Nguồn nước cho sản xuất vụ thu đông, vụ mùa ở khu vực Nam Bộ tương đối thuận lợi

NDO -

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam Bộ tổ chức tại An Giang ngày 8/7, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, vụ lúa hè thu năm nay có năng suất tăng hơn so với vụ hè thu trước.

0:00 / 0:00
0:00
Bà con nông dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa hè thu năm 2022.
Bà con nông dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa hè thu năm 2022.

Nguyên nhân là do ở khu vực này mùa mưa đến sớm nên giảm được hạn hán, xâm nhập mặn, cùng với đó là các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ hợp lý, bà con nông dân chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất…

Năng suất lúa tăng

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa hè thu năm 2022, khu vực Nam Bộ xuống giống 1.575 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,64 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.493 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,14 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.530 nghìn tấn.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, để có được kết quả này là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc bộ và địa phương đã thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sinh vật gây hại cây trồng; chất lượng nước phục vụ tưới tiêu được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời. Hơn nữa, mùa mưa đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước nên vụ sản xuất này tương đối thuận lợi cho việc xuống giống.

Cùng với đó là việc bố trí sản xuất hợp lý, lịch thời vụ chuyển dịch phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái; các công trình chống hạn, xâm nhập mặn, lũ như nạo vét kênh mương, nâng cấp các tuyến đê... được quan tâm đầu tư bảo đảm ngăn mặn, rửa phèn, tích trử nước ngọt phục vụ tốt cho sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nông dân về sử dụng giống tốt và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lúa.

Ở nhiều nơi, bà con chủ động sử dụng giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường cũng như đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn. Theo báo cáo từ các địa phương, trong vụ hè thu này tỷ lệ sử dụng giống nguyên chủng là 0,25 %, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận là 77,3%.

Cũng trong vụ hè thu này, giống lúa chất lượng cao đạt 68,33% tăng 20,33%, so với cùng kỳ ; giống chất lượng trung bình đạt 7,82%, giảm 3,68% so với cùng kỳ; giống lúa nếp đạt 7,55%, giảm 3,15 so với cùng kỳ.

Qua thống kê, lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha trong vụ hè thu 2022 cao hơn vụ hè thu 2021 là 0,29%, tuy nhiên tỷ lệ gieo sạ từ trên 100 đến 150 kg/ha lại tăng. Mặc dù, mỗi địa phương đều có cuộc vận động giảm giá thành sản xuất, trong đó có khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ nhưng việc chuyển biến về tỷ lệ gieo sạ dưới 100 kg/ha và giảm lượng giống trên 150 kg/ha vẫn còn chậm do người nông dân vẫn lo sợ chuột gây hại và không có nhân công thực hiện dặm lúa nếu sạ thưa.

Điều đáng mừng, vụ hè thu 2022 mặc dù giá phân bón và vật tư đầu vào tăng cao nhưng do bà con nông dân thực hiện giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệc thực vật… nên vẫn bảo đảm mức lợi nhuận. 

Chủ động ứng phó với triều cường bảo vệ sản xuất 

Vụ thu đông năm 2022, vùng đồng bằng song Cửu Long có kế hoạch gieo sạ 700 nghìn ha, giảm 3,5 nghìn ha; phấn đấu năng suất 57,12 tạ/ha, tăng 0,52 tạ/ha; sản lượng 4,0 triệu tấn. Ngoài ra, trong vụ mùa, khu vực Nam Bộ dự kiến gieo sạ 268,5 nghìn ha; năng suất 48,27 tạ/ha, tăng 1,76 tạ/ha, sản lượng 1,3 triệu tấn.

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho rằng, hiện nay khu vực Nam Bộ đang trong giai đoạn mùa mưa, với lượng mưa dự báo trong thời gian tới, nguồn nước cho sản xuất sẽ khá thuận lợi. Trong đó, sản xuất vụ mùa 2022 trùng với thời kỳ mùa mưa nên không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trong khu vực.

Tuy nhiên, dự báo triều cường năm 2022 ở mức rất cao và cao hơn nhiều trung bình nhiều năm. Vì vậy, các địa phương ở vùng giữa và vùng ven biển cần lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó.

Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần tổ chức rà soát các tuyến đê bao chưa đủ cao trình, đê bao xung yếu, các tuyến mới đắp… để xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời trong mùa lũ; lưu ý chỉ tổ chức sản xuất ở vùng được bảo vệ an toàn của hệ thống đê bao, bờ bao, không tổ chức sản xuất ở vùng chưa được bảo vệ an toàn; đẩy sớm thời vụ xuống giống vụ thu đông để bảo đảm thu hoạch xong trước thời gian ảnh hưởng của lũ nội đồng.

Nhằm bảo đảm sản xuất lúa đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương có diện tích ở những vùng ngập sâu trong vụ thu đông cần xuống giống vào cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7 và kết thúc vào ngày 20/8; vùng ngập nông, không bị ảnh hưởng của ngập, lũ, do vậy thời vụ xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc ngày 10/8…; đối với vùng ven biển kết thúc xuống giống vào ngày 30/8.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần khuyến cáo nhân dân sử dụng giống lúa chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã trong vụ sản xuất này; chủ động công tác phòng trừ dịch hại và điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa, từng bước đưa sản xuất, thâm canh, tiêu thụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả cao và bền vững. 

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh lúa giống nhằm khắc phục việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất kinh doanh, những giống lúa chưa được công nhận vào sản xuất.