Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang... ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9.460 triệu USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức hơn 50%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh làm phép so sánh, nếu so với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của thành phố.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiều hối chuyển về thành phố năm 2023 gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Theo đó, phân tích kiều hối theo khu vực thì lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 50,5% và tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022. Thị trường lao động, dịch vụ, du lịch mở cửa và phát triển sau đại dịch tại các nước khu vực châu Á, cùng môi trường kinh tế, chính trị ổn định là yếu tố tác động tích cực đến kiều hối chuyển về từ khu vực này trong năm 2023 và trong thời gian tới.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu hút kiều hối; các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao... đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới và dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trực tiếp chi trả kiều hối phát triển, tiện ích, nhanh chóng, hiệu quả cũng góp phần thu hút kiều hối chuyển về Việt Nam nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, kiều hối chuyển về thành phố, ngoài các yếu tố nền tảng liên quan trực tiếp đến kiều bào, người lao động ở nước ngoài, tăng trưởng kinh tế thế giới có tác động vào thu nhập của kiều bào, người lao động... thì tính chất thời vụ cũng góp phần quan trọng và thể hiện rõ nhất là trong các dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Theo đó, vào mỗi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về cao hơn bình quân chung của các tháng trong năm. Yếu tố này xuất phát từ tình cảm của đại bộ phận kiều bào hướng về quê hương, về người thân và gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về gửi tiền về để biếu tặng người thân nhân dịp cuối năm, là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân và cảm ơn bố mẹ, người thân ở quê nhà. Mùa cao điểm chuyển tiền kiều hối Tết thường kéo dài trong khoảng một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Theo số liệu ghi nhận, lượng kiều hối chuyển về trong nước mùa cao điểm Tết này tăng đáng kể cả về số lượt gửi và số tiền gửi trên mỗi món.
Lý giải về nguồn lực kiều hối tăng trưởng mạnh, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, niềm tự hào “Tôi là người Việt Nam” là một trong những yếu tố tác động tích cực đến nguồn kiều hối và tốc độ tăng trưởng kiều hối trong những năm qua. Đó là niềm tự hào về đất nước thanh bình, tươi đẹp với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, với thành tựu của hơn 35 năm đổi mới vượt qua nhiều khó khăn thách thức và khẳng định vị trí thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là niềm tự hào môi trường kinh tế-xã hội ổn định, an ninh an toàn và môi trường đầu tư thuận lợi.
Chính niềm tự hào này cũng là yếu tố tác động tích cực đến nguồn kiều hối và tốc độ tăng trưởng kiều hối trong những năm qua. Đồng thời, niềm tự hào “Tôi là người Việt Nam” đã góp phần tạo ra thương hiệu, uy tín và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam tại nước ngoài, tạo sự phát triển thị trường lao động, sự tăng trưởng của nguồn lực lao động, làm việc tại nước ngoài, qua đó thúc đẩy kiều hối tăng trưởng từ lĩnh vực này ■
Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam thường xuyên đạt hơn 10 tỷ USD/năm kể từ năm 2010 đến nay. Đáng chú ý, năm 2023, Việt Nam đã thu hút được khoảng từ 14-15 tỷ USD và nằm trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tốp 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiều hối năm 2023 ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút lớn nhất nguồn kiều hối đổ về. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây chính là cơ hội, nguồn lực then chốt giúp thành phố phục hồi nhanh, vững bước phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19.