Nguồn lực con người là động lực phát triển của Masan High-Tech Materials

Sở hữu mỏ vonfram đa kim Núi Pháo ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và các cơ sở sản xuất tại các nước Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, Masan High-Tech Materials là nhà cung cấp vật liệu Vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới. Là một doanh nghiệp toàn cầu, với hơn 2.200 cán bộ, công nhân viên, Masan High-Tech Materials luôn xác định đầu tư bài bản vào nguồn nhân lực và theo đuổi chiến lược “con người là trung tâm của sự phát triển”.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động Việt Nam làm chủ công nghệ hiện đại ở Nhà máy MTC.
Lao động Việt Nam làm chủ công nghệ hiện đại ở Nhà máy MTC.

Từng bước làm chủ công nghệ hiện đại

Masan High-Tech Materials là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan, hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất và cung ứng vật liệu công nghệ cao cho các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu. Hiện nay, công ty có hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại mỏ đa kim Núi Pháo và các nhà máy chế biến khoáng sản, sản xuất Vonfram công nghệ hiện đại với thiết bị nhập khẩu tiên tiến, tự động hoá cao. Masan High-Tech Materials xác định nhân tố con người được đặt ở vị trí trung tâm, quyết định hiệu quả hoạt động của toàn bộ dây chuyền từ khai thác mỏ đến chế biến vonfram, florit, bismut và đồng.

Áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, từ một doanh nghiệp sử dụng rất nhiều chuyên gia nước ngoài trong các khâu khai thác, chế biến vonfram, florit, bismut, đồng, nhưng trong những năm vừa qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư người Việt của Masan High-Tech Materials đã tập trung tiếp cận công nghệ nhằm xóa bỏ khoảng cách về năng lực với chuyên gia nước ngoài để vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại. Trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển sản xuất, công ty đã tuyển dụng những chuyên gia xuất sắc nhất trong ngành khai khoáng từ nhiều quốc gia trên thế giới, những người kế thừa thực tiễn và kinh nghiệm khai khoáng từ các mỏ như: Barrick Gold, Riotiato, BHP Billiton, Sepon…

Đến nay, người Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại tại Nhà máy chế biến sâu vonfram (MTC) và nhiều bộ phận, công đoạn sản xuất tại Nhà máy Núi Pháo (NPMC), nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý mà trước đây do chuyên gia nước ngoài nắm giữ. Tại thời điểm mới sáp nhập, vào tháng 8/2018, Masan High-Tech Materials mua lại 49% phần góp vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn tinh luyện vonfram Núi Pháo-H.C. Starck và đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn vonfram Masan-MTC.

Theo đó, tỷ lệ lao động người nước ngoài lúc bấy giờ tại MTC chiếm khoảng 15%, nhưng tới nay, 100% người Việt quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy. Nhà máy MTC với hơn 300 cán bộ, công nhân viên, trước đây được người nước ngoài quản lý. Từ năm 2023, ông Dương Văn Đức được bổ nhiệm vào vị trí này.

Nguồn lực con người là động lực phát triển của Masan High-Tech Materials ảnh 1
Trao đổi kinh nghiệm vận hành thường xuyên diễn ra ở các nhà máy của MHT.

Quản lý toàn bộ hoạt động nhà máy chế biến sâu vonfram với công nghệ hiện đại, phức tạp, anh Dương Văn Đức chia sẻ: “Tôi từng làm việc ở một số công ty, nhưng khi về làm việc tại Masan High-Tech Materials, tôi mới cảm thấy hài lòng, yên tâm bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp, bài bản, đề cao năng lực mỗi cá nhân, chế độ đãi ngộ vượt trội nên hơn 10 năm qua tôi đã không ngừng học hỏi chuyên gia, đồng nghiệp, tự nghiên cứu, cố gắng đáp ứng yêu cầu để được bổ nhiệm vào vị trí quản lý nhà máy, thay thế chuyên gia nước ngoài vận hành nhà máy hiệu quả”.

Trước đây, Giám đốc Tài chính của Masan High-Tech Materials cũng do một người nước ngoài nắm giữ, nhưng từ năm 2023, ông Nguyễn Huy Tuấn được bổ nhiệm vị trí này. Cả Dương Văn Đức, Nguyễn Huy Tuấn đều còn trẻ tuổi, thuộc thế hệ 8x, 9x.

Không chỉ làm chủ công nghệ tại MTC, cán bộ, kỹ sư Việt Nam cũng đang thay thế chuyên gia nước ngoài nắm giữ những vị trí chủ chốt trong quản lý, điều hành Masan High-Tech Materials và ở nhiều công đoạn, dây chuyền tại Nhà máy Núi Pháo. Cụ thể, trước đây Masan High-Tech Materials sử dụng gần 200 chuyên gia nước ngoài, nhưng đến nay chuyên gia nước ngoài giảm còn 36 người.

Việc người Việt Nam thay thế hàng trăm chuyên gia nước ngoài, trong đó, có nhiều vị trí cao, quan trọng trong quản lý, công đoạn chủ chốt trong sản xuất không chỉ cho thấy công ty có chiến lược bài bản về đào tạo nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ đặc biệt mà còn cho thấy cán bộ, kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận, làm chủ hầu hết công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất, trình độ quản lý ở đẳng cấp toàn cầu, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế. Mặt khác, góp phần tăng thu nhập cho người Việt, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy vai trò của nữ giới trong phát triển bền vững

Khai khoáng nói chung, khai thác quặng đa kim tại mỏ Núi Pháo nói riêng vốn là công việc nặng nhọc, đòi hỏi thể chất dồi dào, dẻo dai. Với Masan High-Tech Materials không chỉ có vậy, mà còn đòi hỏi kỷ luật, trình độ, khả năng đáp ứng cao ở các vị trí quản lý, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy chế biến. Nhưng đến nay công ty có tới hơn 25% nhân sự là phụ nữ ở hầu hết các vị trí. Masan High-Tech Materials bổ nhiệm, trao quyền cho nữ giới nắm giữ, lãnh đạo nhiều vị trí chủ chốt như: Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng, Trưởng phòng Nhân sự, Trưởng phòng Truyền thông-cộng đồng, giám sát trưởng môi trường, giám sát vận hành sản xuất; giám sát trưởng quản lý vật tư…

Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, cộng đồng và quan hệ đối ngoại Công ty Masan High-Tech Materials cho hay, công ty là doanh nghiệp khai khoáng, chế biến vật liệu công nghệ cao uy tín trên toàn cầu và có tỷ lệ lao động nữ cao top đầu trong ngành. Có được điều này là do bên cạnh việc chế độ đãi ngộ vượt trội, công ty hiểu rõ sức mạnh của môi trường làm việc gắn kết, bình đẳng giới, dung hợp, tôn trọng và đặc biệt có những giải pháp thiết thực giúp thúc đẩy vai trò của nữ giới thông qua các chính sách phúc lợi đặc biệt và chương trình đào tạo nhân sự kế thừa với cam kết cao từ lãnh đạo và sự đồng lòng từ người lao động.

Nguồn lực con người là động lực phát triển của Masan High-Tech Materials ảnh 2

Các hoạt động gắn kết của cán bộ, công nhân được tổ chức ở MHT.

Trưởng phòng Nhân sự Masan High-Tech Materials Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ: “Là một quản lý thuộc thế hệ 8x, quản lý hàng nghìn lao động đến từ nhiều quốc gia, độ tuổi, công việc… khác nhau, tôi thực hiện nhiệm vụ với nhiều thách thức. Nhưng với tinh thần học hỏi, lạc quan và niềm tin về một Masan High-Tech Materials nhân văn và hết mình vì người lao động, tôi thực sự được tiếp thêm sức mạnh để cùng đội ngũ của mình và ban lãnh đạo Masan High-Tech Materials tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng và phát triển ngày một vững bền, mang lại môi trường làm việc hạnh phúc”.

Không chỉ bằng chế độ đãi ngộ, tặng quà các dịp lễ tết, các hoạt động vui chơi, tham quan du lịch… thể hiện bình đẳng giới, Masan High-Tech Materials còn có những việc làm rất thiết thực khác nhằm tôn trọng nữ quyền như: khi nữ giới có con nhỏ, chị em có phòng riêng để vắt sữa, mỗi ngày được về sớm một tiếng (con nhỏ dưới 1 tuổi), trao giải thưởng ngôi sao tháng dành cho nhân viên có sáng kiến, làm lợi cho công ty nhằm khích lệ, tôn vinh cán bộ, công nhân viên.

Masan High-Tech Materials trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất được Great Place to Work Trust Index - một trong những tổ chức uy tín nhất trên toàn cầu về chứng nhận văn hóa doanh nghiệp vinh danh là “nơi làm việc tuyệt vời năm 2023” cho thấy, đây là doanh nghiệp đề cao nhân tố con người, trong đó có đóng góp lớn lao của phụ nữ trong tiến trình vươn xa toàn cầu.