Trong xưởng sản xuất rộng hơn 800m2, các nhân viên cần mẫn trang trí những viên chocolate hình trái tim với các hạt màu mè, luôn tay nhúng anh đào vào chocolate lỏng hay tất bật chuẩn bị nhân kẹo bơ cứng. Chocolate thành phẩm được nhanh chóng đóng vào các hộp màu đỏ và vàng để chuyển đến cơ sở bán trực tuyến, cũng như tại 6 điểm bán lẻ của công ty.
Anwar Khoder, giám đốc sản xuất của nhà máy cho biết, anh đã phải làm việc khoảng 18 tiếng 1 ngày để đáp ứng tiến độ.
Từ góc độ kinh doanh, Chủ tịch kiêm đồng sở hữu Li-Lac Chocolates, ông Anthony Cirone cho biết, đây là kỳ nghỉ lễ lớn thứ hai xét về doanh số bán hàng. "Chúng tôi bán được nhiều chocolate hơn trong Ngày lễ tình yêu so với bất kỳ thời điểm nào trong năm, ngoài dịp Giáng sinh".
Bất chấp một số khó khăn trong việc giải quyết hàng tồn kho đối với một số nguyên liệu thô, tắc nghẽn chuỗi cung ứng hay nguyên vật liệu tăng giá, hãng này vẫn lạc quan về triển vọng bán hàng trong dịp lễ Valentine.
Công ty đã phát triển mảng kinh doanh trực tuyến trong đại dịch Covid-19, nhưng đại diện Li-Lac Chocolates cũng cho biết, doanh số bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng đang bắt đầu tăng trở lại, khi khách du lịch và nhân viên văn phòng bắt đầu quay lại Manhattan.
“Mọi người đều thích chocolate. Bạn biết đấy, đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi nho nhỏ và cần 1 món ăn ngon cho mọi người”, ông Cirone nói.
Hoạt động từ năm 1923, Li-Lac Chocolates sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm sau. Mọi công đoạn sản xuất chocolate của hãng vẫn được làm thủ công, theo công thức nguyên bản từ những người sáng lập trong thập niên 20 của thế kỷ trước.
Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ dự kiến chi tiêu cho Ngày lễ tình yêu năm nay tại nước này sẽ đạt 23,9 tỷ USD, tăng so với mức 21,8 tỷ USD trong năm ngoái.
Theo đó, kẹo (bao gồm cả chocolate) vẫn là mặt hàng phổ biến nhất, tiếp theo là thiệp chúc mừng và hoa.
Trong khi đó, Colombia-nhà sản xuất hoa lớn thứ hai thế giới cũng bày tỏ lạc quan về doanh số bán hoa dịp lễ tình yêu.
Các nhà vườn trồng hoa ở Colombia đang chuẩn bị cho các lô hàng cuối cùng của ngày Valentine, chủ yếu xuất sang Mỹ, trong bối cảnh quốc gia này dự kiến doanh số xuất khẩu hoa trong năm nay sẽ tăng trở lại, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.
Xuất khẩu hoa từ Colombia, nhà cung cấp hoa hàng đầu cho Mỹ và là nhà sản xuất hoa lớn thứ hai thế giới sau Hà Lan, đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 300 nghìn tấn.
Các lô hàng hoa xuất khẩu đem về cho Colombia khoảng 1,73 tỷ USD vào năm ngoái, và các nhà sản xuất ước tính xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm nay, nhờ tỷ giá hối đoái giữa đồng peso của Colombia và đồng USD thuận lợi, mùa sương giá ngắn hơn ở các khu vực sản xuất và người dân tiếp tục làm việc tại nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Augusto Solano, Chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu hoa Colombia Asocolflores cho biết: "Giữa đại dịch, mọi người ở nhà nhiều hơn và họ coi hoa như một liệu pháp tinh thần để xua tan cảm giác tù túng và có lợi cho sức khỏe tinh thần. Hoa là liều thuốc cho tâm hồn và đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ điều này".
Những người yêu nhau mua hoa vào dịp Valentine chiếm khoảng 15% doanh thu hàng năm của người trồng hoa ở Colombia, tương đương 45 nghìn tấn.
Ông Juan Carlos Herrera, trưởng bộ phận sau thu hoạch của nhà vườn Plazoleta cho biết, năm nay doanh thu của Plazoleta tăng 35% so với năm đầu tiên bùng phát đại dịch.
Ngoài ngày Valentine, dịp Ngày của Mẹ hằng năm cũng là một ngày lễ lớn khác của ngành hoa ở Colombia, vốn đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 nghìn người dân nước này.