Sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo, cuộc sống của cả nhà Tiến rất vất vả. Bố mẹ sinh được bốn chị em nhưng cả ba chị gái đều không được đến trường. Duy nhất Tiến là con trai, lại là út cho nên được đi học. Giữa năm 2009, Tiến học hết cấp II rồi ở nhà phụ giúp gia đình vì không có điều kiện ra huyện tiếp tục học. Cậu học sinh nhỏ thó gầy ốm hơn nhiều so với tuổi 15 đã ý thức được cái đói, cái nghèo.
Trong lòng Tiến dâng đầy khát vọng phải làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống. Anh không nề hà việc gì, miễn là kiếm thêm được tiền để mua gạo, thực phẩm bổ sung cho bữa ăn hằng ngày.
Năm 2010, Tiến xây dựng gia đình, hai con lần lượt ra đời, bao khó khăn trong gia đình lại nhân lên. Thế nhưng cái khó không làm Tiến chùn bước, năm 2011, Tiến đăng ký học lớp y tế thôn bản. Năm 2016, Tiến nộp hồ sơ vào học bổ túc trung học phổ thông… Học xong, anh xin trở về thôn xây dựng kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội.
Con đường vào thôn Nặm Lịa cách đây hơn mười năm chỉ như là đường mòn đi bộ. Những ngày mưa lớn, đường trơn trượt làm cả thôn bị cô lập. Không chỉ thế, do được sáp nhập từ hai thôn khó khăn của xã Xuân La cho nên khoảng cách giữa các hộ trong thôn Nặm Lịa lại càng xa.
Cả thôn có 63 gia đình đều là hộ cận nghèo và hộ nghèo. Thu nhập chủ yếu của người dân từ trồng lúa, ngô, chăn nuôi gà, lợn… theo phương pháp tự cung, tự cấp, thỉnh thoảng mang đổi vài sản vật khai thác từ trên rừng lấy gạo, muối và một số đồ dùng sinh hoạt.
Năm 2012, Tiến được cử làm Trưởng ban công tác Mặt trận do yêu cầu của xã để tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Năm 2017, anh cán bộ y tế thôn bản 25 tuổi được người dân tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Nặm Lịa, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận.
Một trọng trách mới đặt trên vai chàng trai trẻ là, làm thế nào để vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa giúp được người dân trong thôn phát triển kinh tế. Cái khó không chỉ là về năng lực, điều kiện, phương tiện sản xuất, mà còn vì khi đó thôn Nặm Lịa không có cây trồng chủ lực. Diện tích trồng rừng sản xuất của người dân hầu như không có. Chăn nuôi lợn, gà chỉ để phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Anh Tiến cùng các đồng chí trong chi bộ vắt óc suy nghĩ và thống nhất: muốn phát triển kinh tế, đầu tiên phải có một con đường nối trung tâm xã đến thôn. Ngoài ra, đường trục chính của thôn nối đến các hộ gia đình phải được mở rộng hơn, dễ đi hơn.
Thời điểm đó, tỉnh Bắc Kạn tiến hành xây dựng nông thôn mới, bản thân anh Tiến và gia đình là những điển hình gương mẫu chấp hành các nội quy, hương ước của thôn và các phong trào đóng góp, xây dựng cơ sở vật chất. Qua đó, mỗi hộ dân đều học tập và làm theo cách làm của anh, cho nên mọi công việc đều được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân mà thôn Nặm Lịa đã làm được đường bê-tông liên thôn, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Tiến từng bước đưa một số mô hình sản xuất vào thử nghiệm. Năm 2021, anh Tiến nuôi lợn thí điểm với thức ăn chủ yếu là từ ngô và cây chuối đều do gia đình tự trồng. Năm 2022, anh mạnh dạn làm thêm mô hình nuôi lợn ăn cám, vừa tăng năng suất, vừa tốt về chất lượng.
Do chưa nắm chắc hiệu quả nên anh làm song song hai mô hình để so sánh hiệu quả trước khi phổ biến cho mọi người. Anh Tiến còn tìm hiểu và triển khai mô hình trồng cây gai xanh trên mảnh đất Nặm Lịa, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng hơn.
Gia đình anh luôn đi đầu, đồng thời vận động người dân tích cực sản xuất, thâm canh cây lúa hai vụ/năm, trồng ngô một vụ/năm và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vụ đông bằng các hoa màu khác như khoai, sắn, lạc...
Người dân thôn Nặm Lịa không còn lạ lẫm với hình ảnh anh cán bộ trẻ tuổi nhưng luôn nhiệt huyết đến từng hộ dân chỉ bảo, chia sẻ cách vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nâng cao chất lượng cuộc sống.