Người trụ cột trong gia đình

NDO - Trong xã hội hiện đại, khi những đòi hỏi về chất lượng sống ngày một cao hơn, khái niệm về vai trò của người chồng, người vợ trong gia đình, rằng "đàn ông xây nhà, đàn bà giữ lửa" xem ra có sự xáo trộn ít nhiều, tùy thuộc hoàn cảnh mỗi nhà. Và theo đó, việc gìn giữ hạnh phúc gia đình bền vững, cả hai cùng vun đắp để có được sự êm ấm trong mỗi nếp nhà ngày càng đứng trước những thách thức lớn.

'Mạnh vì gạo, bạo vì tiền?'

Chuyện kể rằng, có gia đình nhà nọ người chồng đi làm, người vợ ở nhà suốt cả ngày tất bật với nấu nướng, chợ búa, cơm nước, giặt giũ, đưa đón con lớn đến trường, chăm sóc con nhỏ tắm rửa, ăn uống... Mỗi ngày qua đi, khi người chồng trở về thì cũng là lúc mọi công việc của người vợ hoàn tất. Các con đã được mẹ chăm chút thơm tho, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Mấy mẹ con vui mừng đón bố về để cùng vào bữa tối nóng sốt đợi sẵn. Nhưng rồi, chị vợ rất mếch lòng vì mỗi lần chồng chị gặp sự không vừa ý liền quay sang vợ hỏi, giọng ghẻ lạnh: 'Cả ngày hôm nay cô đã làm gì?' Thế rồi một chiều, trở về nhà như thường lệ, người chồng ngạc nhiên đến tột độ khi thấy những đứa con của mình nhem nhuốc bẩn thỉu đang lê la trước cửa, bát đũa dơ từ bữa sáng vẫn còn nguyên trên bàn ăn. Ðồ chơi, quần áo của bọn trẻ vứt lăn lóc rải rác khắp nơi... Người chồng nháo nhác xuống bếp tìm vợ. Bếp thì lạnh tanh, bừa bãi... Thò đầu vào phòng ngủ, thấy vợ đang ngồi bên cửa sổ. Vừa thấy chồng, người vợ vẫn nở nụ cười như thường lệ: 'Anh mới đi làm về. Anh có mệt lắm không?'. Và chị kịp nói tiếp trước khi chồng chị hỏi: Anh à, ngày hôm nay em đã không làm gì !

Chỉ là câu chuyện hài hước nhưng ẩn sau tiếng cười là cả một mối quan tâm lớn. Trên thực tế, khoảng thời gian con thơ bận mọn, khi không có người chăm sóc, các gia đình trẻ thường chọn phương án tự phân công người làm, người nghỉ ở nhà chăm con. Thường thì người chồng kiếm tiền về nuôi gia đình, người vợ ở nhà tề gia nội trợ. Tuy không kiếm ra tiền nhưng trong bối cảnh này, người vợ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình. Những người vợ chịu nhường chồng, thường đứng sau những thành công của chồng và là người nhận phần thiệt thòi trong gia đình. Họ chịu sự lép vế, phụ thuộc vào chồng và họ chấp nhận điều đó. Hầu hết thì các gia đình đều nhanh chóng ổn định cuộc sống theo thời gian khôn lớn của con cái. Tuy nhiên, khi cơ hội nghề nghiệp khó khăn hơn đối với người phụ nữ để tái hòa nhập cuộc sống thì người chồng đã có cơ hội kiếm được nhiều tiền, bị sức hút đồng tiền chi phối, người thì sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, rằng mình là điểm tựa duy nhất cho vợ, người đối xử với vợ bất công, tự cho mình quyền phán xét, quyết định mọi việc, tệ hơn có người quay sang ruồng rẫy vợ con,... Trên thực tế, cũng có trường hợp người vợ quan niệm rằng, cứ lấy chồng là trao thân gửi phận cho chồng. Người vợ đứng ngoài mọi lo toan, để chồng tự phải một mình gánh vác, nai lưng kiếm tiền lo toan cuộc sống gia đình. Có gia đình thì người vợ kiếm được nhiều tiền, tự tung tự tác, quay ra coi thường chồng và gia đình nhà chồng, không thực hiện trách nhiệm bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình... Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn nhất định. Khi sự việc đã vượt quá ngưỡng, như giọt nước tràn ly, thì sự đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Trụ cột, hãy là chỗ dựa tinh thần

Xưa nay, người ta vẫn ngầm hiểu với nhau trong gia đình, ai kiếm được nhiều tiền hơn, người đó thường đóng vai trò trụ cột gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi nhà có cách ứng xử khác nhau với đồng tiền kiếm được. Nhiều cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, một mặt họ nỗ lực để thu xếp, gây dựng đời sống vật chất, vừa phải tìm kiếm cơ hội khẳng định mình trong lĩnh vực nghề nghiệp, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những gia đình này càng cần hơn cả sự chung lưng đấu cật để ổn định cuộc sống. Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết dọn đến nhà mới ở khu chung cư Linh Ðàm (Hà Nội) được hơn hai năm nay. Vợ chồng họ được nhóm bạn chơi nhiều năm bầu chọn gia đình hạnh phúc. Anh chị vốn đều ở tỉnh lẻ về Hà Nội học tập và sinh sống. Lấy nhau từ hai bàn tay trắng, họ mất sáu năm sống cảnh thuê nhà, trung bình mỗi năm chuyển nhà một lần... Khi đã có với nhau đủ hai mặt con cả nếp cả tẻ, họ mới đủ tiền mua căn hộ đang ở hiện nay. Anh Lê Ðình Huyên, chồng chị Tuyết cho biết: Vợ chồng tôi sau khi kết hôn là ở riêng. Vợ chồng trẻ nên cũng dễ thông cảm. Vợ tôi vốn là gái nông thôn, bản chất cô ấy biết vun vén, thương chồng thương con nên tôi cũng chẳng có cớ gì đối xử tệ cả. Chúng tôi cùng gánh vác nỗi lo toan, cùng chung tay lo lắng việc gia đình, nuôi dạy con cái. Cũng có lúc cô ấy bận bịu sinh nở, ở nhà không kiếm ra tiền, đồng ốm đồng đau, đồng cười đồng khóc, cả nhà trông chờ vào đồng lương của tôi, khó khăn chồng chất, rồi vợ chồng cũng nương tựa vào nhau mà sống thôi. Giờ thì tạm ổn...'.

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ được trang bị kiến thức nhiều hơn trước hôn nhân. Chính vì thế, trước khi đóng vai trò tề gia nội trợ, có thể họ đã là người phụ nữ rất thành đạt trong sự nghiệp. Họ có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn nam giới. Và có thể, vai trò người trụ cột có thể chuyển giao trong gia đình một cách linh hoạt, tự nguyện. Thông thường, người phụ nữ tự nguyện đảm nhận vai trò người trụ cột khi cảm giác rằng tổ ấm của mình không bị đe dọa.

Chị Thúy Ngọc vốn làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội. Thu nhập hiện nay của chị hơn nghìn đô một tháng. Chồng chị vốn là giảng viên đại học, anh lại hợp cách sống tĩnh, anh thích hoạt động nghiên cứu hơn là hoạt động sôi nổi đi lại nay đây mai đó như vợ. Mặc dù làm ra được nhiều tiền hơn chồng, nhưng mỗi chuyến công tác ngắn ngày hay dài ngày trở về, chị lại gạt bỏ công việc để chuẩn bị cho chồng con những bữa ăn hợp khẩu vị với cả nhà. Chồng chị dù thu nhập kém hơn chị nhiều lần nhưng vai trò người trụ cột vẫn được chính chị và các con định vị là người bố. 'Các con tôi cũng thế thôi. Sau này, các cháu có thể kiếm tiền bằng năm bằng mười lần bố mẹ, nhưng vai trò người cầm chịch ở nhà tôi vẫn là người chồng, người bố trong gia đình. Bởi tôi thấy ở chồng sự điềm đạm, sự gương mẫu cần thiết để nuôi dạy các con. Ðơn cử mỗi lần anh em chúng cãi cọ, tranh luận chuyện gì, có thể mẹ giàn hòa mãi không xong, nhưng chỉ thoáng thấy bóng bố đã đâu vào đấy rồi...

Vai trò của người trụ cột trong gia đình, tùy theo quan niệm mỗi người và cách định vị cũng mỗi nhà một khác, và đều là nơi để các thành viên còn lại trong gia đình trông vào, nương tựa khi cần. Và khi gánh vác vai trò là người trụ cột, theo nghĩa vật chất hay tinh thần, xem ra đều quan trọng như nhau...