Mòn mỏi chờ Thủy điện Sông Lô 2 khắc phục
Công ty TNHH Đại Minh Thịnh (Công ty Đại Minh Thịnh) đầu tư, xây dựng khu nhà rộng 6.000 m2, mặt tiền nằm dọc theo Quốc lộ 2, phía sau nhà khoảng 30 m là lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2. Đây là kho chứa các loại hàng hóa và cũng là nơi làm việc của hơn 40 công nhân trong công ty.
Ông Trần Công Bảo, đại diện Công ty Đại Minh Thịnh, cho biết: “Trước đây, khu nhà này luôn cao hơn mực nước sông Lô từ 5-7m, nền đất ổn định, móng nhà xây kiên cố nên không có hiện tượng sụt lún, tường nhà không bị đứt gãy, nứt nẻ”.
Công ty đang trên đà làm ăn thuận lợi thì sự cố xuất hiện, móng nhà sụt lún, tường nhà nứt toác, nguy cơ đổ sập cao. Hiện tượng này chỉ xuất hiện sau khi Thủy điện Sông Lô 2 tích nước vào đầu năm 2018.
Công ty Đại Minh Thịnh đã có đơn lên chính quyền địa phương, đề nghị vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân. Giữa năm 2018, chính quyền huyện Vị Xuyên và chủ đầu tư Thủy điện Sông Lô 2 là Công ty TNHH Thanh Bình (Công ty Thanh Bình) đến kiểm tra hiện trạng. Các bên thống nhất, giao cho Công ty Thanh Bình thuê Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng tỉnh Hà Giang (Trung tâm Kiểm định) kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Đầu năm 2019, Trung tâm Kiểm định có kết luận chính thức, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún, nứt tường khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh, đó là: “Do Thủy điện Sông Lô 2 tích nước lòng hồ, chênh lệnh mực nước lòng hồ so đê bao. Nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau vào chân móng khu nhà, dẫn đến tình trạng biến dạng trạng thái đất khu vực này. Đất từ trạng thái dẻo cứng chuyển sang trạng thái dẻo mềm ở địa tầng từ -1,5 m đến -7 m. Từ đó dẫn đến hiện tượng sụt, lún, nứt nhà”.
Sau khi có kết luận trên, các ngành chức năng huyện Vị Xuyên, Công ty Thanh Bình, Công ty Đại Minh Thịnh họp bàn giải pháp khắc phục. Tại cuộc họp này, phía Công ty Thanh Bình nhận trách nhiệm thuê Trung tâm Kiểm định lập phương án và dự toán kinh phí để khắc phục. Đến trung tuần tháng 5, Trung tâm Kiểm định đã có báo cáo về giải pháp khắc phục và dự toán kinh phí. Theo đó, giải pháp khắc phục là gia cố lại nền móng phía sau dãy nhà bằng phương pháp ép cọc, đổ bê-tông cốt thép, đắp đất để tạo độ chặt. Sau đó tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng lún nền, nứt nhà.
Tuy nhiên, phía Công ty Thanh Bình có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm định bỏ phần thiết kế bê-tông cốt thép ra khỏi phương án khắc phục vì cho rằng không hợp lý; phần khắc phục lún nứt trong nhà, việc đổ bê-tông cốt thép lại toàn bộ mặt bằng là không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi là đơn vị tư vấn độc lập, được Công ty Thanh Bình thuê nên thực hiện việc xây dựng giải pháp khắc phục một cách công tâm, khách quan. Phương án chúng tôi xây dựng là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, phía Công ty Thanh Bình đề nghị thay đổi phương án, dự toán kinh phí là không hợp lý. Nếu không chấp thuận phương án này, Công ty Thanh Bình thuê đơn vị tư vấn độc lập khác thực hiện”.
Nhiều công nhân bỏ việc vì nguy hiểm
Trong khi Công ty Thanh Bình cố tình kéo dài việc thực hiện giải pháp khắc phục sự cố sụt, lún thì hơn 40 cán bộ, công nhân trong Công ty Đại Minh Thịnh phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, ai cũng lo lắng, không yên tâm lao động.
Tường nhà gia đình ông Trần Công Bảo bị nứt do nền móng sụt lún.
Mấy tháng nay, đã có gần chục công nhân thấy sự nguy hiểm đã xin nghỉ việc khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Thanh Liên, cho biết: Làm ở đây lâu năm, lương tháng ổn định, đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Tôi muốn gắn bó lâu dài với công ty, nhưng bây giờ tôi rất lo lắng, cảm thấy không an tâm khi dãy nhà tôi thường xuyên làm việc bị sụt lún, nứt nẻ, nhất là trong mùa mưa lũ thế này”.
Ông Trần Công Bảo, đại diện Công ty Đại Minh Thịnh cho biết: “Để đầu tư xây dựng khu nhà và kinh doanh, công ty phải vay ngân hàng hơn 20 tỷ đồng. Do đó, dù hoạt động trong khu nhà có nguy cơ đổ sập nhưng chúng tôi không thể dừng hoạt động vì việc làm, thu nhập của hơn 40 công nhân và vì phải trả lãi vay hằng tháng. Trong hơn một năm qua, chúng tôi nhiều lần đối thoại, hợp tác và mong muốn giải quyết dứt điểm sự cố, tuy nhiên đến nay dãy nhà kho của công ty vẫn chưa được khắc phục. Công trình ngày càng xuống cấp khiến cuộc sống và công việc kinh doanh bị đảo lộn”.
Được biết, việc Thủy điện Sông Lô 2 tích nước không chỉ gây thiệt hại khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên cũng bị ảnh hưởng. Điển hình, trường hợp lò gạch của gia đình ông Phùng Tiến Nam, xã Đạo Đức phải ngừng hoạt động vì thủy điện tích nước, nước thẩm thấu gây ngập úng vùng nguyên liệu để sản xuất, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Mới đây, ngày 3-5, UBND xã Đạo Đức cũng đã có báo cáo gửi chính quyền huyện Vị Xuyên, nêu rõ: Trong quá trình tích nước lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2 đã gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, tài sản, cây cối của người dân gần khu vực lòng hồ. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống bờ đê không giữ được nước, nước trong lòng hồ ngấm ngược trở ra, bờ đê nhiều đoạn bị sạt lở, lấp kênh dẫn nên nước không thể thoát kịp. Đề nghị chính quyền huyện Vị Xuyên tiếp tục kiểm đếm đất đai, hoa màu của người dân bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.
Cần giải quyết dứt điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng và Công ty Thanh Bình thực hiện nghiêm túc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác khắc phục những thiệt hại của người dân do quá trình tích nước lòng hồ gây ra.
Gần đây nhất, ngày 4-4, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo UBND huyện Vị Xuyên chủ trì phối hợp các bên liên quan sớm tiến hành sửa chữa, khắc phục công trình nhà của Công ty Đại Minh Thịnh.
Tuy nhiên, việc khắc phục sự cố cho các đơn vị, cá nhân bị thiệt hại do tích nước lòng hồ luôn bị kéo dài do phía Công ty Thanh Bình dùng dằng trong quá trình xử lý.
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Đỗ Anh Tuấn, cho biết: Việc Thủy điện Sông Lô 2 dâng nước gây ảnh hưởng đến một số hộ dân trên địa bàn xã Đạo Đức là có thật. Riêng đối với trường hợp khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh bị sụt lún, huyện đã nhiều lần đứng ra tổ chức họp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều lần phía Công ty Thanh Bình không cử người có đủ thẩm quyền đến họp.
Ngày 24-7, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Đỗ Anh Tuấn cũng đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan đến vụ việc dãy nhà của ông Trần Công Bảo. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Anh Tuấn đề nghị Công ty Thanh Bình và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sửa chữa, khắc phục sự cố công trình của ông Bảo. Trước ngày 30-7, Công ty Thanh Bình phải làm việc và thống nhất với Trung tâm Kiểm định về phương án khắc phục, sau đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Từ khi đi vào vận hành đến nay, bờ đê lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2 đã xảy ra tình trạng sạt lở, vỡ bờ đê. Do đó, cần có giải pháp gia cố, tu sửa bờ đê bao, giải quyết dứt điểm tình trạng nước trong lòng hồ thẩm thấu, gây thiệt hại đến đất đai, nhà cửa của người dân.