Người phụ nữ góp phần phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên

NDO -

NDĐT - Ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ai cũng biết Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng Nguyễn Thị Hải là người tâm huyết với việc nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu chè La Bằng nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm và làm giàu cho nhân dân địa phương.

Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải (bên phải) giới thiệu quy trình sản xuất chè sạch.
Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải (bên phải) giới thiệu quy trình sản xuất chè sạch.

Dưới sườn đông dẫy núi Ta Đảo được thiên nhiên ưu đãi cho cây chè phát triển, hương vị đặc trưng, cách đây hơn mười năm, vào năm 2006, chị Hải vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng, là một trong những HTX, mô hình liên kết sản xuất kiểu mới đầu tiên ở huyện Đại Từ. Đến nay, HTX chè La Bằng có 12 xã viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng.

Là người đứng đầu HTX, chị Hải tiên phong ứng dụng và phổ biến, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ chè cho xã viên và Câu lạc bộ chè hữu cơ của xã. Chị Hải chia sẻ, HTX chè La Bằng là mô hình sản xuất chè theo chuỗi, đồng nhất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói nên chất lượng được nâng cao, chè sạch, hương vị đặc trưng, được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng.

Với hơn 10 ha chè, HTX chè La Bằng có điều kiện sản xuất theo chuỗi, từ trồng, chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ. Với số vốn điều lệ của mình do các xã viên đóng góp, Ban quản trị HTX quản lý, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho xã viên, đồng thời tiêu thụ chè tươi, chè thành phẩm cho xã viên. Do đó, ai cũng thấy lợi ích do HTX mang lại nên gắn kết chặt chẽ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ Hoàng Văn Thành cho biết: “Qua theo dõi, chúng tôi thấy các thành viên HTX chè La Bằng thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, chế biến, đặc biệt là thực hiện nghiêm ngặt việc không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên chè do HTX chè La Bằng sản xuất là chè sạch”.

“Mỗi năm, Chi cục quản lý chất lượng nông-lâm-thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên lấy mẫu chè do HTX chè La Bằng sản xuất ba lần, kiểm tra sổ nhật ký chăm sóc và đều chứng nhận vượt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, Chè La Bằng không thua kém thương hiệu chè Tân Cương ở TP Thái Nguyên”, ông Thành cho biết thêm.

Chè La Bằng có màu xanh mật ong, vị đậm, hương vị khác biệt, ngọt hậu, sạch nên năm 2017 được chọn làm quà tặng cho các đại biểu cấp cao dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương( APEC) tại Đà Nẵng.

Là người đứng đầu HTX chè La Bằng, chị Hải không những góp phần nâng cao chất lượng chè La Bằng mà còn tích cực quảng bá chè ra thị trường bằng cách đưa sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước, quảng bá, tiêu thụ chè La Bằng trên mạng internet, facebook... Do vậy, người tiêu dùng nhiều nơi biết đến, tín nhiệm, chè sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. HTX chè La Bằng đang xây dựng nhà giới thiệu quy trình chế biến và trưng bày sản phẩm chè.

Năm 2018, HTX chè La Bằng tiêu thụ hơn mười tấn chè thành phẩm, một héc-ta chè mang lại giá trị 200 triệu đồng cho xã viên. Năm 2019, ngoài việc thu mua, tiêu thụ chè cho các xã viên, HTX chè La Bằng có kế hoạch thu mua chè của 20 hội viên Câu lạc bộ chè hữu cơ của phụ nữ xã La Bằng.

Đến xóm Rừng Vần, thấy những nương chè của HTX chè La Bằng được quy hoạch, hàng lối ngay ngắn, đẹp mắt nên thời gian gần đây bắt đầu thu hút khách du lịch cảnh quan, sinh thái. Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải tâm sự: Mặc dù không thu khoản nào từ khách du lịch, nhưng các thành viên HTX tạo mọi điều kiện thuận lợi, giới thiệu quy trình chăm sóc, chế biến chè cho khách du lịch. Điều thu được thông qua hoạt động du lịch là góp phần quảng bá chè, khi về, du khách mua chè về dùng và làm quà biếu, góp phần đưa thương hiệu chè La Bằng nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung vươn xa.