Năm 2016, Huyện ủy và UBND huyện Định Hóa ban hành chương trình trồng quế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, qua đó giúp diện tích quế ở địa phương phát triển mạnh. Hiện toàn huyện đã trồng được hơn 2.600 ha quế. Mỗi năm, huyện trích ngân sách khoảng hai tỷ đồng hỗ trợ tiền cây giống, công trồng và chăm sóc. Lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.
Giá bán vỏ quế tươi hiện tại là 25 nghìn đồng/kg, cành và lá tươi bán với giá 1.500 đồng/kg, thân cây quế làm gỗ bán với giá hơn hai triệu đồng/m3, tổng cộng mỗi héc-ta quế cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng.
Xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, có 88 hộ đồng bào Dao. Người dân được huyện hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kiểm lâm huyện tổ chức hướng dẫn trồng đúng thời vụ, đúng kỹ thuật cho nên đến nay toàn bộ 70 ha quế phát triển tốt. Những đồi quế ở xóm Đồng Đình phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, lá dày, xanh mướt, cây vươn cao, sau bốn đến 5 năm khép tán và tỷ lệ tinh dầu cao nên bắt đầu cho thu nhập.
Năm 2016, gia đình anh Lý Ngọc Đình bắt đầu trồng 2 ha quế, sau đó mỗi năm trồng khoảng 2 ha, đến nay có khoảng 15 ha quế. Vừa qua, anh Đình tỉa cành, lá 2 ha quế trồng đầu tiên, bán được 65 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Triệu Thanh Bình cũng ở xóm Đồng Đình đến nay đã trồng được 7 ha quế với mật độ năm nghìn cây/ha, đến năm thứ tư ông Bình bắt đầu tỉa cành và lá quế tươi bán cho cơ sở chiết xuất tinh dầu với giá 1.500 đồng/kg, mỗi héc-ta thu được gần 30 triệu đồng.
Ông Bình chia sẻ: “Rừng quế năm thứ bảy, thứ tám là tiến hành tỉa thưa, cành và lá bán như bình thường, vỏ quế tươi bán với giá từ 24 đến 25 nghìn đồng/kg, thân cây bán với giá hơn hai triệu đồng/m3. Với chu kỳ từ 15 năm, mật độ khoảng 1.300 cây/ha, mỗi héc-ta quế cho thu nhập gần hai tỷ đồng”.
Để bảo đảm đầu ra cho người trồng quế, những năm qua, Công ty TNHH Vũ Hoa cho nông dân ứng tiền mua giống, phân bón trồng quế và thu mua quế với giá tăng sau mỗi năm. Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Kim Phượng Nông Tuấn Lực cho biết: “Thực hiện chương trình trồng quế, đồng bào Tày, Dao trong xã trồng được khoảng 150 ha, đến nay người dân bắt đầu có thu nhập khá cao từ tỉa cành, lá để chiết xuất tinh dầu…”.
Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực thực hiện chương trình trồng quế đến năm 2025 và thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu tại địa phương để bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân”.