Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, người dân tộc Mường ở khắp các bản làng của tỉnh Hòa Bình lại rộn ràng đón Tết Độc lập. Từ những vùng Mường lớn là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động mà người dân bản địa vẫn thường gọi (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) đến các xóm bản xa xôi đều nhộn nhịp cờ hoa vui Tết. Đây là truyền thống đã được người Mường duy trì kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay.
Trên xứ Mường Bi vào Xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc theo chân bác Trưởng xóm Bùi Văn Dựng về Nhà văn hóa, sân vận động được chứng kiến người dân đang sôi nổi tham gia các trò chơi dân gian: đánh mảng, đẩy gậy, bong rổ, bóng chuyền… mới thấy không khí náo nức tấp nập của người dân nơi đây. Từ già trẻ, gái trai nô nức “xuống núi” từ phía những ngôi nhà sàn xa xa bên lưng chừng núi với đầy đủ sắc màu quần áo nhộn nhịp đón Tết.
Tiếng cồng chiêng đã được cất lên từ nhà văn hóa thôn vang vọng khắp bản làng như linh hồn sâu thẳm trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Mường Hòa Bình. Đây là nhạc cụ truyền thống của người Mường, đã gắn bó qua nhiều thế hệ mỗi con người kể từ khi chào đời. Em Đinh Thị Uyên, đang là học sinh lớp 12 chia sẻ: Từ nhỏ cháu đã được chứng kiến ngày Tết Độc Lập, tuy nhiên mỗi năm đều có những không khí háo hức rất riêng. Cháu thấy, đây là nét văn hóa truyền thống rất tốt đẹp của người Mường mà thế hệ trẻ chúng cháu cần phải giữ gìn và phát huy để tưởng nhớ đến Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Dọc khắp các bản làng, cở đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng của ngày đầu thu khiến chúng tôi thấy thật tự hào vì đã được chứng kiến một cái Tết độc lập đậm bản sắc văn hóa Mường. Đến với vùng mường Lạc Sỹ huyện Yên Thủy, tuy không phải là vùng mường lớn nhưng không khí cũng ngập tràn niềm vui ăn Tết. Vào giữa trưa, khi các trò chơi tạm gác đến chiều là các mâm cỗ đang được bày biện sung túc: thịt lợn mường, gà đồi và các loại bánh uôi, xôi ngũ sắc… thơm nức lòng người xứ lạ. Với người Mường, đây là cái Tết thứ hai người dân ăn Tết to (sau Tết Nguyên đán). Vì vậy việc bày biện mâm cỗ thịnh soạn cũng là dịp để con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc cùng về quây quần, sum họp bên nhau cùng mừng vui ăn Tết. Thật may mắn khi chúng tôi cũng được ngồi thưởng thức các món ăn và nâng những ly rượu nồng ấm tình người của người dân nơi đây. Thật ấn tượng với những lời chúc tốt lành và lời mời rượu: “Ở đây có chén rượu trong, xin mời anh uống mà lòng thêm say”... giản dị, mộc mạc vậy thôi nhưng chúng tôi hiểu đây là tình cảm chân thành nhất của những “bông hoa rừng” mời rượu khiến bất cứ thực khách nào cũng khó có thể khước từ.
Người dân xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang chơi đánh mảng.
Tết Độc Lập cũng là truyền thống của người Mường Hòa Bình dạy cho con cháu mình về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Tất cả đã tạo nên bầu không khí mới mẻ, gắn chặt tình đoàn kết giữa các bản làng, thôn xóm, góp phần dựng xây quê hương cửa ngõ vùng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp.
Tại xóm Thấu, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy vẫn còn nhiều người cao niên đã từng được chứng kiến không khí những ngày đầu Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong đó có ông Bùi Thanh Khậy năm nay đã gần 80 tuổi. Ông nhớ lại: “Trước đây đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng mọi gia đình đều dành dụm vật phẩm ngon nhất, tuy không được nhiều nhưng cũng mang ra để thưởng thức trong ngày vui đón Tết. Nay đời sống khá giả hơn, tập tục đón Tết Độc Lập của bà con cũng no đủ hơn, nhà nào cũng thịt gà, vịt, nhiều nhà mổ lợn ăn rất to... 70 năm sau ngày độc lập, cuộc sống của bà con người Mường trong tỉnh đã khá giả, đổi thay hơn trước rất nhiều, nên Tết Độc lập lại càng đông vui hơn. Tôi tin rằng các thế hệ trên xứ Mường mai sau sẽ tiếp tục giữ gìn được nét văn hóa truyền thống rất riêng này”.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết, hằng năm cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, chính quyền địa phương lại cùng bà con các dân tộc anh em trong vùng tổ chức các hoạt động vui chơi đón Tết. Đây là nét đẹp văn hóa rất cần gìn giữ và phát huy để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ, ơn Đảng và Nhà nước nhằm giáo dục các thế hệ trẻ tiếp nối tình yêu quê hương và có trách nhiệm dựng xây đất nước.
Đất nước ta có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một nét đẹp văn hóa tinh thần riêng. Có ngày Tết của mình cũng như cùng đón chung những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng có lẽ, tổ chức một cái Tết Độc lập đậm đà bản sắc văn hóa, náo nức vui tươi đúng như không khí Tết để đón chào ngày Quốc khánh thì quả là một nét rất độc đáo trong đời sống của người Mường thời đại hiện nay, thời đại Hồ Chí Minh. Ý nghĩa trong ngày Tết Độc lập của người Mường Hòa Bình sẽ còn được lưu giữ qua từng thế hệ và cũng là bản sắc riêng về văn hóa Mường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Là nét đẹp văn hóa, tập tục trong đời sống của người Mường Hòa Bình cần duy trì và phát huy.