Nhà khoa học của nhà nông

Hơn 2,5 tấn lan rừng vừa được trả về với thiên nhiên nhằm bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của Thảo Cầm Viên (Thành phố Hồ Chí Minh). Ít ai biết nguồn gien quý nêu trên xuất phát từ phòng nuôi cấy mô của một nông dân có bằng... tiến sĩ, anh tên là Nguyễn Thanh Khiết.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết (bên trái) và sinh viên tại phòng cấy mô lan rừng của anh.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết (bên trái) và sinh viên tại phòng cấy mô lan rừng của anh.

Tôi quen biết Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết khi anh nhận giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông”, giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng cho những nhà khoa học có đóng góp lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Lý lịch khoa học của Nguyễn Thanh Khiết cũng “lạ”: từng học và làm giảng viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, theo truyền thống gia đình, anh Khiết trở về quê đam mê làm nông và nghiên cứu các loài lan rừng, anh quyết định trở thành nông dân để mở vườn ươm.

Trả lời cho câu hỏi “Vì sao?”, tiến sĩ nông dân cười đáp: “Lúc đó, hai vợ chồng bàn nhau phải làm kinh tế vững thì mới cống hiến trọn vẹn. Và cũng cùng thời điểm gia đình tôi được nhận tiền đền bù đất cho nên tôi ra ngoài, mở quán cà-phê, nuôi cá, làm vườn ươm lan rừng theo sở thích và chuyên ngành từng được đào tạo”.

Rồi từ nguồn vốn ban đầu cộng đam mê, Nguyễn Thanh Khiết đi khắp vùng rừng Đông Nam Bộ như Nam Cát Tiên, Vĩnh Cửu, Tân Phú (Đồng Nai), Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò Xa Mát, Bà Đen (Tây Ninh)... để tìm và sưu tầm lan rừng thuần chủng. Sau đó mang về các phòng nuôi cấy mô để nhân giống.

Lịch làm việc của tiến sĩ nông dân này bắt đầu từ lúc 3 giờ khuya với các bước xử lý từ xa, qua điện thoại và hoàn thành lúc 7 giờ 30 phút sáng. Phần thời gian còn lại trong ngày, anh dành toàn bộ cho nghiên cứu, phát triển các giống lan rừng mới cũng như hoàn thiện quy trình, chia sẻ và nhân rộng mô hình nuôi trồng, cấy ghép...

Hiện tại, Nguyễn Thanh Khiết có trong tay hơn 2.000 giống lan rừng, trong đó có khoảng 300 loài lan quý như lan Thạch hộc tía, lan kiếm, Ngọc điểm, Phi điệp... Rồi trong suốt quá trình nghiên cứu, bảo tồn, chăm sóc hoa lan rừng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết không ngừng phân tích, lai tạo các giống lan để cho ra các giống lan rừng mới có đặc tính nổi bật, phục vụ nhu cầu của người chơi lan mà vẫn bảo đảm môi trường rừng của lan không bị xâm hại.

Nhất là đến khi anh xuất hiện trong Chương trình “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” tại Thảo Cầm Viên (do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công ty Yến Thạch Hộc, Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức), thì mọi người càng thấy hết ý nghĩa của chương trình là bảo đảm việc khai thác và bảo tồn lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Mục tiêu của chương trình nhằm lưu giữ những giống hoa lan rừng trên những cây cổ thụ của Thảo Cầm Viên để du khách gần xa được chiêm ngưỡng hình ảnh trực quan sinh động, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên. Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn khu vực có tầng cây tương đối râm mát, có độ ẩm của đất phù hợp để cấy ghép lan giống. Sau hai, ba tháng, lan rừng thích nghi môi trường, khí hậu địa phương là có thể bắt đầu thực hiện nhân giống rộng rãi.

“Thú chơi lan từ lâu đã phát triển mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thế nhưng, chính từ nhu cầu chơi lan ngày càng đông và lan rộng đã xuất hiện một số người chuyên “săn” lan để tìm kiếm những gốc lan có giá trị cao, khiến cho một số loại lan rừng quý hiếm đã không còn xuất hiện ở Việt Nam.

Chương trình này ra đời với sự cộng tác nhiệt tình của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Khiết đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, kêu gọi cộng đồng bảo tồn và nuôi dưỡng các giống cây rừng trong đó có lan rừng. Rất mong các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp thiết thực như thành lập các khu bảo tồn, khuyến khích người dân không chơi lan rừng thiên nhiên, đưa lan rừng về với rừng tự nhiên...”, đại diện Thảo Cầm Viên cho biết.