Người viết nên khúc tráng ca trên bầu trời

50 năm đã đi qua, song Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Hà Nội như một bản hùng ca bất tận. Ðó là chiến thắng thể hiện tầm cao và trí tuệ của con người Việt Nam trước một đội quân hùng hậu, được trang bị các loại vũ khí tối tân. Ðể có được thành quả đó, không thể không kể đến những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh, trong đó phải kể đến tấm gương người lính Không quân quả cảm Vũ Xuân Thiều, người đã viết nên khúc tráng ca trên bầu trời để bảo vệ Thủ đô thân yêu.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện lãnh đạo, chỉ huy, các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Quân chủng Phòng không-Không quân và Sư đoàn Không quân 371 tại Lễ đón nhận tượng phi công liệt sĩ Vũ Xuân Thiều tại trường tiểu học mang tên anh vào tháng 4/2016.
Ðại diện lãnh đạo, chỉ huy, các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Quân chủng Phòng không-Không quân và Sư đoàn Không quân 371 tại Lễ đón nhận tượng phi công liệt sĩ Vũ Xuân Thiều tại trường tiểu học mang tên anh vào tháng 4/2016.

Giữa phố phường tấp nập, Trường tiểu học Vũ Xuân Thiều nằm gọn trong con ngách thuộc đường Nguyễn Văn Linh, phường Sài Ðồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Mái trường đã ghi dấu chân của biết bao thế hệ cô và trò, giờ đây thật khang trang và ngày càng có những bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục. Trong khoảng sân trường nhỏ rộn tiếng nô đùa của các em học sinh, có một góc trang trọng dành cho Anh hùng, liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều - người đã hy sinh cùng chiếc máy bay MiG-21 của mình để bắn rơi "siêu pháo đài bay" B-52 của không quân Mỹ, trước khi chúng kịp tiến vào đánh phá Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc nước ta. Người con Hà Nội ấy đã sống một cuộc đời vẻ vang và hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương khi tròn 27 tuổi. Ðó là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Ngược dòng lịch sử cách đây 50 năm, thời gian trước khi địch tập kích bằng B-52 vào Hà Nội tháng 12/1972, việc huấn luyện và dự kiến các phương án chiến thuật cho lực lượng phi công MiG bay đêm của Quân chủng Phòng không-Không quân được tiến hành hết sức chu đáo và kỹ lưỡng bởi đây là lực lượng chủ lực của Không quân ta chiến đấu với B-52. Bản thân các phi công bay đêm cũng có quyết tâm rất cao trong huấn luyện chiến đấu. Phi công Vũ Xuân Thiều là một thanh niên Hà Nội có kỹ thuật bay giỏi, cũng được chọn vào Ðại đội phi công đánh đêm của Trung đoàn 927, Sư đoàn 371. Cố Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, nguyên Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927 từng kể về tâm tư của người phi công trẻ: "Trước đây, cứ mỗi chiều đi trực chiến ban đêm, Thiều lại ghé vào Sở Chỉ huy gặp tôi để đề đạt nguyện vọng: "Ðề nghị cho em đi đánh một trận ban ngày để có một cái "đuôi" (bắn được một chiếc máy bay địch) tặng cho người yêu. Hôm nào người yêu cũng gọi điện hỏi: anh đã bắn rơi được chiếc nào chưa? Nếu nói chưa thì ngượng lắm". Thông cảm với những tâm sự thật thà của Thiều, tôi động viên: "Cậu cứ yên tâm, nếu B-52 đánh ra Hà Nội, cậu chỉ cần bắn rơi một chiếc, thì giá trị bằng chục chiếc F-4E đấy. Lúc đó cậu tặng người yêu không phải một chiếc mà là hàng chục cái "đuôi" đấy". Có lần Thiều còn nói với tôi: "Em mà gặp được B-52 thì nó đừng hòng thoát. Nếu bắn mà nó không rơi tại chỗ, thì em "taran" (tiếng Nga, nghĩa là: lao thẳng vào)".

Có lẽ Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị cũng không thể ngờ rằng, quyết tâm của Vũ Xuân Thiều lại lớn đến vậy, vì trận chiến diễn ra trên bầu trời Sơn La đêm 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều thật sự đã "taran" vào B-52. Ngày hôm ấy, Vũ Xuân Thiều được lệnh chuyển từ Sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) đến Sân bay dã chiến Cẩm Thủy; đêm ấy, anh được giao nhiệm vụ trực chiến và là mũi chủ công của trận đánh. Các phi công của ta lúc đó đều đang ra sức thi đua, phát huy chiến công bắn rơi B-52 của phi công Phạm Tuân vào ngày 27/12. Trên bảng tiêu đồ của Binh chủng Không quân, chi chít những tốp máy bay địch đang tiến vào vùng trời Nà Sản, Sơn La.

Ðúng 21 giờ 45 phút ngày 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh, gần đến tốp máy bay địch, anh được chỉ thị cho máy bay quay vòng phải, hướng bay 30o và lách qua lực lượng tiêm kích của địch để tiếp cận B-52. Chiếc MiG bay xuyên vào giữa đội hình máy bay địch, Sở chỉ huy Trung đoàn 927 nhắc Thiều bình tĩnh tiếp tục tiếp cận B-52, vì địch đông mà chỉ có một chiếc máy bay ta, chúng sẽ khó phát hiện mà nếu có cũng không dám bắn vì sợ bắn vào nhau. Ở độ cao 11 nghìn mét, Vũ Xuân Thiều báo cáo về Sở chỉ huy: "Tôi đã phát hiện được mục tiêu. Xin phép công kích". Cả Sở chỉ huy hồi hộp hướng về phía loa, đợi tiếng Thiều hô "cháy rồi". Với bản lĩnh kiên cường, quả cảm, kỹ thuật bay giỏi, ai cũng tin tưởng Vũ Xuân Thiều sẽ lập công xuất sắc. Nhưng một phút, hai phút vẫn không nghe thấy tiếng Thiều, chỉ có tiếng sĩ quan dẫn đường liên tục gọi "có nghe thấy không" nhưng anh Thiều vẫn "bặt vô âm tín". Trên màn hình ra-đa, hai vệt sáng của MiG và B-52 chặp lại với nhau phát ra một chấm sáng to lạ thường, rồi tóe ra thành những chấm nhỏ rơi xuống. Vũ Xuân Thiều đã mãi hòa cùng bầu trời để ngăn chặn B-52 trước khi chúng kịp vào ném bom quê hương anh.

Ở ngôi trường mang tên Vũ Xuân Thiều ngày nay, bức tượng chân dung người phi công-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều, do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tặng được đặt ở một góc trang trọng, điều đó thể hiện sự biết ơn của thế hệ tiếp nối đối với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ Tổ quốc và cũng đồng thời giúp người anh hùng thực hiện một sứ mệnh mới là tiếp lửa truyền thống, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phấn đấu, thi đua học tập, rèn luyện tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững ■