Không chỉ các thầy giáo, cô giáo mà rất nhiều thế hệ học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều dành tình cảm trân trọng, cảm mến mỗi khi nhắc đến người thầy tận tâm trong công việc, Phó hiệu trưởng Đào Văn Phước. Thầy Phước tâm sự: "Mình là người dân tộc Chơ Ro cho nên rất thương các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo. Cũng chính vì đói nghèo mà các em không được đến trường. Rồi vì không được đến trường cho nên chẳng thể nào thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã đeo bám biết bao thế hệ đồng bào DTTS ở nơi đây". Thầy Phước kể: "Mình về trường từ những ngày đầu thành lập. Khó khăn bộn bề nhưng bọn mình vẫn không quản vất vả, tìm đến tận nhà học sinh để vận động các em đến lớp. Không ít em từ chối luôn: "vì học tiếng Việt khó lắm, nói tiếng Chơ Ro là được rồi". Có em đồng ý tới trường nhưng ba mẹ lại không cho đi. Nhiều lúc cũng nản nhưng rồi ngẫm nghĩ, nếu không vận động các em đi học thì cuộc sống của các em sau này sẽ ra sao? Mình là người đi trước nên phải có trách nhiệm. Đấy chính là nguồn động lực để tập thể giáo viên trong trường quyết tâm không để các em thất học".
Thầy Phước cho biết thêm, việc học tiếng Việt của học sinh DTTS nói chung và học sinh người Chơ Ro nói riêng khó khăn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Việc biên soạn một cuốn từ điển Việt - Chơ Ro là hết sức cần thiết, cả trong học tập và sinh hoạt của người Chơ Ro sau này. Trước đây, đã có giai đoạn học sinh Chơ Ro được học tiếng của dân tộc mình. Nhưng do chiến tranh, tiếng Chơ Ro sau nhiều năm bị mai một đi nhiều, cho nên cần được khôi phục lại.
Nói là làm. Cứ thời gian rảnh rỗi là thầy Phước lại tìm đến với những người cao tuổi, những người có uy tín trong cộng đồng để chắp nhặt, tìm tòi những từ cổ. Rồi sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, nơi có đông đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống, vận động người dân cùng tham gia sưu tầm, khôi phục lại chữ viết Chơ Ro. Rất nhiều cuộc họp với các già làng, trưởng bản người Chơ Ro được tổ chức để lấy ý kiến. Và cuối cùng, Bộ từ điển Việt - Chơ Ro mà thầy Phước là một trong những thành viên biên soạn chính thức ra đời. Thầy Phước chia sẻ: "Từ điển giúp người Chơ Ro bảo tồn và phát triển tiếng Chơ Ro trong cộng đồng thông qua việc dạy... hát". Vậy là, rất nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước lại được thầy "dịch" sang tiếng Chơ Ro và nhanh chóng được phổ biến trong nhiều hội diễn và trong các dịp sinh hoạt chung của đồng bào.
Thầy Phước tâm sự: "Mình nặng lòng tiếng Chơ Ro vì đấy là tiếng của đồng bào dân tộc mình. Những lớp học trò Chơ Ro đã và sẽ trưởng thành, thấm nhuần những lời ca về cội nguồn dân tộc, trở thành những công dân tốt trong xã hội".