Nhà hát lớn Hà Nội, điểm đến của nghệ thuật và du lịch

Nhà hát lớn Hà Nội (Nhà hát thành phố) đã bước sang năm thứ hai trở thành trung tâm giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao của các loại hình nghệ thuật từ truyền thống dân tộc đến hiện đại cho khán giả Thủ đô và bạn bè quốc tế.

Đoàn nghệ thuật quan họ Bắc Ninh biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đoàn nghệ thuật quan họ Bắc Ninh biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được dư luận và những người làm nghệ thuật đánh giá cao. Để có được kết quả như vậy đòi hỏi phải có một tầm nhìn và quyết tâm cao trong chỉ đạo, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường. Sắp tới, Nhà hát sẽ tiếp tục mở cửa đón khách tham quan trong các tua du lịch đến Hà Nội.

Hiện tại, Nhà hát lớn Hà Nội cũng như các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đều phải nỗ lực tự chủ về kinh tế. Đã có không ít những biểu hiện vì gánh nặng tự chủ kinh tế mà đánh mất giá trị nghệ thuật của các tác phẩm, các công trình, những tinh hoa sáng tạo phải mai một vì sự thúc ép của thị trường. Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị và gắn liền với lịch sử cách mạng của dân tộc cũng không là ngoại lệ. Cơ chế tự chủ kinh tế đã khiến Nhà hát đôi lúc vô tình trở thành nơi sinh hoạt mang tính phù phiếm, là nơi cho thuê để tổ chức các hoạt động không mang tính văn hóa, gây lãng phí khi Nhà hát không được dành cho các tác phẩm nghệ thuật chân chính, không dành cho công chúng yêu mến và trân trọng nghệ thuật, đó là việc mất đi giá trị phi vật thể về văn hóa rất lớn.

Nhìn về quá khứ, trong thời gian chiến tranh, từ điểm sơ tán, trên trận địa hay dưới chiến hào..., nghệ thuật đến với nhân dân và chiến sĩ với ý chí “Tiếng hát át tiếng bom”, các nghệ sĩ thật sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, cùng những đoàn quân ra trận, quyết chiến, quyết thắng, nhiều người đã anh dũng hy sinh ngay trong lúc biểu diễn..., những cống hiến, hy sinh của các nghệ sĩ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt xứng đáng mãi mãi được ghi nhận. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, các nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển nhanh chóng và chất lượng nghệ thuật ngày càng được quan tâm đầu tư. Nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao đã xuất hiện trong các kỳ hội diễn quốc gia, các cuộc thi và liên hoan quốc tế.

Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập đòi hỏi nhiều những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao xứng tầm dân tộc, quốc gia và nghệ thuật phải được đến với công chúng trong những điều kiện tốt nhất để phát huy hết giá trị sáng tạo của các nghệ sĩ. Nhà hát lớn Hà Nội phải là địa chỉ tin cậy, là niềm tự hào của khán giả khi có nguyện vọng được thưởng thức những tác phẩm xuất sắc nhất mà họ yêu thích.

Đối với các nghệ sĩ, sân khấu là “thánh đường”, là nơi để họ có cơ hội cháy hết mình cho sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ đối với bất cứ người nghệ sĩ nào từ các nhà hát nghệ thuật trung ương đến các đơn vị nghệ thuật địa phương không thể nào quên được cảm giác khi họ lần đầu được biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội. Đoàn nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh 42 năm trước lần đầu diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, hôm nay trở lại đây các nghệ sĩ vẫn nhắc về kỷ niệm đẹp không thể nào quên của lần đầu đó.

Các đoàn nghệ thuật quốc tế khi biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội đều trầm trồ khen ngợi nghệ thuật kiến trúc và trang thiết bị kỹ thuật sân khấu của nhà hát hoàn chỉnh một cách lý tưởng cho nghệ thuật biểu diễn. Và không chỉ đối với các nghệ sĩ, khán giả Việt Nam và bạn bè quốc tế đến Nhà hát đều có một cảm giác đây thật sự là một sân khấu sang trọng, trang nghiêm và hoàn toàn dành cho nghệ thuật biểu diễn.

Hy vọng Nhà hát lớn Hà Nội và cả Nhà hát TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa chỉ đỏ cho những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao và những khán giả yêu mến, trân trọng sáng tạo nghệ thuật.