Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1925, tại xóm thợ Trường Thi, Vinh (Nghệ An) (quê gốc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Bố mẹ ông đều là công nhân xe lửa thuộc xóm thợ này.
Mở đầu cho hàng loạt ca khúc viết về người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp âm nhạc Nguyễn Văn Tý là bài hát Dư âm nổi tiếng. Hình tượng âm nhạc cùng những giai điệu mềm mại, thiết tha cộng với hình ảnh gợi lên trong các điệp khúc của ca từ một người thiếu nữ nhẹ nhàng, duyên dáng, lãng mạn.
Theo bước thời gian, theo nhịp bước của cách mạng và đời sống, hình tượng người phụ nữ luôn xuất hiện với những vẻ đẹp khác nhau, phong phú và đa dạng trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Tình cảm thiêng liêng của mẹ luôn là nguồn cảm xúc để nhạc sĩ khai thác. Ca khúc Mẹ yêu con, ra đời năm 1956. Với giọng C trưởng, viết ở dạng hai đoạn đơn, một thời với giọng hát của NSƯT Thanh Huyền đã làm thổn thức cho bao thế hệ.
Sau này NSND Thu Hiền, cố NSND Lê Dung... đã từng thể hiện rất thành công ca khúc này. Thời gian qua đi, nhưng mỗi lần nghe ta lại cảm thấy bùi ngùi, xao xuyến ngỡ như trong vòng tay âu yếm của mẹ... "à á ru hời ơ hời ru...". Công lao dưỡng dục, sinh thành của mẹ với đứa con yêu được nhạc sĩ thể hiện qua những âm hưởng nặng chất dân ca đã khái quát hóa, nghe như nỗi niềm của mẹ hằng mong mỏi cho con lớn lên từng phút, từng giờ... "Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng... Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm..." và là niềm hy vọng cho đến khi con trưởng thành... "Mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm..."
Tâm trạng của mỗi người mẹ trên mỗi bước đường con lớn lên cũng là sự gửi gắm, niềm hy vọng của những người mẹ với thế hệ trẻ của đất nước. Khép lại ca khúc lại là câu "à á ru hời ới hời ru" khẳng định dẫu thời gian có qua đi, dẫu vật đổi sao dời nhưng tấm lòng của người mẹ vẫn luôn hướng về những đứa con yêu.
Người mẹ trong Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa một thời với giọng hát Quý Dương đã làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và thế hệ thanh niên thời đó cũng như bây giờ. Hình bóng mẹ ta, bà mẹ đã sinh thành ra ta lồng với hình bóng cao cả của bà mẹ Tổ quốc. Ở đâu mẹ cũng cùng ta chia sẻ, nâng giấc cho ta, chăm sóc cho từng đứa con của người từ nắm cơm đến mảnh áo mẹ vá đêm đêm với cả tình yêu thương không bờ bến của mẹ...
"Các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ..." Bài hát ra đời năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn nhiều gian khổ, hình ảnh các bà mẹ tiễn con bằng những tấm áo với tất cả tấm lòng mẹ đã gửi gắm vào đường kim, miếng vá trong những đêm trắng để chuẩn bị cho ngày mai các con của mẹ đi vào chiến trận. Và với tấm áo ấy, con đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, đã sưởi ấm lòng con khi ở chiến trường khốc liệt, nơi ranh giới giữa cái sống, cái chết rất mong manh. Tấm áo của mẹ là quê hương, là đất nước, là nguồn động viên vô tận của chúng con trên mọi nẻo đường, luôn giữ trong con chí khí Bộ đội Cụ Hồ, trong gian nguy cũng không lùi bước.
Với giọng đô thứ (C moll), chất liệu dân ca quan họ, và đặc biệt ông đã dùng chất ngâm vịnh của làn điệu lới lơ, cụ thể là ngâm sổng trong làn điệu chèo làm câu mở đầu và cũng là âm hưởng chính của cả bài.
Thí dụ trong vở Tấm Cám là "Nhớ em ban sớm, giặt áo bên hồ..." thì trong ca khúc:
"Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc...", giữa hai nét nhạc chỉ thay đổi âm sắc của ca từ.
Ðoạn II, chuyển sang điệu tính trưởng, giữ nguyên âm hưởng nhưng giai điệu rất đằm thắm, không đối lập mà phát triển trong một chủ đề: "Lạ kỳ thay con đi như thế... nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương". Một lần nữa đã khẳng định được niềm tự hào, sự hy sinh của người mẹ Hà Bắc nói riêng và những bà mẹ Việt Nam nói chung là hình ảnh bất diệt trong trái tim của hàng triệu triệu người con ra trận.
Trong ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của ông lại mang đậm đặc phong vị xứ Nghệ với âm hưởng của ví dặm. Bài hát được sáng tác năm 1976, khi cả nước đang bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau ngày thống nhất. Người phụ nữ ở đây đã toát lên được tinh thần lạc quan yêu đời, mặc dù sau chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng họ vẫn nhìn vào một tương lai đầy hy vọng.
Với tình cảm mộc mạc, chân quê của con người xứ Nghệ, tình yêu cá nhân được nâng lên ngang với tình yêu quê hương đất nước, gắn liền lao động sản xuất. "Tay anh phá đá, tay em đào sỏi, ngồi trong xe ủi, anh nhớ những ngày hè. Chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá..." Và đặc biệt câu "nay da em nâu tươi màu suy nghĩ...", ca từ độc đáo, gây ấn tượng.
Một cô gái thôn quê với những ước mơ cháy bỏng của "mộng ngày thi" nhưng vì tương lai đất nước, họ rất tự hào, rất lạc quan với những hy sinh mất mát mà họ đã trải qua vì mảnh đất cằn đang đòi nước ngọt mà họ tạm gác ước mơ riêng về một tương lai chung tươi sáng hơn: "Ta đi trong nắng, trong mưa đời bận rộn...".
Nếu trong Dư âm là người thiếu nữ nhẹ nhàng, lãng mạn thì Dáng đứng Bến Tre lại là người con gái anh hùng của quê hương Ðồng Khởi. Ca khúc được viết theo giọng Mi trưởng (Edus), âm hưởng của dân ca Nam Bộ nhưng mang hơi thở thời đại.
Vô cùng nữ tính nhưng rất gan dạ, kiên cường mới là con gái Bến Tre: "năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ tràn về... Nhớ tóc ai dài, còn mang dáng đứng Bến Tre... chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã làm cho ta rung động trước hình ảnh cô gái thoắt ẩn, thoắt hiện giữa quá khứ và tương lai, giữa thực tại và liên tưởng đã làm nên Dáng đứng Bến Tre.
Người phụ nữ trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng hết sức đa dạng, phong phú qua các ngành nghề, các địa phương và cả quốc tế. Từ Người chăn nuôi giỏi đến Em đi làm tín dụng, rồi Cô nuôi dạy trẻ, Tiễn anh lên đường và Tiếng hát Dôi-a, nữ du kích anh hùng của Liên Xô cũ... tất cả đều toát lên được sự dung dị, một lòng chung thủy, sẵn sàng hy sinh hết thảy cho Tổ quốc.