Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo

NDO - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tỉnh ủy Hưng Yên ngày 28-6 tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ để “Nguyễn Văn Linh- Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo”, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2005).
Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo

Các vị lão thành cách mạng, các bạn chiến đấu và cộng sự thân thiết của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đại biểu của tỉnh Hưng Yên và quê hương Giai Phạm cùng đông đảo các nhà khoa học đã tham dự hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, quen gọi là Nguyễn Văn Cúc sinh ngày 1-7-1915 tại Hà Nội, quê gốc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức nghèo.

Lớn lên tại Hải Phòng, một trong những cái nôi của phong trào công nhân miền bắc, chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh yêu nước diễn ra sôi nổi cuối những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh yêu nước do chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng lãnh đạo. Từ đó, đồng chí bước vào con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng giao giữ nhiều trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, Quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ; Phó Bí thư Trung ương Cục miền nam... Tại Đạt hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976), lần thứ V (9-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ nhiều chức vụ khác. Tháng 12-1986, Đại hội VI, Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp công lao và cống hiến của đồng chí đối với Đảng, và nhân dân, về tấm gương đạo đức cách mạng, trong sáng, cao đẹp; về tư duy đổi mới. phong cách tập thể, dân chủ, tác phong sâu sát quần chúng, lối sống giản dị... của đồng chí Nguyễn Văn Linh.