tưới bằng ống sắt bắt buộc phải có hai người, mỗi người cầm một đầu cây để tưới, so với bây giờ chỉ có một người là có thể tưới khoai bất cứ lúc nào. Đặc biệt, vừa giảm được người tưới, vừa di chuyển khi tưới cũng nhanh hơn rất nhiều. Ông Bé Tư chia sẻ: “Cách một người tưới khoai bằng ống nhựa đã xuất hiện ở vùng này khoảng bốn năm nay. Ban đầu nghe nói tôi cũng không tin. Khi tận mắt chứng kiến mới thấy được hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, cách để khoan lỗ trong ống nhựa cũng rất quan trọng, làm sao cho phun nước đều và đặc biệt nhờ lực đẩy của nước mà đầu ống bên kia tự cân bằng lên xuống theo cách tùy chỉnh ga máy của mình phù hợp. Từ chỗ làm cho nhà sử dụng, đến nay gia đình tôi làm bán cho bà con chung quanh xài luôn. Nhờ những sáng chế nhỏ mà nông dân nơi đây không lo chuyện tưới khoai như trước kia nữa”.
Với mỗi vùng, với mỗi loại trái cây, người dân đều có những sáng tạo trong sản xuất. Khi tới vùng chuyên canh cam sành của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nông dân thu hoạch cam sành rồi vận chuyển bằng tấm bạt mũ dài trên mương nước như một con rắn khổng lồ. Theo người dân, mỗi lần vận chuyển như vậy có thể tải từ ba đến năm tấn cam tùy thuộc vào chiều dài của tấm bạt mũ, năng suất gấp hàng chục công nhân lao động.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cam sành Phương Thúy-Trà Ôn Nguyễn Tấn Phương cho biết, hiện nay, gia đình ông đang quản lý hàng trăm công cam sành nhưng vẫn không lo lắng gì về cách chăm sóc cũng như thu hoạch. Tận dụng các nông cụ, người dân chế tạo thành các dụng cụ khác để sử dụng trong sản xuất cam từ khâu cải tạo ao, phun thuốc cũng như trong thu hoạch đều nhanh chóng và hiệu quả. Ông Phương trồng cam đã khoảng 20 năm, lúc đầu sản xuất thủ công rất khó khăn. Sau khi thu hoạch vận chuyển vào tới đường giao thông là phải gánh từng vỏ xách; hai người gánh hai vỏ xách khoảng 60 kg. Bây giờ một tấm bạt kéo mỗi lần từ ba đến năm tấn cam mà chỉ cần một đến hai người kéo rất nhanh.
“Cụ thể như trước đây, một người phun thuốc mỗi ngày chỉ 0,5 ha, nay chế tạo máy phun xịt một ngày phun được 5 ha. Với giá hiện tại, một người làm được khoảng 500 nghìn đồng/ngày, chỉ phun được 0,5 ha; còn bây giờ chỉ 500 nghìn đồng, tôi có thể thuê làm được 5 ha… Hơn thế, khoảng ba năm nay, gia đình chế máy bơm bùn từ máy hút lúa, ba người có thể bơm 2,5 ha chỉ trong một ngày. Trong khi đó, trước kia ba người sẽ không thể làm được một công. Với giá hiện nay, tôi thuê khoảng một triệu đồng/công, nếu sử dụng máy, chi phí chỉ hơn 100.000 đồng/công...”, ông Phương nhẩm tính.
Nhân rộng sáng tạo
Ông Ôn Thanh Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Ôn cho biết: Những năm qua, nhiều nông dân mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như đã cơ giới hóa 100% các khâu làm đất, xuống giống và thu hoạch lúa; nông dân trồng cam sử dụng máy tưới nước, máy tưới phân, máy phun thuốc bảo vệ thực vật…
Năm 2023, huyện thành lập mới được 29 chi hội nghề nghiệp có 660 thành viên; hiện nay nâng tổng số lên 32 chi hội nghề nghiệp với 724 thành viên và 73 tổ hội với 881 thành viên. Các chi, tổ hội nghề nghiệp tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động ổn định, hiệu quả. Một số mô hình tốt góp phần giúp nông dân phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, tăng lợi nhuận và thu nhập.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân Trừ Trung Tín, nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất nông nghiệp, các cấp hội trong huyện thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất và thu hoạch. Chỉ tính riêng khoai lang, năm 2023, các cơ quan chức năng đã cấp 27 mã số vùng trồng với diện tích hơn 584 ha của 646 hộ tham gia…
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào trọng tâm do Hội Nông dân phát động, đến nay phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong huyện, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Nhiều hộ nông dân vượt khó thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá, giàu, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết: “Mục tiêu quan trọng nhất của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân, qua đó giúp đỡ hội viên nông dân khó khăn phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống.
Từ những phong trào nêu trên đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân. Toàn tỉnh đã có hơn 66 nghìn hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”.