Giá lúa mì “chạy theo” nhu cầu của Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường lúa mì trên thế giới khi vừa đứng top đầu về sản lượng nhưng cũng chiếm vị thế số 1 về nhập khẩu. Nước này chủ yếu mua lúa mì từ các nhà sản xuất lớn như Australia, Pháp, Canada và Mỹ.
Do đó, không khó hiểu khi những động thái của Trung Quốc trên thị trường thương mại quốc tế thường là tác động đến xu hướng giá lúa mì. Vào cuối năm ngoái, quốc gia này bất ngờ đặt mua một loạt các đơn hàng lúa mì đông đỏ mềm (SWR) của Mỹ do vụ mùa nội địa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn. Chính những đơn hàng này khiến giá sụt giảm ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc lại liên tục hủy các đơn hàng lúa mì từ Mỹ đã mua trước đó với tổng khối lượng lên đến 504.000 tấn và là mức lớn nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ghi nhận kể từ năm 1999.
Không chỉ có các đơn hàng của Mỹ, quốc gia nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới cũng hủy hàng loạt đơn hàng từ các nước khác. Theo Văn phòng Nông nghiệp FranceAgriMer, các thương nhân ngũ cốc cho biết Trung Quốc đã hủy một số giao dịch mua lúa mì Pháp. Bên cạnh đó, khoảng 1 triệu tấn lúa mì Australia cũng bị Bắc Kinh hủy và hoãn nhập khẩu.
Nguyên nhân Trung Quốc ồ ạt hủy đơn hàng?
Việc Trung Quốc hủy hàng loạt đơn hàng mua lúa mì rõ ràng là điều bất thường. Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến động thái này.
Đầu tiên, lượng lúa mì sẵn có trên thế giới ở thời điểm hiện tại tương đối dồi dào. Khác với giai đoạn cách đây 2 năm, hoạt động xuất khẩu lúa mì từ khu vực Biển Đen đang diễn ra thuận lợi. Ngành vận tải biển của Ukraine cũng đã hồi phục trở lại và thích ứng sau khi thỏa thuận Biển Đen kết thúc.
Trong khi đó, nguồn cung giá rẻ từ Nga cũng tràn ngập thị trường khi nước này đang đẩy mạnh việc bán hàng tồn kho của niên vụ trước để giải phóng không gian cho vụ thu hoạch bội thu của năm nay. Điều này khiến sự lựa chọn nguồn cung của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đã đa dạng hơn rất nhiều, không còn bị bó buộc vào một số quốc gia nhất định như giai đoạn trước.
Thứ hai, giá lúa mì trên thị trường đang giảm mạnh so với năm ngoái. Sau giai đoạn đạt đỉnh vào năm 2022, giá lúa mì trên thị trường đã giảm hơn 60% từ vùng đỉnh. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, lúa mì tiếp tục giảm hơn 14%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Việc giá giảm mạnh khiến chi phí đền bù hợp đồng thậm chí còn thấp hơn so việc đặt các đơn hàng mới với giá rẻ ở thời điểm hiện tại. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc hủy các đơn hàng cũ được mua với giá cao từ Mỹ, Pháp và Australia.
Diễn biến giá lúa mì 2 năm qua. |
Thứ ba, nguồn cung trên thị trường nội địa của Trung Quốc cũng ở mức cao trong khi nhu cầu thấp. Mặc dù vụ mùa lúa mì của nước này chịu một số thiệt hại bởi thời tiết xấu vào năm ngoái, nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ổn định. Trong Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 3, USDA đã duy trì dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024/25 của Trung Quốc ở mức xấp xỉ 136,6 triệu tấn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi heo liên tục gặp khó đã hạn chế nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trên thị trường và ảnh hưởng đến quyết định nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp.
Nhu cầu tạm thời không còn là yếu tố quyết định
Mặc dù các động thái trên của Trung Quốc đã kéo theo nhu cầu sụt giảm trong ngắn hạn nhưng thị trường lúa mì có thể vẫn phải đối mặt với các rủi ro về nguồn cung sắp tới. Trong báo cáo WASDE tháng 3, USDA đã hạ ước tính tồn kho lúa mì toàn cầu cuối niên vụ 2023/24 xuống mức 258,83 triệu tấn, giảm năm thứ 4 liên tiếp và là mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Cơ quan này cũng cho biết vụ mùa tại Liên minh châu Âu đã bị ảnh hưởng sau khi mưa lớn kéo dài diễn ra trong giai đoạn gieo trồng. Tại Pháp, nhà xuất khẩu lớn nhất của EU, chất lượng lúa mì được đánh giá thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Ngoài ra, tính riêng nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, triển vọng mùa vụ của Mỹ chuẩn bị gieo trồng trong vòng một tháng tới cũng không mấy khả quan. Trong hội thảo Agricultural Outlook Forum 2024, USDA đã hạ dự báo diện tích trồng lúa mì năm nay của Mỹ xuống còn 46 triệu mẫu, thấp hơn 5,2% so năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng, việc giá giảm mạnh đã khiến nông dân xem xét thu hẹp quy mô vụ mùa, đồng thời chuyển đổi sang các loại cây trồng có lợi nhuận tốt hơn.
Bên cạnh tình hình nguồn cung toàn cầu không chắc chắn, rủi ro địa chính trị cũng có thể là kịch bản thúc đẩy giá tăng trở lại. Vào cuối tuần trước, Ukraine cho biết, Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào cảng Odessa trên Biển Đen, phá hủy một số tòa nhà và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Nếu tình hình này liên tục diễn ra, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ một trong những cảng nước sâu lớn nhất của Ukraine sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, có thể là yếu tố giúp lúa mì hồi phục.
“Nhìn chung, trong ngắn hạn, giá lúa mì vẫn có thể gặp áp lực từ động thái hủy mua hàng loạt từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh toàn cầu, triển vọng nguồn cung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi căng thẳng địa chính trị nổ ra tại các vùng sản xuất quan trọng, cũng như những chính sách điều chỉnh quy mô sản xuất của những quốc gia xuất khẩu quan trọng”, ông Quang Anh đánh giá.