Bình luận quốc tế

Nguy cơ những kỷ lục nắng nóng mới

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, dù mùa hè mới chỉ vừa bắt đầu. Những đợt nắng nóng kỷ lục được dự báo sẽ xảy ra trong năm nay, trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, tác động nghiêm trọng tới đời sống con người.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tại châu Á, nhiều nước hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt bất thường đầu tiên trong năm nay. Nhiều vùng ở Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt hơn 44oC trong khoảng giữa tháng 4 vừa qua và ít nhất 11 ca tử vong gần thành phố Mumbai được cho là do sốc nhiệt.

Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka cũng trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Thành phố Tak ở Thái Lan có lúc đo được mức nhiệt cao chưa từng thấy là 45,4oC, trong khi tỉnh Sainyabuli của Lào cũng báo cáo mức nhiệt 42,9oC, cao nhất trong lịch sử đo đạc nhiệt độ của nước này.

Đáng chú ý, trước đây những đợt thời tiết khắc nghiệt mà Ấn Độ và Bangladesh vừa trải qua thường chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ, thì do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm/lần. Theo nghiên cứu, đối với Lào và Thái Lan, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 20C (kịch bản sẽ xảy ra trong 30 năm tới nếu lượng khí nhà kính không giảm nhanh chóng), những đợt thời tiết khắc nghiệt sẽ lặp lại theo chu kỳ 20 năm, chứ không phải mức hai thế kỷ như hiện nay.

Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây.

Trong khi đó, tại Malaysia có tổng cộng 15 ca nhập viện do nắng nóng và một người tử vong. Chính phủ Malaysia tuyên bố sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất và vẫn đang giám sát chặt chẽ diễn biến thời tiết cực đoan.

Nắng nóng cũng đang bao trùm nhiều thành phố ở Trung Quốc. Đầu tuần vừa qua, nhiều thành phố ở miền bắc, trong đó có Bắc Kinh, đã trải qua đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay và ở một số nơi, giới chức địa phương phải ban hành cảnh báo nắng nóng ở mức mầu cam.

Dữ liệu cho thấy, nhiệt độ vào thời điểm giữa tháng 4 tại hầu hết các vùng ở Trung Quốc cao hơn so với mức nhiệt trung bình cùng kỳ được ghi nhận trong lịch sử. Trong đó, nhiệt độ ở các vùng nổi tiếng có thời tiết ôn hòa như tỉnh Vân Nam thậm chí gần chạm mốc 400C.

Để chủ động ứng phó, Chính phủ Malaysia đã đưa ra một số biện pháp tức thời để giảm ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài, như “gieo mây”, lắp đặt giếng khoan hỗ trợ các khu vực khó tiếp cận nguồn nước, tạm dừng các hoạt động ngoài trời tại trường học, cấp nước uống miễn phí tại các nhà thờ…

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây cảnh báo, nhiều khả năng hiện tượng El Nino sẽ trở lại trong những tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao, kéo theo những kỷ lục nắng nóng mới. Theo kết quả nghiên cứu Liên hợp quốc mới công bố, biến đổi khí hậu đã làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục, gây hậu quả nghiêm trọng như những gì vừa xảy ra tại Bangladesh, Ấn Độ, Lào và Thái Lan.

Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và với mức độ nghiêm trọng hơn.

Khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 tới là 60% và cuối tháng 9 là 80%. Hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới. Chưa thể ước tính cường độ hay thời gian mà El Nino sẽ duy trì. Giai đoạn 2018-2019, El Nino khá yếu, nhưng trước đó, giai đoạn 2014-2016 chứng kiến một trong những đợt El Nino mạnh nhất từng diễn ra.

Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và với mức độ nghiêm trọng hơn. Biến đổi khí hậu làm gia tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt, trong khi các kế hoạch hành động để đảo ngược xu hướng này lại được triển khai một cách chậm chạp trên phạm vi toàn cầu. Giới khoa học khuyến cáo ưu tiên kế hoạch chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết nắng nóng bất thường, trong khi vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa hành động ngăn chặn các nhân tố gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.