Người Việt đón năm mới tại Ufa

NDO -

Chiều 2/1, theo kế hoạch đã định trước, tôi bay xuống Ufa, thủ phủ nước Cộng hoà Bashkortostan, ở miền trung Liên bang Nga, cách Moskva hơn 2 giờ bay. Đã mấy mùa Tết xa nhà, năm nay, nhóm phóng viên thường trú chúng tôi hẹn nhau từ sớm, chia làm mấy ngả đến các thành phố xa, hòa cùng bà con cộng đồng người Việt đón xuân trên đất bạn, cũng là tìm hiểu phong tục đón mừng năm mới của người dân “xứ sở Bạch Dương”.

Cháu Trần Hoàng Nam, con trai anh Trần Văn Thanh, biểu diễn văn nghệ cùng các bạn Nga hàng xóm trong đêm mừng năm mới. (Ảnh: QUẾ ANH)
Cháu Trần Hoàng Nam, con trai anh Trần Văn Thanh, biểu diễn văn nghệ cùng các bạn Nga hàng xóm trong đêm mừng năm mới. (Ảnh: QUẾ ANH)

Mùa đông năm nay tuyết rơi nhiều khác thường trên những nẻo đường Ufa. Đón tôi từ sân bay về nhà, thấy tôi thắc mắc hình như ở Ufa người ta không dọn tuyết giống như Moskva, chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương buôn bán hàng may mặc lâu năm tại Ufa nói: “Ôi tuyết rơi nhiều quá, lại vướng Tết, nên người ta không dọn kịp đó chị”.

Ở Nga, hễ mùa đông nhiều tuyết, ai nấy đều mừng vui vì chắc chắn mùa màng năm sau sẽ bội thu. Tuyết rơi ủ ấm những mầm cây, đợi xuân sang những miền đất trắng muốt sẽ xanh rì cây lá, rồi những cánh đồng sẽ trĩu trịt nặng hạt, rồi những hoa, những quả sẽ bạt ngàn.

Nhưng mùa màng bội thu có lẽ là câu chuyện tới đây. Còn ngay lúc này, mùa nào thời tiết điển hình đúng mùa ấy sẽ là thuận lợi nhất. Người nông dân Nga mừng. Bà con người Việt  sống ở Nga lâu năm, trong đó nhiều người làm nghề trồng rau, người bán buôn hàng may mặc, cũng sẽ mừng.

Chị Hương cho biết chỉ nghỉ ăn Tết 2 ngày thôi, từ ngày mùng 3/1, ai nấy lại ra chợ bán hàng. Bởi người dân Nga sẽ vẫn còn đi chợ Tết sắm sửa quần áo, mũ khăn. Chị nói: Năm nay rét, người dân họ sẽ còn đi mua thêm quần áo ấm để ăn Tết “Năm mới cũ” nữa! Khác với nhiều nước châu Âu, dân Nga vẫn giữ thói quen ăn Tết theo lịch cũ. Bởi thế, Tết “Năm mới cũ” vào đêm 13, rạng sáng 14/1 mới thật là Tết ở Nga. Cũng giống như ở nhiều nước châu Á vẫn quen ăn Tết ta vậy. 

Từ sân bay quốc tế Ufa, chạy xe hơn chục cây số, chúng tôi về tới nhà anh Trần Văn Thanh, người gốc Hà Nội. Một khu nhà vườn nằm bên rìa thành phố, với chung quanh khá sầm uất các biệt thự của người Nga, vốn là những người bản địa thành đạt. Lúc này trời cũng đã tối. Gần chục gia đình bà con người Việt đã quây quần chờ sẵn bên cối pháo hoa, chỉ đợi đoàn từ Moskva xuống là lập tức đốt pháo mừng năm mới. Tay bắt mặt mừng sau màn chào hỏi, trong ánh sáng pháo hoa diệu kỳ, trong mờ ảo khói pháo thơm mùi Tết, chúng tôi vào nhà, nâng ly chúc nhau sức khỏe.

Hai thành viên đón Tết bé nhất hôm ấy là bé Thỏ, mới gần 3 tuổi, con anh chị Quang-Hạnh (quê Đại Mỗ, Hà Nội), và bé Anhia vừa tròn 4 tuổi từ Moskva về Ufa đón Tết. Hai bé gái dễ thương chạy chơi quanh cành thông tươi thơm lừng, nhấp nháy ánh đèn. Chỗ kia mấy anh chị lớn hơn đang thì thào kể chuyện năm nay chọn thi trường đại học nào. Hai cậu bé Cún (Trần Hoàng Nam) và Bi, học lớp 4, đang “xì xồ” tớ tớ, cậu cậu bằng tiếng Nga. Các em nhỏ thế hệ người Việt thứ hai ở Nga có thể nói tiếng Nga cũng như là tiếng “mẹ đẻ” vậy.

Bên bàn tiệc, các ông bố nâng ly mừng sức khỏe, kể chuyện đầu tư cho con học ở đâu. Anh Liêm, chị Hà có cậu con trai lớn học chuyên ngành kinh tế tại Mỹ, còn anh út năm nay chuẩn bị thi đại học, cháu đang phấn đấu đỗ trường Kinh tế cao cấp (HSE)-trường đại học chuyên ngành kinh tế top đầu ở Moskva. Anh Thanh chủ nhà, thì vui mừng khoe con gái đầu lòng là cháu Trần Thiên Nga, mà các em nhỏ ở Ufa yêu mến gọi là chị Bống, tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg và đã đi làm được 2 năm nay. Anh Thanh còn bật mí: “Cháu Bống giờ tự lo được rồi, cháu đi làm đúng ngành nghề và được nhận mức lương tháng hơn 200.000 ruble” (khoảng 2.500 USD).

Bên bàn trà lá, hoa quả, các mẹ cũng đang quây quần, kể chuyện làm bánh trái, chia sẻ loại thuốc bổ, vitamin nào tốt. Câu chuyện xoay vần thế nào rồi cũng lại nói về những đứa con, về tương lai các cháu. Giống như gia đình anh chị Liêm-Hà, nhà chị Phạm Thị Khuyên cũng có 2 con trai học giỏi. Chị Khuyên cho biết cậu lớn đã tốt nghiệp kinh tế ở Mỹ và đã đi làm bên đó, còn con trai út năm nay sẽ thi HSE.

Buổi liên hoan mừng năm mới hôm đó ở nhà anh Thanh thật vui vẻ, đầm ấm. Các gia đình người Việt ở Ufa quả thật có nhiều niềm vui, 1 năm con cái ngoan ngoãn học giỏi, 1 năm dù đại dịch Covid-19, song cuộc sống, công việc đã ổn định. Bà con ta đã thích nghi các điều kiện “bình thường mới”.

Trong năm qua, là chủ doanh nghiệp sản xuất mỳ “Macron”, với sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân các vùng miền trung Nga, anh Thanh đã tích cực ủng hộ Dự án “Đồng lòng Việt Nam” của người Việt tại Nga, để mua vaccine ngừa Covid-19 gửi về trong nước. Đây là dự án lần đầu tiên thực hiện quyên góp trực tuyến, do Hội Người Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phát động, theo lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Dịp cuối năm, chị Khuyên và chị Hương còn được chọn là đại biểu của Ufa, lên Moskva dự buổi Gặp mặt kiều bào Việt Nam tại Liên bang Nga với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, diễn ra bên lề chuyến thăm chính thức. Tất cả những điều này quả là niềm vui, niềm tự hào của người Việt tại Ufa nói riêng, cũng là niềm tự hào chung của cả cộng đồng ta ở Liên bang Nga, 1 cộng đồng đoàn kết, chịu thương chịu khó và luôn hướng về Tổ quốc.