Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu

Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước năm 1945 đã sống và hoạt động tại Trung Quốc qua nhiều thời kỳ, tổng cộng gần mười năm. Trong đó thời kỳ 1924 - 1927 Người ở Quảng Châu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: Nó đánh dấu thời kỳ Người trở về gần đất nước "... đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập..." (Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 47).

Sau khi tiếp nhận chủ nghĩa Marxism-Leninnism và trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã thấy rõ chỉ có thể cứu nước theo con đường cách mạng vô sản. Trên đường trở về Tổ quốc, Người đã đến nước Nga - Xô-viết - quê hương Cách mạng Tháng Mười và của V.I.Lenin vĩ đại. Cuối năm 1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản, trong Phái bộ của Cố vấn Borodin, bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên.

Quảng Châu - thủ phủ tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc) là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn ở miền Nam Trung Quốc. Nơi đây có nhiều khu công nghiệp lớn, bến cảng thông thương quốc tế, đồng thời cũng tập trung số lượng lớn công nhân với bề dày đấu tranh mạnh mẽ chống lại đế quốc, phong kiến và quân phiệt. Quảng Châu cũng là nơi trú chân của những nhà hoạt động yêu nước và cách mạng Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, hoặc xuất dương tìm đường cứu nước, hoặc thất bại phải lánh nạn ra nước ngoài.

Ðầu những năm 20 của thế kỷ 20, một lớp thanh niên mới đầy nhiệt huyết rủ nhau tìm đến Quảng Châu. Lúc này Việt Nam Quang phục hội đang tan rã. Họ cảm thấy thất vọng trước khuynh hướng cách mạng bảo thủ, cũ kỹ của lớp tiền bối và muốn tìm một con đường đi mới. Vì vậy năm 1922, họ đã lập ra nhóm Tâm Tâm xã. Nhóm gồm những thanh niên đầy nhiệt huyết và chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào, song vì chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Ðông Dương Merlin ngày 19-6-1924 tại Quảng Châu. Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang ở Liên Xô dự Ðại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Người đã thấy "cánh én báo hiệu mùa xuân", nhưng chỉ một cánh én thì không thể làm nên mùa xuân. Vì vậy, Người càng nóng lòng trở về Tổ quốc để dẫn dắt và chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Ðược sự giúp đỡ bí mật của Ðảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ đầu năm 1926 đến tháng 4-1927, tại Trụ sở số nhà 13 và 13B đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250) đối diện với Trường đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng Cách mạng Quảng Châu), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, với tổng số 75 người.

Lớp đầu tiên được khai mạc vào khoảng đầu năm 1926. Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3-6-1926 cho biết: "Tổ chức một trường tuyên truyền. Các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập, họ trở về nước. Khóa thứ nhất được mười học viên, khóa thứ hai sẽ mở vào tháng bảy tới, sẽ có khoảng 30 người...". Theo Hồi ký của Hồ Tùng Mậu, dự học khóa 1 có: Ngô Chính Quốc, Lê Lợi (tức Lê Duy Ðiếm), Vũ Nam Hồng, Lý Mộng Sơn, bốn người khác chỉ nhớ tên là: Ngô, Trương, Chu, Hoàng, còn hai người nữa thì không nhớ tên. Lớp học do Nguyễn Ái Quốc và Lâm Ðức Thụ phụ trách, ngoài ra còn có các giảng viên là của đảng cộng sản anh em, bằng tiếng Anh thì Nguyễn dịch, tiếng Trung Quốc thì Lâm dịch. Bản thân Hồ Tùng Mậu cũng thường đến nghe (Hồi ký của Hồ Tùng Mậu, lưu tại Viện Lịch sử Ðảng).

Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc mở thêm hai lớp nữa, mỗi lớp hơn 30 người. Do số học viên tăng, nên lớp học ở số nhà 13 đường Văn Minh trở nên chật chội, phải mở thêm cơ sở mới ở phố Nhân Hưng, gần Ðại lộ Ðông Cao. Trên gác hai, Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc giao cho phụ trách phần sinh hoạt và ngoại khóa của lớp, mua sắm chăn màn, quần áo mùa đông, chăm sóc vệ sinh, ăn ở, thể dục và đưa học viên đi tham quan các cơ sở cách mạng trong thành phố, v.v.

Tham dự khóa 2 có các đồng chí: Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Văn Ðắc, Nguyễn Danh Tề, Nguyễn Lương Bằng,  Lê  Thiết  Hùng  và một số khác từ Xiêm (Thái-lan) sang như: Lý Thế Hanh (Võ Tùng), Lam Giang (Nguyễn Sinh Thản), Canh Tân (Ðặng Thái Thuyến)... đồng chí Phạm Văn Ðồng cũng sang dịp này, nhưng bị ốm một thời gian nên vào học khóa sau.

Khóa 3 triệu tập vào cuối năm 1926. Tham dự lớp có Trần Văn Cung (Quốc Anh), Cẩm (Nguyễn Ðình Từ), Ngọ (Phan Ðăng Ðệ), Quốc Hoa (Võ Mai), Dương Hạc Ðính, Hưng Nam, Phi Vân, Lạc Long, Ngô Việt, Thanh Tân, Ðiền Hải, Lê Duy Nghệ, Nguyễn Danh Ðới, Vũ Trọng, Nguyễn Tường Loan, v.v.

Khóa 3 kết thúc vào khoảng đầu năm 1927. Chương trình huấn luyện của lớp chính trị cách mạng - theo Hồi ký của Nguyễn Công Thu - đại thể gồm có:

- Cách mạng là gì? Có mấy thứ cách mạng: Cách mạng Mỹ, Cách mạng Pháp, Cách mạng Tháng Mười Nga...

- Các chủ nghĩa: Chủ nghĩa Tam dân, Chủ nghĩa vô chính phủ, Chủ nghĩa cộng sản.

- Quốc tế là gì? Ðã có mấy quốc tế: Ðệ nhất, Ðệ nhị, Ðệ tam quốc tế...

- Các chính thể: Lập hiến, đại nghị, Ủy viên chế.

- Các tổ chức: Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công nhân và Quốc tế Cứu tế đỏ...

- Các tổ chức: Nông hội, Công hội, v.v.

Giảng viên chính của các lớp là đồng chí Vương (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc). Ngoài ra còn có một số giảng viên của Ðảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô như: bà Liêu Trọng Khải, vợ chồng lãnh tụ Pháo La Ðình (tức Borodin). Nội dung các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc sau này được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và in thành cuốn sách nổi tiếng có tên gọi: Ðường Kách mệnh.

Ðể tổ chức được ba lớp học đó, Nguyễn Ái Quốc đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, trước hết là về trụ sở, về tài chính và về các mối liên lạc. Nhiều khi Người phải tự xoay xở, phải làm thêm cho Hãng Thông tấn Rosta và dịch thuật, v.v. để giúp đỡ một phần tài chính cho các lớp học.

Nội dung học tập thật mới mẻ và phong phú đã lôi cuốn sự say mê của các học viên. Nhưng có lẽ sức hút mạnh mẽ nhất đối với họ lại chính là những bài giảng sinh động, hấp dẫn và thiết thực của Nguyễn Ái Quốc.

Kết thúc khóa học, có người được giữ lại ở nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường đại học Cộng sản, hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố... còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, gây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng Việt Nam.

Như vậy, từ đầu năm 1924 đến lúc phải rời Quảng Châu (tháng 4-1927), trong khoảng thời gian hai năm rưỡi, Người đã đứng trước một "núi công việc", đã chinh phục ngọn núi đó bằng một nỗ lực phi thường, để hoàn thành xuất sắc một khối lượng lớn các công việc hệ trọng: Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ của Quốc tế Nông dân, đặt nền móng cho quan hệ hợp tác với Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Người đã hoàn thành một công việc rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam, đó là tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước đang có mặt tại Quảng Châu để mở các lớp huấn luyện chính trị cho họ về chủ nghĩa cộng sản, về phương pháp cách mạng mới, sau đó đưa họ về nước hoạt động. Người đã cải tổ Tâm Tâm xã, thành lập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, ra báo Thanh Niên, v.v. những bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Ðặc biệt, 75 học viên của buổi đầu mới nhen nhóm trong ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng tại Quảng Châu trong hai năm 1926 - 1927 là một con số đầy ý nghĩa: "75 hạt giống đỏ" được đích thân Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, gieo trồng, chăm bón ấy, phần lớn sẽ trưởng thành, cứng cáp và từ họ, lớp lớp thanh niên cách mạng sẽ kế tiếp xuất hiện trên toàn nước Việt Nam.