Nhà báo Hoàng Tùng - một bậc thầy, một đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Sáng 19-1, tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo: "Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam". Tới dự, có đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các nhà báo lão thành, nguyên lãnh đạo Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam: Hà Ðăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Phan Quang; các nhà khoa học, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị chức năng Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân; đại diện thân nhân, gia đình nhà báo Hoàng Tùng.

Các đại biểu dự Hội thảo Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đại biểu dự Hội thảo Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ðồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo nhấn mạnh: Tiếp theo các hội thảo về nhà báo Trần Lâm, nhà báo Ðào Tùng, đây là lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cao cấp của Hội. Thông qua việc tổ chức những cuộc hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những vấn đề về lịch sử báo chí Việt Nam. Tổ chức các hình thức hoạt động tri ân và tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Ðồng thời, thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, chuẩn bị tư liệu cho việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam. Các cuộc hội thảo cũng sẽ góp phần giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội thảo, đồng chí Ðinh Thế Huynh nêu rõ: Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14-1-1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhà tù Sơn La và được kết nạp Ðảng tại chi bộ nhà tù, học làm báo trong tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 10-1945, khi mới 25 tuổi. Từ đó, đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư, Bí thư T.Ư Ðảng phụ trách công tác tư tưởng... Nhưng quãng thời gian dài nhất, ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và gần 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ðồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh: Ðồng chí Hoàng Tùng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta, dân tộc ta, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, tuyên truyền... Nhà báo Hoàng Tùng là một nhà báo bậc thầy, một đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh, phong cách báo chí, tài năng, những nhân tố làm nên tên tuổi Hoàng Tùng có nhiều điều đến hôm nay chúng ta còn phải tiếp tục suy nghĩ, bàn luận một cách thấu đáo, nhất là ở thể loại chính luận. Ông đã viết hàng nghìn bài báo, trong đó hầu hết là các bài xã luận, bình luận, mang hơi thở nóng bỏng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những bài viết của ông hừng hực chất lửa, đanh thép, sắc sảo, lay động lòng người, bởi lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn riêng. Suốt hàng chục năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những bài xã luận trên Báo Ðảng thật sự là tiếng kèn xung trận bởi tinh thần phụ trách, sự kịp thời, sắc bén và sinh động...

Ðồng chí Ðinh Thế Huynh khẳng định: Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua lịch sử vẻ vang 90 năm. Trong số các nhà báo lão thành, trong các tên tuổi nhà báo tài năng, Hoàng Tùng là một cây bút lớn, một đại thụ của làng báo cách mạng. Ở Hoàng Tùng có sự gặp nhau giữa nhà lãnh đạo công tác tuyên huấn nổi tiếng, sắc sảo và nhà báo cách mạng bậc thầy. Vì vậy, chúng ta mong muốn được nghe tại hội thảo này những ý kiến tâm huyết, những phát hiện mới mẻ, rút ra những kinh nghiệm quý giá từ cuộc đời cách mạng, cuộc đời làm báo sôi động và phong phú của nhà báo Hoàng Tùng.

Tại hội thảo, các nhà báo lão thành nguyên là lãnh đạo Báo Nhân Dân, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam các thời kỳ, các nhà khoa học đã phát biểu tham luận trao đổi làm rõ về cuộc đời và công lao đóng góp của nhà báo Hoàng Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc. Ðồng thời khẳng định, được sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Trường Chinh, nhà báo Hoàng Tùng đã được học tập, ảnh hưởng rất nhiều và ông luôn coi đó như một hạnh phúc, một may mắn lớn của một người làm báo cách mạng. Và chính ông cũng là một tấm gương mẫu mực trong việc chăm chút, đào tạo các thế hệ "chiến sĩ trên mặt trận chữ nghĩa của Ðảng". Suốt mấy chục năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đồng chí Hoàng Tùng thật sự là người lĩnh xướng trong tập thể những người làm báo của Ðảng...

Nhà báo Hà Ðăng, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, kể câu chuyện của người từng nhiều năm được làm việc gần gũi và hiểu biết về nhà báo Hoàng Tùng, và khẳng định: Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Báo Nhân Dân là cơ quan T.Ư của Ðảng, tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Xã luận, bình luận, hay chính luận nói chung, luôn là linh hồn sống của tờ báo. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất. Giọng văn của anh hùng hồn, ngôn ngữ vừa hiện đại lại vừa rất dân gian, giàu hình tượng, đôi khi pha lẫn điển tích, rực lửa chiến đấu và đặc biệt hấp dẫn. Phong cách viết của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm báo Nhân Dân, mà cả giới báo chí, qua các bài viết, qua những bài viết có ký tên hay không ký tên, đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng.

Nhiều năm được làm việc gần gũi và hiểu biết về nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cho rằng: Nhà báo Hoàng Tùng là một người thầy giỏi nghề và nghiêm khắc. Có thể nói, anh Hoàng Tùng là cây bút bình luận sắc sảo, là đồng chí Tổng Biên tập rất nhạy cảm, có nhiều sáng kiến và có tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo nội dung tờ báo; và đó là điều quan trọng nhất đối với người lãnh đạo tờ báo. Công việc của Tổng Biên tập có rất nhiều việc, đó là chưa kể những việc Ban Bí thư phân công anh làm, nhưng anh vẫn trực tiếp viết nhiều bình luận quan trọng, trực tiếp chữa các bài bình luận, xã luận và phóng sự điều tra, duyệt ma-két trang 1 rồi mới ra khỏi cơ quan sau 10 giờ đêm. Anh chữa bài rất nghiêm khắc nhưng cũng rất chu đáo. Có bài bắt viết lại. Có bài dập xóa cả đoạn dài, kèm theo lời phê có khi rất nghiêm khắc trên góc bài. Nộp bài cho anh và chờ anh chữa bài là thời gian hồi hộp của chúng tôi... Nhưng dưới thời anh làm Tổng Biên tập, lại có những cây bút sắc sảo như các anh Thép Mới, Quang Thái, Trần Kiên, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồng Hà, Diệu Bình, Lê Ðiền, Phan Quang...

Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư cho rằng, nhà báo Hoàng Tùng có tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo định hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí. Nhất là, triệt để tận dụng thế mạnh các cây bút đàn anh của Báo Nhân Dân trong công tác tuyên truyền trên báo; đồng thời luôn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ bằng việc gắn giữa lý luận với thực tiễn để rèn luyện cán bộ, phóng viên; coi mảnh đất thực tiễn trở thành đề tài nóng hổi để báo chí ưu tiên viết và tuyên truyền trên báo. Mặc dù từ mảnh đất thực tiễn, nhà báo gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhưng đây là chất bột mang hơi thở cuộc sống để mỗi cán bộ, phóng viên trẻ rèn luyện, trưởng thành...

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định: Có thể nói, Hoàng Tùng là linh hồn của Báo Nhân Dân từ năm 1951 cho đến đầu năm 1987. Sự lãnh đạo của Ðảng, bản lĩnh, tài năng của Tổng Biên tập, cộng với sự nỗ lực của một tập thể hùng hậu, làm cho Báo Nhân Dân thật sự trở thành ngọn cờ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam từ khi Ðảng ta trở lại hoạt động công khai đến ngày thắng lợi trọn vẹn, thống nhất đất nước, vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào đổi mới. Những thành tựu và cống hiến của nhà báo Hoàng Tùng trong hơn 60 năm cầm bút, là tổng hòa sự chỉ đạo của Ðảng và tài năng, cá tính của một cán bộ cách mạng.