Tham gia Hội nghị trực tuyến có 150 đại biểu từ 70 điểm cầu. Đó là gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và hơn 150 đại biểu.
Điểm nhấn quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung nêu rõ, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng coi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa giúp nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) và tính cạnh tranh của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh thế giới công việc đang có nhiều đổi thay. Do đó, phát triển nguồn nhân lực được Việt Nam chọn là một trong những ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này được coi là điểm nhấn quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo ưu tiên đã đặt ra. Ngoài ra, đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.
Trong bài phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEAN và các nỗ lực nhằm đưa ra các giải pháp giúp thị trường lao động có khả năng thích ứng trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao cho các Bộ trưởng: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo nước ta chủ trì, thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố và Lộ trình Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay hiệu quả ở cấp quốc gia cũng như thúc đẩy các nỗ lực khu vực trong các hoạt động liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã điểm qua các thách thức mà ASEAN đang gặp phải trong việc phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nêu bật một trong những giải pháp, đó chính là cần nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi quốc gia.
Đồng quan điểm này, ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực cần tập trung cả về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghề nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy kỹ năng số cho người dân, nhằm giúp họ có thể tối đa hóa khả năng của mình trong thời đại công nghệ 4.0.
Hội nghị lần này tập trung vào bốn phiên thảo luận chủ đề. Đó là: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ 21.
Các chủ đề được đề cập thông qua chia sẻ ngắn của các Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), UNESCO, Chủ tịch ABAC, Lãnh đạo Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức. Các Bộ trưởng /Trưởng đại diện đã chia sẻ thông tin về các chính sách, sáng kiến, thành tựu trong việc thúc đẩy các nội dung hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tương ứng với nội dung của từng chủ đề.
Phát biểu tại Phiên 1 của Hội nghị với chủ đề “Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực”, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực chính đòn bẩy để tăng cường chất lượng và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực ASEAN. Việt Nam cùng các nước ASEAN đã chú trọng việc xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực như hợp tác công tư, hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia, hợp tác ở cấp khu vực, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác song phương và đa phương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ mong muốn các đối tác của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ cùng nhau thúc đẩy hiệu quả quan hệ đối tác nhằm xây dựng nguồn nhân lực ASEAN có tính cạnh tranh cao, đáp ứng trình độ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một cộng đồng chung thịnh vượng và bền vững, đoàn kết và chủ động thích ứng với những thay đổi của thế giới việc làm.
Trong khuôn khổ Hội nghị, còn có Phiên họp Quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN nhằm chia sẻ các ưu tiên hợp tác của các đối tác này với các nước ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực quan tâm trong thời gian.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các nước thành viên ASEAN tìm kiếm khả năng hợp tác với các đối tác trong việc triển khai Lộ trình của Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.
Ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN
Tại Hội nghị này, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN đã chính thức ra mắt. Việc ra đời của Hội đồng sẽ giúp cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, với việc tăng cường sự tham gia của lĩnh vực doanh nghiệp và các ngành công nghiệp đối với các đầu vào chính sách.
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay được thông qua vào tháng 6 vừa qua đã đặt ra nội dung thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN (ATC) như một diễn đàn để điều phối, nghiên cứu và phát triển về đổi mới sáng tạo và giám sát các chương trình khu vực hỗ trợ cho sự tiến bộ của giáo dục nghề nghiệp trong khu vực;
Theo đó, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ lớn sau.
Thứ nhất, đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên các bằng chứng nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong đó tập trung vào vấn đề bảo đảm chất lượng, phát triển các tiêu chuẩn, phát triển các giảng viên và các công nghệ mang tính đột phá trong phát triển giáo dục nghề nghiệp của ASEAN.
Thứ hai, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các nền công nghiệp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp và khả năng thích ứng với yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi.
Thứ ba, hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tư, cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người sống ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số…
Thứ năm, hỗ trợ cho quan chức cấp cao về giáo dục, lao động trong xác định, thúc đẩy, giám sát thúc đẩy các chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Thứ sáu, xác định phản ứng toàn diện của ASEAN trước các vấn đề mới, đặc biệt là những thách thức tác động đến việc làm và tương lai việc làm thông qua các tham vấn với các cơ quan, tổ chức liên quan.
Ông Trương Anh Dũng chia sẻ, trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào bốn ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ đã nêu.
Ưu tiên đầu tiên là phát triển lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường thông qua hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động và những kỹ năng tương lai. Đây là ưu tiên số một, cũng là khó khăn, thách thức trong ASEAN.
Ưu tiên tiếp đó là nghiên cứu chuyển đổi phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp thích ứng với sự thay đổi của thế giới công việc.
Ưu tiên tiếp theo là tái tạo hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, đóng góp vào phát triển bền vững như thế nào.
Ưu tiên cuối là ưu tiên tăng cường năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia.
Hội nghị cấp Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay diễn ra thành công, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, đóng góp kết quả cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2020.