Trong báo cáo công bố ngày 8/2, các nhà khoa học tại cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết trong tháng 1, diện tích băng mới ở Nam Đại Dương thấp hơn 31% so bình thường và thấp hơn nhiều so với kỷ lục trước đó về diện tích băng trong tháng 1 hằng năm.
Diện tích băng ở Bắc Cực cũng thấp hơn khoảng 4% so mức trung bình, mức thấp thứ 3 trong lịch sử ghi chép diện tích băng vào các tháng 1 trước đó.
Tháng 1 năm nay cũng là tháng 1 nóng thứ ba trong lịch sử tại châu Âu. Trong đó, nhiệt độ ngày 1/1 ghi nhận tại một số vùng ở châu Âu đã lên các mức cao chưa từng thấy.
Theo các nhà khoa học, dù tình trạng băng tan chưa gây tác động rõ rệt với mực nước biển vì băng vốn đã tồn tại trong nước đại dương nhưng đây là hiện tượng đáng lo ngại vì góp phần làm nghiêm trọng tình trạng ấm lên toàn cầu. Băng có màu trắng có thể phản nhiệt, đẩy 90% lượng nhiệt từ Mặt Trời trở lại không trung. Nếu băng tan, thay bằng nước biển sẫm màu không đóng băng, nước sẽ hấp thụ lượng nhiệt nêu trên.
Trên toàn cầu, năm 2022 là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử dù hiện tượng tự nhiên La Nina kéo dài đã góp phần làm mát Trái Đất. Châu Âu cũng đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước tới nay, khiến các đợt hạn hán và cháy rừng xảy ra tại châu lục trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Copernicus, nhiệt độ ở hầu hết các vùng tại châu Âu đều cao hơn mức nhiệt trung bình trong tháng trước, trong đó có cả vùng Balkan và Đông Âu đã trải qua ngày 1/1 ấm nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhiệt độ tại các vùng khác trên thế giới như miền Đông nước Mỹ, Canada và Mexico cũng ấm hơn.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho rằng những mức nhiệt khắc nghiệt nêu trên là dấu hiệu rõ ràng về những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu với nhiều khu vực và cũng có thể hiểu đây là một dấu hiệu cảnh báo khác về những hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp diễn trong tương lai.
C3S kêu gọi các bên liên quan trên toàn cầu và ở từng khu vực cần hành động nhanh chóng để giảm tốc độ tăng nhiệt toàn cầu.