1/Đầu tháng 8, chị H.T.H. (38 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng huyết áp cao, hôn mê, liệt nửa người. Theo người nhà chị H., trước đó bệnh nhân thường xuyên đau đầu và đi lại khó khăn nên được đưa đi cấp cứu. Đáng lưu ý, thời gian trước, bệnh nhân không có biểu hiện gì. Tại Trung tâm đột quỵ, trường hợp như của chị H. rất phổ biến. Bệnh nhân thường không kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như không nghĩ rằng mình đột quỵ vì còn trẻ tuổi.
Nghiên cứu về đột quỵ ở Việt Nam hiện nay được thực hiện tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc, từ đồng bằng sông Cửu Long, miền trung và phía bắc đã ghi nhận 2.310 bệnh nhân đột quỵ trong một tháng thu thập dữ liệu (từ ngày 1/8 đến 31/8/2022). Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Trong đó, tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%. Thế nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%; do chảy máu não là 24%. Đặc biệt, ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%. Điều này cho thấy, tỷ lệ đột quỵ do xuất huyết ở Việt Nam cao hơn tỷ lệ báo cáo tại quốc tế nói chung.
Những đối tượng mắc đột quỵ trong độ tuổi trên lại thường là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, đột quỵ xảy ra đã tước đi của gia đình và xã hội một nguồn lực vô giá. Đặc biệt, bản thân bệnh nhân phải đối mặt với một tương lai bất ổn vì mang trong mình bệnh tật, dễ phát sinh tâm lý bi quan chán nản. Việc tập vật lý trị liệu cũng không đạt kết quả tốt bởi não đã tổn thương nặng ban đầu khiến di chứng tàn phá nặng nề.
2/Nhóm nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ được chỉ ra là do thói quen xấu đang gia tăng, như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, thức quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… và đến gần hơn với đột quỵ. Nếu được phát hiện những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng đột quỵ.
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân tiếp cận bệnh viện trong thời gian vàng (dưới 4, 5 giờ) chỉ là 23%. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu còn thấp, ở mức 14%. Tưới máu tươi là phương pháp sử dụng tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch, hoặc sử dụng các dụng cụ lấy huyết khối đường động mạch cho hiệu quả điều trị cao. Về các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp. Tại kết quả nghiên cứu này cho thấy, có xấp xỉ 77% bệnh nhân đột quỵ là do tăng huyết áp.
Theo PGS, TS Mai Duy Tôn, từ kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho chiến lược điều trị đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian tới. Đầu tiên là vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để có thể cấp cứu kịp thời, mang lại cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5-6 giờ đồng hồ. Còn với người dân cần thay đổi lối sống, từ đó kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
“Để giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, cần tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Với hiện tượng tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì…, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, yếu tố đông máu…, thì cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn để sàng lọc, loại trừ nguy cơ”, PGS, TS Mai Duy Tôn khuyến cáo.