Người sinh đúng Ngày giải phóng Thủ đô

Có một cậu bé sinh đúng trưa ngày 10-10-1954 ở một nhà hộ sinh ven sông Hồng, sau này là Trung tướng, GS, TS Nguyễn Tiến Bình. Lúc đó bố cậu, ông Ty "cốp", một thợ điện lừng danh đang cùng tự vệ và công nhân Nhà Đèn Bờ Hồ túc trực ngày đêm để bảo vệ tài sản, máy móc khỏi sự phá hoại của thực dân, chờ quân ta tiếp quản.

Vô đề - Tranh sơn dầu của NGUYỄN TIẾN BÌNH.
Vô đề - Tranh sơn dầu của NGUYỄN TIẾN BÌNH.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình tiêu biểu cho sự phấn đấu của thế hệ Thủ đô giải phóng, cho sự chăm sóc của chế độ đối với sự phát triển toàn diện của con người. Năm lớp 3, Bình đã là học sinh giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ, được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ, bác sĩ quân y, anh đã cứu chữa nhiều thương binh trên các chiến trường, không ngừng phấn đấu, xây dựng ngành, trở thành chuyên gia đầu ngành của ngành chấn thương chỉnh hình. Thấm nhuần những lời dạy và tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, anh từng đoạt giải nhất toàn quân, giải nhì toàn quốc trong Cuộc thi tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh. Là Giám đốc Học viện Quân y, anh đã kế thừa những người đi trước, đưa đơn vị phát triển lên một tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Giữa bộn bề công việc, hễ có thời gian anh lại đến với nghệ thuật, niềm say mê từ thuở thiếu thời. Anh từng xuất bản thơ, đoạt giải ba Báo Văn nghệ về truyện ngắn... Nhân 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10, anh đã tổ chức triển lãm tranh "Chuỗi ký ức". Tranh của Trung tướng, GS, TS Nguyễn Tiến Bình được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ triển lãm này, anh đã hiến toàn bộ tiền thu được để đóng góp vào Quỹ Khích lệ học viên giỏi của Học viện Quân y. Anh tâm sự: Nhiều học viên có cuộc sống khó khăn, nhiều em thật sự có tài, sẽ là những nhà khoa học lớn trong tương lai. Đây là động lực, mặc dù không lớn nhưng có tác dụng khích lệ các em, giúp các em vượt qua khó khăn để học tập tốt. Có một câu nói mà tôi rất thích, thường xuyên nhắc nhở, căn dặn các sinh viên là: Trên con đường thành công, không có dấu chân của những kẻ lười biếng!