Người trẻ làm kịch cho thiếu nhi

Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thêm một sân khấu kịch thiếu nhi với gần 90% số nhân sự, diễn viên dưới 40 tuổi. Đó là Sân khấu Ban Mai ở Quận 10 do đạo diễn, diễn viên Bảo Chu cùng cộng sự vừa cho ra mắt từ cuối tháng 1/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Rago-Hành trình đầu tiên” của Sân khấu Ban Mai.
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Rago-Hành trình đầu tiên” của Sân khấu Ban Mai.

“RAGO-Hành trình đầu tiên”, vở kịch khởi đầu cho chuỗi hoạt động nghệ thuật phục vụ thiếu nhi của Sân khấu Ban Mai vừa hoàn thành các suất diễn mùa Tết với số lượng vé bán ra vượt mức mong đợi.

Mỗi suất diễn, sân khấu luôn được lấp đầy, khán giả “nhí” và gia đình đều hào hứng với phần thể hiện sinh động, hài hước và độc đáo của khoảng 70 nghệ sĩ, diễn viên.

Trong tháng 3 này, sân khấu sẽ phục vụ thêm tám suất diễn vào dịp cuối tuần. Chọn hình thức kịch tạp kỹ với rất nhiều chuyển động hình thể, ca hát, xiếc, múa kết hợp với kỹ xảo, âm nhạc sôi động, trong gần hai giờ đồng hồ, các nghệ sĩ, diễn viên đã mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị.

Không chỉ giữ vai trò đạo diễn, Bảo Chu còn cùng Trang Tẽn thực hiện phần kịch bản cho “Rago-Hành trình đầu tiên”. Biết cách xin lỗi và cảm ơn là thông điệp chính mà vở kịch này muốn gửi gắm đến khán giả “nhí”.

Từ một cậu bé rồng thông minh, lém lỉnh nhưng quá tự tin, luôn cho mình là giỏi nhất, trải qua một hành trình dài với rất nhiều thử thách, nhân vật chính của vở kịch-Rago đã nhận ra nhiều điều đáng quý trong cuộc sống.

Cậu dần trở nên khiêm tốn, lễ phép hơn và biết cách quan tâm, chia sẻ tình thương yêu đến mọi người. Vở kịch đang tạo được hiệu ứng tốt do có sự đầu tư chỉn chu trong các khâu cùng phần thể hiện sáng tạo, độc đáo.

“Thật sự trước khi vở diễn bắt đầu, gia đình tôi không nghĩ mọi thứ lại mãn nhãn đến vậy. Trong gần hai giờ đồng hồ, tôi và các con không thể rời mắt khỏi sân khấu vì cái gì cũng đẹp, hấp dẫn. Lời thoại dí dỏm, nội dung dễ hiểu và ý nghĩa, phục trang của các nhân vật đều ấn tượng và bắt mắt, sân khấu thì hoành tráng, âm nhạc cũng vậy, rất cuốn hút”, chị Nguyễn Thị Hồng, một khán giả đến từ quận Bình Thạnh vui vẻ cho hay.

Thế nhưng, điểm đặc biệt khiến nhiều người bất ngờ khi đến với Sân khấu Ban Mai không nằm ở mức độ hoành tráng mà chính là sự trẻ trung của đội ngũ nơi đây.

Đạo diễn Bảo Chu, Giám đốc Sân khấu Ban Mai cho biết, vở “Rago-Hành trình đầu tiên” có khoảng 70 nghệ sĩ, diễn viên thì chỉ có tám người hơn 40 tuổi, còn lại đều dưới 30 tuổi.

Bên cạnh đó, toàn bộ đội ngũ vận hành sân khấu đều là người trẻ. Vở kịch còn tạo nhiều đất diễn cho sinh viên đang theo học ngành nghệ thuật và các diễn viên “nhí” đam mê diễn xuất.

Ở sân khấu này, thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đi trước sẽ dìu dắt, nâng đỡ người mới vào nghề và tin tưởng trao cơ hội để bạn trẻ thể hiện đam mê, bản lĩnh.

“Khi đưa bạn trẻ vào tham gia diễn xuất ở các vở kịch lớn, tập trung nhiều nghệ sĩ, diễn viên như thế này, phần việc và áp lực của người đạo diễn, người đồng hành sẽ tăng gấp nhiều lần. Thế nhưng, tôi chấp nhận vì muốn mở ra thật nhiều cơ hội để bạn trẻ yêu nghệ thuật, có tiềm năng thật sự vững tin bước vào nghề. Học về lĩnh vực này, được đứng trên sân khấu là ước mơ của rất nhiều diễn viên trẻ. Ngày xưa tôi cũng vậy, nên khi có điều kiện, tôi sẽ dành sự quan tâm, hỗ trợ cho thế hệ sau mình. Chỉ cần các bạn yêu nghề, chịu khó lắng nghe, học hỏi mỗi ngày, rồi khán giả sẽ công nhận tài năng và yêu thích họ”, đạo diễn Bảo Chu chia sẻ.

Khi biết người đảm nhận vai chính của vở kịch “Rago-Hành trình đầu tiên” là Lê Hiếu - một diễn viên trẻ vừa mới tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh được hai năm và chưa một lần thử sức với kịch thiếu nhi, ai cũng thắc mắc tại sao đạo diễn Bảo Chu liều lĩnh đến vậy.

Thế nhưng, ngay cả khi nam diễn viên trẻ chưa dám nhận lời vì cảm thấy áp lực, đạo diễn Bảo Chu vẫn tìm đủ cách thuyết phục. Anh muốn tạo mầu sắc riêng cho sân khấu, muốn diễn viên trẻ đủ bản lĩnh vượt qua thử thách của nghề và tỏa sáng.

Thời gian đầu nhận vai chú rồng Rago, thật sự, diễn viên Lê Hiếu cũng cảm thấy lo lắng. Cuối cùng, lòng yêu nghề, sự kiên trì, thái độ lắng nghe và sửa đổi mỗi ngày đã giúp anh có vai diễn rất ấn tượng.

Sau suất diễn đầu tiên, nghe nhận xét của đạo diễn, Lê Hiếu khá buồn vì cảm thấy bản thân chưa thể hiện tốt như mong muốn.

Ghi nhớ từng lời góp ý và tập luyện liên tục, kể từ đó, trước mỗi suất diễn, Lê Hiếu luôn đến rất sớm để tự tập thoại và hình thể rồi nhờ các cô chú, anh chị nghệ sĩ, diễn viên trong sân khấu đánh giá xem cần bổ sung cái gì, thay đổi chỗ nào.

Lê Hiếu dặn lòng: Suất sau phải diễn hay hơn, cuốn hút hơn suất trước và chịu khó quan sát, học hỏi người đi trước. Diễn kịch cho thiếu nhi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và cả thể lực vì không chỉ thoại hay, người diễn viên phải biết hát, nhảy, tập võ, múa… làm đủ cách để thu hút sự quan tâm của khán giả “nhí”.

“Khi vở diễn kết thúc, các em nhỏ cùng phụ huynh chạy lên sân khấu giao lưu, chụp hình kỷ niệm với nhân vật mà họ yêu thích, lúc đó, tôi rất hạnh phúc vì cảm nhận rõ tình cảm khán giả dành cho từng nghệ sĩ, diễn viên. Lần đầu thử sức với kịch thiếu nhi, điều tôi may mắn nhận được chính là sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình của các cô chú, anh chị nghệ sĩ đi trước. Không có sự phân biệt người nổi tiếng, người mới, ở sân khấu này mọi người trân trọng và sẵn lòng giúp đỡ để những diễn viên trẻ như tôi tiến bộ hơn mỗi ngày”, Lê Hiếu xúc động cho hay.