Là thương binh, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thân quyết tâm theo cách mạng giải phóng quê hương, anh Thượng vẫn tiếp tục ở lại đơn vị chiến đấu. Từ năm 1972 đến 1974, anh được phân công làm xã đội phó. Năm 1974 đến 1975, anh được phân công về làm trung đội trưởng Tiểu đoàn 3 Quyết Thắng.
Trong kháng chiến, anh là người thương binh luôn cùng đồng đội bám trụ kiên cường, lập nhiều chiến công: Tham gia đánh chiếm sáu đồn giặc cùng nhiều trận đánh khác, bắn bị thương và tiêu diệt gần 30 binh sĩ địch, tịch thu 16 súng trường, một súng cối và nhiều đạn dược…
Hòa bình, vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, sức khỏe bị hạn chế, năm 1976 anh phải xin về công tác tại quê nhà, với các nhiệm vụ: Trưởng ban nông nghiệp ấp, Trưởng Ban nhân dân ấp, Hội trưởng Hội nông dân ấp…Không chỉ góp sức xây dựng địa phương, anh thương binh (hạng 4/4) Nguyễn Văn Thượng còn gương mẫu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và là một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi.
Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, khi trở về quê tài sản của gia đình chỉ có 1,5 nghìn mét vuông đất vườn và hai nghìn mét vuông đất ruộng do Nhà nước cấp, nhưng anh thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh đã vươn lên bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Là cán bộ ấp, anh vừa vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phá bỏ vườn tạp trồng cây cho giá trị kinh tế cao, bản thân anh cũng tiên phong thực hiện. Tuy thương tật nhưng anh vẫn cần cù lao động khai phá vườn ruộng hoang trồng cam sành. Sau bốn năm vườn cam đã cho gia đình anh nguồn thu 70 triệu đồng/ vụ.
Từ nguồn vốn có được này, anh tiếp tục đầu tư mua thêm 4.000 mét vuông đất vườn trồng cam sành và 1,4 ha đất ruộng sản xuất lúa. Anh còn tận dụng mặt nước ao, mặt đất vườn phát triển chăn nuôi đàn heo, thả cá các loại…Từ năm 2002 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập từ một trăm đến một trăm hai mươi triệu đồng. Từ đó, anh cất được nhà khang trang, mua sắm được phương tiện nghe, nhìn, nuôi ba con ăn học, nay cả ba đều trưởng thành, có việc làm ổn định.
Tuy vất vả lao động chăm lo gia đình, nhưng anh còn luôn tích cực tham gia thực hiện công tác được giao; sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất với bà con địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, động viên, giáo dục người thân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoàn thành nghĩa vụ công dân. Anh có mười năm làm Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh trường Phổ thông trung học cơ sở xã Phú Lộc, anh luôn phối hợp cùng Ban giám hiệu và phụ huynh học sinh chăm lo tốt việc học và hành cho các em nên đã góp phần giúp học sinh trường đạt kết quả học tập tốt.
Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, với những nỗ lực nói trên, thời gian qua anh Nguyễn Văn Thượng còn được tặng thưởng hai Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích sản xuất giỏi; 12 giấy khen của cấp Hội vì thành tích tham gia tích cực các phong trào, được tuyên dương Nông dân sản xuất giỏi, Thương binh kiểu mẫu và gia đình anh là Gia đình Văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Anh là một trong năm cá nhân tiêu biểu được tỉnh Vĩnh Long chọn tham dự họp mặt Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012.
Không tự mãn với những gì đã đạt được, anh Nguyễn Văn Thượng còn cho biết thời gian tới, “với điều kiện và sức khỏe cho phép tôi sẽ tích cực ra sức chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đồng thời sẽ dành nhiều thời gian góp phần cùng địa phương tham gia công tác xã hội, để xứng đáng truyền thống “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Nhìn anh thương binh chân chất, có làn da rám nắng, nhìn mảnh vườn xanh ươm của gia đình anh, chúng tôi hiểu hơn, để có được kết quả như ngày nay, anh Nguyễn Văn Thượng đã phải trải qua bao ngày tháng lao động đầy vất vả, trong đó cả cả tấm lòng và ý chí của người lính Cụ Hồ, của người thương binh đã được trui rèn qua khói lửa chiến tranh, khó khăn nào cũng vượt qua và bằng những gì có thể để đóng góp sức mình xây dựng quê hương.