Nguy cơ đột quỵ do biến chứng rung nhĩ

NDO - Người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5-7 lần người bình thường. Do đó, người mắc chứng rung nhĩ cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh tim mạch nên thăm khám định kỳ tránh biến chứng đột quỵ.
Bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh tim mạch nên thăm khám định kỳ tránh biến chứng đột quỵ.

7 năm trước, bệnh nhân N.T.H được chẩn đoán mắc bệnh rung nhĩ. Đây là loại rối loạn nhịp tim rất phổ biến. Khi đó ông vẫn sinh hoạt, làm việc và chơi thể thao bình thường nên nghĩ sức khỏe ổn định, bệnh không đáng lo.

Sau một thời gian dài không tái khám và điều trị nên bệnh âm thầm tiến triển. Đến tháng 8/2023 ông bắt đầu mệt, cấp độ tăng dần. Đến khi leo một tầng lầu cầu thang đã phải thở dốc, không thể chơi thể thao như mọi khi, ban đêm khó ngủ vì mỗi khi nằm xuống là khó thở, ông mới đến bệnh viện thăm khám.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao, Phó khoa Loạn nhịp-Điện sinh lý, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân Hùng có biểu hiện suy tim nặng (phân suất tống máu chỉ còn 20%, bằng 1/3 so với người bình thường), nhịp tim nhanh (140 lần/phút) và đập loạn xạ.

"Bệnh nhân không thể nằm, phải ngồi thở vì hai phổi có hiện tượng ứ dịch do suy tim. Siêu âm tim cho thấy buồng nhĩ giãn lớn, có nhiều cản âm bất thường – vốn là biểu hiện của các cục huyết khối. Những cục huyết khối này có nguy cơ trôi theo dòng máu đến não gây đột quỵ, đến các cơ quan khác gây nhồi máu nội tạng. Đây là biến chứng của bệnh rung nhĩ sau nhiều năm không được kiểm soát", bác sĩ Thao cho hay.

Trong vòng 4 ngày sau đó, ông Hùng được điều trị tích cực bằng thuốc chống loạn nhịp, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông. Khi nhịp tim ông trở về mức 100 nhịp/phút, tình trạng khó thở không còn, ông được ra khỏi phòng hồi sức.

Tuy nhiên một ngày sau, ông đột ngột rơi vào trạng thái mất tri giác, cứng lưỡi, liệt nửa mặt. Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não diện rộng do cục huyết khối trôi từ tim làm nghẽn mạch não, gây đột quỵ.

Theo bác sĩ Thao, cục máu đông trong tim bệnh nhân đã hình thành từ trước. Việc sử dụng thuốc kháng đông chỉ có tác dụng khiến nó không lớn thêm, muốn tan huyết khối phải mất thời gian khá dài.

Đây là lý do dù cải thiện được suy tim, rối loạn nhịp nhưng bệnh nhân không thể tránh khỏi nguy cơ cục máu đông trôi khỏi tim đến các mạch máu khác. Trường hợp này, cục máu đông gây bít tắc mạch máu lớn ở não, khiến người bệnh đột quỵ.

Nhờ cấp cứu nhanh chóng, bệnh nhân dù thoát cửa tử nhưng vẫn còn di chứng: nói khó, đi không vững, không thể tự ăn uống, mắt mờ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh thông tin, rung nhĩ là bệnh lý về rối loạn nhịp tim rất thường gặp, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi (thường trên 60 tuổi). Người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5-7 lần người bình thường.

Ở những bệnh nhân bị rung nhĩ, 2 ngăn trên cùng của tim (gọi là tâm nhĩ) co bóp rất nhanh và hỗn loạn, không đều. Điều này khiến máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ, dẫn đến hình thành cục máu đông trong tim - biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ.

Những cục máu đông này có nguy cơ trôi ra, di chuyển theo mạch máu đến não hoặc các cơ quan khác gây đột quỵ hoặc tắc mạch máu cấp ở những bộ phận khác trong cơ thể. Bên cạnh đó, tình trạng rung nhĩ kéo dài còn tăng nguy cơ suy tim và làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch khác, thậm chí gây tử vong.

Rung nhĩ cần được phát hiện và điều trị sớm. Hiện nay, bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc, bác sĩ có thể can thiệp triệt đốt hoặc sốc điện chuyển nhịp, cấy máy tạo nhịp cho bệnh nhân khi cần, từ đó khôi phục nhịp tim bình thường cho bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ cũng như các bệnh lý loạn nhịp tim khác như cuồng nhĩ, ngoại tâm thu, suy nút xoang…, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh như hạn chế rượu bia và các chất kích thích như cà-phê và nước tăng lực.

Mọi người nên ngưng hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, kiểm soát các bệnh nền đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ…

Phó giáo sư Vinh khuyến nghị, người lớn tuổi, người có bệnh nền tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh van tim, đột quỵ… nên khám bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp tim để được tư vấn và lên kế hoạch tầm soát, từ đó phát hiện sớm và điều trị bệnh lý loạn nhịp triệt để.