Tuổi thơ nghèo chữ
Tuổi thơ tan trường, chân trái chưa bước vào nhà thì chân phải đã đòi bước ra. Ra luống cần, mồng tơi... Có hôm nó đi đâu rồi về nhà với cánh tay trầy xước rướm máu, má định đánh đòn con nhỏ cái tội đánh lộn với tụi con trai. “Vì tụi nó ỷ đông định lấy mấy trái xoài con xin mang về cho ngoại”. Nó nói thế thương mười lần hơn chứ đòn roi gì nữa! Bà mẹ hay thương thầm con tuổi ăn tuổi học mà sớm tối lặn hụp với đám rau nên người đẹt ngắt, hầu như lúc nào trên tay cũng có dấu xước vì cắt rau khứa, có hôm gánh nước bị vỏ ốc múc luôn một lõm thịt gót chân, cà nhắc cả tháng trời. Nó vẫn cắn răng bám luống rau.
Ngay lúc nhà chật vật thì ông ngoại bị tai biến liệt giường, thế là má kêu: “Tư ơi! Thôi con nghỉ học ở nhà lo hái rau, chăm sóc ông ngoại nghe!”. Tư chỉ năn nỉ một lần: “Má cho con học thêm một tuần nữa thôi”. Những buổi học cuối cùng cứ ngắn dần và rồi cuộc đời học sinh của Tư kết thúc. Chín năm đến lớp thế cũng đã đủ, Tư tự an ủi và bù đắp cho mình bằng những trang nhật ký... Thấy con có khiếu văn chương, cha Tư động viên: “Nghĩ gì viết nấy, viết điều gì con đã trải qua”.
Ba truyện ngắn đầu tay của Tư viết về tình bạn ở đồng quê đã được cha đem gửi thử ở tạp chí Văn Nghệ Bán Đảo Cà Mau. Cả ba đều được đăng báo. “Con nhỏ học hành dở dang này viết được đó”. Ông Tổng Biên tập vừa nói vừa xoa đầu Tư dặn dò: “Viết nữa đi con!”. Thế là ngày xuống ao, ra liếp rẫy, tối về Tư lại viết say sưa.
Mọi người khuyên Tư nộp hồ sơ vào tạp chí Văn Nghệ Bán Đảo Cà Mau thử việc. Năm ấy tách tỉnh, thiếu nhân sự, Tư được chọn vào làm văn thư và học việc phóng viên. Viết tin, viết bài, lại viết truyện ngắn. Hôm cơn bão số 5 ập vào đất Mũi, Tư tất tả đi thực tế đến cửa biển Khánh Hội, sông Đốc, đất Mũi...
Cảnh làng quê hoang tàn, cảnh cụ bà khóc con đời ngư phủ hẩm hiu… đã thành ký sự Nỗi niềm sau cơn bão dữ. Tư bảo đọc lại ký sự này thấy mình viết hơi… sên sến, nhưng đây là tác phẩm đầu tay cô đoạt giải ba báo chí của tỉnh năm 1997.
Viết là viết!
“Được giải thưởng quy ra lúa hổng là bao nhưng đã cho mình chút hy vọng là nếu mình ráng có thể viết tốt hơn” - Tư giải thích. Cái “công nghệ” cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác của cô được khẳng định là rất... đơn giản: viết là viết, bất kỳ lúc nào, không sắp đặt, không bố cục, cứ thế đoạn sau cuốn theo đoạn trước. Viết gần gũi như chính đời thường ăn nói, đi đứng thô thô kệch kệch của cô. Viết như đang trong tâm trạng của nhân vật, của chính đất đai hào sảng Cà Mau này. Sau một chùm năm truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ, Lý con sáo sang sông, Chuyện cùa Điệp, Ngọn đèn không tắt, Ngổn ngang, Tư như cảm thấy mình đã nói hộ được ước mơ của người dân nghèo khó vùng quê, nói ra những yêu lầm yêu lỡ, yêu không thành cũng từ cái nghèo mà ra. Những nhân vật, cốt truyện tủn mủn ấy không hề có một nguyên mẫu nào trước đó, cứ đi cứ tìm như bắt sâu đuổi gà trong luống rau nhà mình mà thành tác phẩm...
“Tôi mà không hò không giục thì nó đã quên phéng đi rồi. Chuyện hay như thế mà nó bỏ xó đi đâu suốt ngày không biết, hạn thi cũng sắp hết rồi”. Về cơ quan sau chuyến thực tế dài ngày, Tư nghe chú Hai Tổng Biên tập hối thúc gửi truyện dự thi, ra đến bưu điện thì đã sát ngày hết hạn cuộc thi “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ và Báo Tuổi Trẻ tổ chức. “Gửi thì gửi, chỉ mong khuyến khích ai ngờ “ẵm” luôn giải nhất - 20 triệu đồng”. Năm 2001, cũng chùm truyện ngắn ấy Tư đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi giải cho tác giả trẻ nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Bao nhiêu bằng khen, tiền thưởng có được Tư đều đem về cho má, má cũng chẳng khen chẳng chê chỉ nói mỗi câu: “Mày tả bà già trong truyện sao giống tao quá. Phải chi được học lên đại học chắc bà già trong truyện sẽ khá hơn phải hôn con?”.
Hôm tôi ghé nhà Tư - ở chợ phường 1, TP Cà Mau - hàng xóm đã ngủ sớm, chỉ có Tư còn lọc cọc viết lách. Vào nhà chưa kịp ngồi, Tư đã chặn đầu: “Có tiêu biểu gì đâu anh! Mình nói chuyện nhỏ coi chừng thằng nhóc thức, mới vừa bú ngủ mà!”. Nhưng mới 27 tuổi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn, làm mẹ, làm vợ, viết hăng say chẳng lẽ là không tiêu biểu?! Cuộc sống đời thường của Tư diễn tả chỉ là “sáng đạp xe đưa con đi nhà trẻ, trưa nội trợ cá rau, không văn vẻ văn vùng gì ráo”. Báo chí cứ vặn vẹo: “Sao viết văn mà lấy chồng chi sớm?”. Tư cũng giải thích thật thà: “Có gia đình cách nay bốn năm, chồng là anh thợ bạc - cuộc hợp hôn không hẹn mà có... hạnh phúc. Mình nghĩ chuyện viết văn là chuyện của cả đời, còn đường chồng con cũng song trùng cả đời đấy thôi! Quan trọng là không để có chồng mà xuống dốc”.
Mà đúng là người ta vẫn thấy Tư lên dốc. Không viết truyện thì viết báo, dư luận ai chẳng biết Tư là người có “hàng bán chạy” trong các tờ báo xuân từ nam chí bắc?! Viết báo xuân không cần chữ “xuân” trong đó, thậm chí yêu thầm, yêu lén và cả những chuyện của người nông dân.
Tư cắt ngang: “Thôi hết chuyện nói rồi!”. Là thôi. Chỉ cho địa chỉ e-mail: ngngoctucm@hcm.vnn.vn và hứa bao giờ tập truyện ngắn Nước chảy mây trôi - Nhà xuất bản Văn Nghệ in xong sẽ tặng tôi một quyển. Tập truyện gồm 20 câu chuyện về tình đời tình người Nam Bộ lúc thăng lúc giáng như lục bình trôi nhưng ẩn chứa khát vọng đổi đời.